ĐT Việt Nam: Không cam chịu ôm phận 'kẻ thách thức'
Xuyên suốt lịch sử bóng đá khu vực, Thái Lan áp đảo hầu hết số danh hiệu ở mọi đấu trường so với Malaysia, Singapore, Indonesia hay Việt Nam, khi những đội bóng này không tạo được một thế cực đối lập đủ sức cạnh tranh với người Thái trong một giai đoạn dài.
Tuy vậy, một số đội bóng cũng đang cho thấy sự tiến bộ rõ rệt trong khoảng 1 thập kỷ trở lại đây. Xét về phong độ hiện tại cũng như nhìn lại chiến lược phát triển bóng đá, Việt Nam và Myanmar đang cho thấy tiềm năng lớn khi được đầu tư nghiêm túc và bài bản.
Nói riêng với bóng đá Việt Nam, thành công của học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG cũng như một số lò đào tạo truyền thống trên cả nước đã giúp chúng ta có được một lứa U19 có chất lượng rõ rệt. Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Minh Long hay Duy Mạnh… được đầu tư rèn luyện không chỉ trong nước mà còn ở các quốc gia có nền bóng đá phát triển như Nhật Bản, Anh, Pháp, Bỉ…
Chính điều này giúp U19 Việt Nam gieo lên niềm hy vọng cho người hâm mộ nước nhà với lối chơi đẹp mắt bên cạnh những thành công đáng kể như góp mặt ở VCK U19 châu Á 2014, thi đấu ngang ngửa với nhiều đội mạnh trong châu lục (U19 Australia hay U19 Nhật Bản…).
Hay tại SEA Games 28 vừa qua, dù chỉ giành HCĐ (do trận thua phần nhiều do kém may mắn 1-2 trước Myanmar khiến U23 Việt Nam dừng bước ở bán kết), các cầu thủ trẻ đã để lại nhiều điểm nhấn ấn tượng như hàng công tốt nhất lịch sử của Việt Nam khi tham dự SEA Games (23 bàn thắng) với hơn 10 cầu thủ ở cả ba tuyến đều có khả năng săn bàn, hàng thủ cho thấy sự vững vàng ở nhiều trận đấu hay phong độ ổn định trong khung gỗ của thủ môn Phí Minh Long…
Chính sách trẻ hóa lực lượng, tạo điều kiện cho các tài năng được thi đấu bên cạnh những cầu thủ kỳ cựu ở đội tuyển quốc gia giúp Việt Nam khai thác tối đa điểm mạnh từ kinh nghiệm, sức trẻ cho đến phẩm chất các cầu thủ vốn được trui dèn trong môi trường đào tạo nghiêm túc, có đầu tư chiến lược lâu dài.
Tất nhiên, sức bật lớn từ phía các cầu thủ trẻ giúp bóng đá Việt Nam khởi sắc trở lại trong khu vực cũng như dần vươn đến tầm châu Á. Tuy nhiên, để trở thành một đối trọng xứng tầm với Thái Lan thì chúng ta còn cần phải nỗ lực hơn rất nhiều.
Ba chiến thắng gần đây của Thái Lan (tại giao hữu trước vòng loại U23 châu Á, vòng loại World Cup 2018 và vòng bảng SEA Games 28) ở cả cấp độ U23 lẫn ĐTQG trước Việt Nam cho thấy vẫn còn một khoảng cách đáng kể về trình độ giữa hai nền bóng đá vốn vẫn được xem là nhất nhì khu vực.
Quay trở lại công tác đào tạo trẻ - yếu tố vốn được xem là tương lai của mỗi nền bóng đá, cũng như Thái Lan, nhiều lò đào tạo chú trọng phát triển kỹ thuật cho các cầu thủ trẻ. Đó là lý do vì sao Công Phượng có thể tung cú phất bóng dài chính xác trong vòng đúng 1 nhịp sang cánh trái cho Huy Toàn, hay Tuấn Anh, Xuân Trường lại có thể kiểm soát bóng tốt trong chân.
Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một vài nhân tố hiếm hoi mà bóng đá Việt Nam có được bởi xét cho cùng, vẫn còn rất nhiều những tài năng trẻ chưa được đào tạo hoặc đào tạo chưa đúng hướng.
Bóng đá hiện đại yêu cầu một nền tảng thể lực và kỹ thuật cơ bản ở mức độ hoàn hảo, tức là ngay thời điểm chạm bóng họ có thể tư duy làm gì với trái bóng ở 2 đến 3 nhịp tiếp theo. Đó là điều mà Thái Lan đang có được ở những Yooyen hay Chanathip. Trong khi tại Việt Nam, chúng ta vẫn chưa thể khơi dậy và phát huy tố chất của mọi cầu thủ trẻ.
Việt Nam đang có bước đi đúng đắn và tiến bộ trong thời gian qua. Nhưng để trở thành một thế lực thực sự có thể cạnh tranh với Thái Lan ở khu vực cũng như các đội bóng mạnh trên bình diện châu Á, chúng ta vẫn cần tập trung nhiều hơn nữa vào kỹ thuật và thể lực của các cầu thủ, giống như HA.GL – Arsenal JMG hay PVF đã và đang thực hiện trong thời gian qua.