Phó chủ tịch VFF: “Cần nghĩ tới một giải đấu ít lượng nhiều chất"
- Theo lời ông nói, có vẻ như các ông bầu là những người đã “thổi giá” cầu thủ. Điều mà dư luận quan tâm hơn cả, cho đến nay các ông bầu vẫn chưa tìm được tiếng nói chung?
- Nếu đổ lỗi cho các ông bầu thì không hẳn. Nhưng nếu nói họ là nguyên nhân trực tiếp gây nên cơn sốt giá cầu thủ thì điều đó là đúng. Tôi nghĩ đây là quy luật tất yếu của thị trường. Nói như thế, tôi không nhằm quy trách nhiệm đổ lỗi cho ai, nhưng đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi cho phù hợp bối cảnh hiện nay.
- Trong Hội nghị tổng kết mùa giải 2012, những hình ảnh tranh cãi giữa các ông bầu, cụ thể là giữa bầu Đệ (Thanh Hóa) và bầu Đức (HA.GL), đã được phát đi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và dư luận cho rằng, nội bộ VPF đang có những rạn nứt. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
- Chẳng có gì phải ầm ĩ. Đó chỉ là một vài phát biểu trong số 28 cổ đông của VPF. Cũng giống như một gia đình, vợ chồng, con cái… cũng có những lúc không đồng quan điểm. Nhưng nó không đồng nghĩa với việc đó là một gia đình lục đục, mâu thuẫn. Dù vậy, tôi nghĩ rằng, ai phát biểu, đưa ra ý kiến cũng phải tôn trọng người khác. Nói tóm lại, trong đơn vị tổ chức, đơn vị nào cũng có những mâu thuẫn, những phản biện để phát triển. Nhưng cũng cần phải khẳng định lại, quyền quyết định cuối cùng thuộc về người chịu trách nhiệm cao nhất của tổ chức và phải có được sự đồng thuận của các thành viên.
- Trong trường hợp các ông bầu rút lui, đó sẽ làm một bài toán kinh tế hóc búa đối với BĐVN. ông nghĩ gì nếu điều đó xẩy ra?
- Tôi rất tiếc nếu điều đó xẩy ra nhưng chúng ta phải chấp nhận quy luật của nền kinh tế thị trường. Có những đơn vị lập ra, phát triển và đi lên, nhưng cũng có những đơn vị khó khăn dẫn đến phá sản. Quả thật, nếu các ông bầu rút lui thì BĐVN sẽ rất khó khăn, song chúng ta phải đương đầu với sự thật, cần có những biện pháp khác để duy trì nền bóng đá.
CHẤT LƯỢNG HƠN… SỐ LƯỢNG
- Có một thực tế, BĐVN chưa đẻ ra tiền. Bây giờ, một số ngân hàng đã và đang tìm cách rút khỏi bóng đá. Vậy tại sao, Eximbank (ông Lê Hùng Dũng đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Eximbank - PV) vẫn tài trợ khoản tiền lên đến 40 tỷ đồng cho giải VĐQG 2013?
- Mỗi đơn vị, doanh nghiệp có một quyết sách riêng, không đơn vị nào giống đơn vị nào. Eximbank nhận thấy rằng giải V-League là nơi quảng bá thương hiệu tốt nhất. Hơn nữa, chúng tôi phải có trách nhiệm với xã hội. Bóng đá là một món ăn tinh thần cho người dân, qua bóng đá, ai cũng tìm thấy niềm vui vào mỗi cuối tuần. Đặc biệt là ĐTQG, nếu thành công sẽ khơi dậy niềm tự hào dân tộc, sự phấn chấn về tinh thần để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
- ĐTQG là một “thương hiệu” lớn! Theo ông, cần làm gì để ĐTQG trở thành một “thỏi nam châm” hút các nhà tài trợ?
- Có một điều đơn giản nhưng cũng phức tạp nhất, đó là nâng cao chất lượng của ĐTQG. Đội tuyển thi đấu thành công là niềm tự hào của dân tộc, được cả triệu triệu NHM ủng hộ. Tôi lấy ví dụ, sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, thương hiệu của ĐTQG đã thực sự thu hút các nhà tài trợ. Chúng ta cần nâng cao chất lượng hơn nữa bởi thực tế cho thấy, giá trị thương hiệu của ĐTQG càng cao, thì giá trị thương hiệu của các nhà đầu tư càng lớn.
- Đã có ý kiến cho rằng, trong trường hợp khó khăn, nếu một vài CLB, chẳng hạn như ở giải VĐQG V-League xin rút lui thì có bao nhiêu đội chúng ta sẽ chơi với bấy nhiêu, đó có phải là một ý tưởng hay, thưa ông?
- Như tôi đã nói, chúng ta phải gặp gỡ với các CLB để tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn. Trong trường hợp xấu nhất xẩy ra, chúng ta đành phải chấp nhận nhưng không đến nỗi phải bi quan. Tôi lấy ví dụ, hồi năm 2000, chúng tôi tới Hàn Quốc và Nhật Bản để tham quan mô hình bóng đá chuyên nghiệp. Nếu tôi nhớ không lầm, giải VĐQG Hàn Quốc lúc bấy giờ chỉ có 6-7 đội nhưng vẫn diễn ra, bóng đá cứ tiếp tục phát triển và bây giờ họ đã đạt được những thành công rực rỡ. Rõ ràng, tính hấp dẫn của bóng đá không nằm ở số lượng đội bóng tham dự, hay bao nhiều trận đấu mà nó hấp dẫn ở chất lượng của các đội bóng và giải đấu.
- Xin cám ơn và chúc ông sức khỏe!