Sau sự cố Huy Hoàng: Cần một giải pháp quyết liệt!
Như đã biết, hậu vệ Huy Hoàng vừa gây tai nạn giao thông tại Thanh Hóa. Đáng nói, sau khi gây tai nạn, người ta phát hiện Huy Hoàng ở trong tình trạng rất phản cảm. Dù hậu vệ này được kết luận lái xe trong tình trạng say xỉn, nhưng hình ảnh một Huy Hoàng uốn éo, rũ rượi vẫn tạo nên những hệ lụy tiêu cực và vô khối những lời đồn đoán trong dư luận.
Theo Ban Kiểm tra VFF thì “vụ việc cầu thủ Huy Hoàng gây tai nạn tại Thanh Hóa không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của CLB bóng đá Sông Lam Nghệ An mà còn ảnh hưởng đến uy tín của bóng đá Việt Nam, bởi vì cầu thủ Huy Hoàng từng nhiều năm khoác áo ĐTQG”. Ban Kiểm tra VFF đã đưa ra yêu cầu: “Ban Lãnh đạo CLB bóng đá Sông Lam Nghệ An báo cáo gấp vụ việc cầu thủ Huy Hoàng gây tai nạn tại Thanh Hóa với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trước ngày 13/9/2012”.
Việc Ban Kiểm tra VFF vào cuộc một cách nhanh chóng và kịp thời sẽ giúp đưa ra kết luận chính thức về vụ việc liên quan đến Huy Hoàng. Có thể nhận thấy, theo quan điểm của Ban Kiểm tra VFF, dù kết luận về Huy Hoàng như thế nào thì hình ảnh trung vệ này, vốn được truyền tải một cách rộng khắp trên các phương tiện truyền thông những ngày qua, vẫn tạo ra những tác động tiêu cực đến đời sống bóng đá.
BTC V-LEAGUE CẦN CÓ CHỦ TRƯƠNG
Trao đổi với phóng viên báo Bóng đá vào chiều qua, Trưởng BTC V-League Trần Duy Ly cho biết: “Việc kiểm tra doping đối với các cầu thủ rất phức tạp. Cơ sở vật chất ở Việt Nam vẫn chưa đủ để xét nghiệm doping một cách dễ dàng, thuận tiện. Trước đây, Viện Khoa học TDTT vẫn phải gửi các mẫu xét nghiệm ra nước ngoài với chi phí rất tốn kém”.
Ông Trần Duy Ly cũng cho biết: “Cần phải đánh giá một cách khách quan rằng, việc sử dụng doping và các chất kích thích trong bóng đá Việt Nam đang ở mức độ nào? Nó đã thực sự trở thành một vấn nạn hay chỉ dừng lại ở mức đơn lẻ như một vài trường hợp? Có như vậy, chúng ta mới đưa ra được những giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, để có được một môi trường bóng đá lành mạnh, hạn chế tối đa tình trạng cầu thủ sử dụng doping hoặc các chất gây nghiện, vai trò của các đội bóng là rất lớn. Tôi sẽ đề nghị với Tổng giám đốc công ty VPF để ra văn bản yêu cầu các đội bóng nâng cao vai trò quản lý, giám sát của mình. Lãnh đạo đội bóng là những người hiểu cầu thủ hơn ai hết. Nếu họ vào cuộc một cách nghiêm túc thì sẽ hạn chế tối đa những hiện tượng tiêu cực trong bóng đá”.
Ngoài việc kêu gọi các CLB quản lý chặt cầu thủ, ông Trần Duy Ly cũng cho biết thêm: “Chắc chắn VFF, VPF và các đội bóng sẽ bàn thảo vấn đề này một cách quyết liệt. Khi đã có chủ trương và cơ chế, tôi nghĩ rằng, việc kiểm tra doping và các chất kích thích hoàn toàn có thể làm được. Có khó đến mấy thì chúng ta cũng phải làm, bởi nói cho cùng, đây là việc làm cần thiết để bảo vệ bóng đá Việt Nam khỏi những hệ lụy tiêu cực”.