Những bí quyết tạo nên nguồn sức mạnh của U19 Việt Nam: Chuẩn từ tác phong đến giờ giấc
NGỦ ĐÚNG GIỜ, KHÔNG VUI ĐÊM
Việc quản lý sinh hoạt của cầu thủ luôn là bài toán không hề dễ dàng với bất cứ đội bóng nào. HLV Phan Thanh Hùng đã từng thẳng thắn nói rằng, sở dĩ nhiều cầu thủ Việt Nam đã lâm vào thảm cảnh cá độ, bán độ, nợ nần cũng bởi vì đời sống cá nhân của họ quá phức tạp.
Trên thực tế, nhiều cầu thủ đã trả giá đắt vì lối sống buông thả của mình. Việc sa đà vào những cuộc chơi thâu đêm, đầy rẫy những thú vui không lành mạnh không phải là điều quá xa lạ trong đời sống bóng đá nội. Tuy nhiên, các cầu thủ U19 Việt Nam dường như là sự khác biệt bởi ý thức và cách quản lý cầu thủ rất tốt đã góp phần tạo nên thói quen sinh hoạt chuyên nghiệp cho họ.
… cho đến ăn nghỉ…
Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, lại dễ dàng sở hữu điện thoại thông minh, máy tính bảng, kèm theo trào lưu bành trướng của các trang mạng xã hội như Facebook… đã khiến nhiều bạn trẻ khó kiểm soát được giờ giấc sinh hoạt của mình.
Biết được điều đó nên từ năm 2013, ban huấn luyện U19 Việt Nam đã có quy định đối với cầu thủ đó là đêm trước ngày thi đấu, tất cả các thiết bị công nghệ, điện thoại, máy tính bảng đều phải nộp lại phòng trợ lý từ 21h30.
Theo thành viên BHL U19 Việt Nam việc đưa ra quy định nói trên là để các cầu thủ không bị “cuốn” vào các trò chơi điện tử hay tán dóc online với bạn bè dễ làm mất ngủ. Bởi nếu cầu thủ thức khuya hoặc ngủ ít thì đương nhiên sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, khi ra sân thi đấu khó có trạng thái tốt. Bên cạnh đó, trước khi đi ngủ, cầu thủ được dặn dò kỹ càng về việc uống thuốc bổ để tái tạo năng lượng, chuẩn bị hành trang cho ngày hôm sau.
Sinh hoạt đúng giờ giấc nên bây giờ nói cầu thủ U19 Việt Nam thức khuya cũng khó vì tất cả đều quen với giấc ngủ từ lúc 22h00. Hình thành thói quen tốt nên mỗi khi đi tập huấn hay thi đấu thì dù phòng khách sạn lạ lẫm đến cỡ nào cũng không làm cầu thủ U19 Việt Nam bị mất ngủ.
LUÔN ĐỨNG VỮNG TRÊN MẶT ĐẤT
Trong suốt quãng thời gian qua, tên tuổi các cầu thủ U19 Việt Nam nổi danh trên khắp các trang mạng xã hội và truyền thông đại chúng. Mỗi lần ra đường, thấy NHM gọi tên mình, xin chữ ký, cầu thủ U19 Việt Nam đều có thái độ nhã nhặn và sẵn sàng nở nụ cười thân thiện chứ không kênh kiệu kiểu ngôi sao.
Các cầu thủ U19 Việt Nam nói rằng, được sự yêu quý của NHM là điều rất thiêng liêng với họ nên phải biết trân trọng điều đó và đáp lại bằng thái độ niềm nở. Ở giải đấu vừa qua, mỗi lần giành chiến thắng, các cầu thủ chỉ ăn mừng trên sân sau đó khi về nơi đóng quân thì tất cả đều trở lại trạng thái bình thường chứ không “túm năm, tụm ba” ngoài “doanh trại” để ăn mừng chiến thắng. Họ muốn giữ đôi chân thăng bằng trên mặt đất bất chấp những lời tung hô, tán tụng đang vây quanh mình.
… và tri ân người hâm mộ theo cách chuyên nghiệp nhất
Trong khi đó, với giới truyền thông, các cầu thủ đã được quy định chỉ khi có ý kiến của lãnh đạo thì mới được trả lời phỏng vấn. Quy định rõ ràng là vậy nên khác với nhiều đội tuyển, sau mỗi buổi tập hay thi đấu xong, lãnh đội cử cầu thủ nào được phép trả lời thì người đó sẽ ra “tiếp chuyện” với các phóng viên.
Ứng xử chuyên nghiệp với giới truyền thông nên những thông tin mang tính nội bộ không bao giờ được tiết lộ ra ngoài. Mặt khác, mỗi khi đề cập đến nhận xét cầu thủ A hay gương mặt B thì người trả lời phỏng vấn không bao giờ có ý chê trách đồng đội của mình.
Mới rồi, một số phóng viên đã theo chân đến nơi đóng quân là khách sạn Thắng Lợi (Hà Nội) để phỏng vấn các trụ cột trong đội. Nhưng khi đến nơi, tất cả các ý tưởng đó đều không thành bởi quy định của đội bóng được cầu thủ nghiêm túc thực hiện. Chỉ những chi tiết nhỏ như vậy đã cho thấy sự mới mẻ, cư xử chuyên nghiệp của những “thanh niên” bảnh trai ở đội tuyển.
HLV Guillaume Graechen bộc bạch: “Các cầu thủ của tôi được đào tạo để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp thực thụ nên trong sinh hoạt hay thi đấu, họ phải chuyên nghiệp từ những cái nhỏ nhất. Tương lai phía trước còn dài và việc uốn nắn từ nhỏ là điều rất tốt cho cầu thủ. Hành trang đó sẽ hình thành 1 phong cách cho họ khi bước vào đời cầu thủ chuyên nghiệp”.
Trong khi đó, phát biểu trước đông đảo giới truyền thông tại buổi họp báo chính thức trước giải U19 Đông Nam Á 2014 - Cúp NutiFood, đội trưởng Công Phượng khẳng định: “Chúng tôi được đào tạo, giáo dục đầy đủ để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp và không lo ngại việc sa ngã vào tệ nạn xã hội”.
Không có nạn bè phái
Cầu thủ U19 Việt Nam đến từ khắp vùng miền đất nước từ Tuyên Quang, Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Phước… nhưng điều ngạc nhiên là ở đội tuyển không hề có nạn chia bè phái. Ngược lại, các cầu thủ chơi rất hòa đồng trong cuộc sống ngoài đời, đều coi nhau như anh em trong nhà.
“Thông ngôn” Xuân Trường
Các cầu thủ U19 Việt Nam đều được học tập văn hóa đầy đủ. Tuy nhiên để trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, môn học tiếng Anh được đặc biệt chú trọng để giúp các cầu thủ giao tiếp khi thi đấu ở nước ngoài. Được rèn luyện trong suốt quãng thời gian dài nên khi ra nước ngoài thi đấu, họ có thể trao đổi với bạn bè ngoại quốc. Mỗi khi các kênh truyền hình nước ngoài đề nghị phỏng vấn thì tiền vệ Xuân Trường luôn “đắt show” nhất bởi khả năng nói tiếng Anh như gió của mình. Chẳng thế mà các đồng đội vẫn thường trêu đùa Xuân Trường là người “thông ngôn” hóm hỉnh.