ĐT Việt Nam: Dấu ấn từ cách phòng ngự khoa học
Thực tế, đội bóng của HLV Toshiya Miura đã nhập cuộc với sơ đồ 4-4-2. Thế nhưng, dường như trong suốt 90 của trận đấu, ĐT Việt Nam đã có sự “khu biệt” giữa các cầu thủ chơi phòng ngự và nhóm cầu thủ đảm nhiệm vai trò tấn công.
Minh Châu và Khánh Lâm, rồi một cầu thủ khác cũng của Hải Phòng là Quốc Trung (thay Minh Châu phút 76) được bố trí thi đấu ở trung tâm hàng tiền vệ. Cùng với bộ tứ vệ Ngọc Hải, Chí Công (Đinh Tiến Thành vào thay hiệp 2), Huy Cường và Mai Tiến Thành, các tiền vệ trung tâm của HLV Miura đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng ngự trước khung thành của Nguyên Mạnh.
Ngoài cặp tiền vệ trung tâm chơi thấp, dễ dàng nhận ra, hai hậu vệ cánh Quế Ngọc Hải và Mai Tiến Thành rất ít khi leo biên tấn công. Vậy nên, ĐT Việt Nam luôn có đến 6 cầu thủ đứng ở phần sân nhà khi bóng nằm trong chân đối phương. 4 cầu thủ phía trên là Công Vinh, Hải Anh, Trọng Hoàng và Minh Tuấn (ở hiệp 1) và hiệp 2 là Công Vinh, Quang Hải, Văn Quyết, Mạc Hồng Quân thường xuyên lùi sâu về sân nhà để nhận bóng và tổ chức tấn công.
VIDEO: Việt Nam 1-1 CHDCND Triều Tiên |
---|
Không phải đá “khoán”, nhưng như đã nói, ĐT Việt Nam có sự “khu biệt”, phân vai rõ ràng cho các vị trí trên sân. Có thể nói, trận hòa 1-1 trước đối thủ mạnh như CHDCND Triều Tiên có dấu ấn rất lớn từ cách tổ chức phòng ngự. Bàn thắng của Hồng Quân sau một pha phản công nhanh là sản phẩm từ việc vây bắt từ sân nhà rồi chờ đối thủ sơ hở và phản đòn.
Cần phải thẳng thắn thừa nhận, ĐT Việt Nam còn thiếu những đường chuyền sắc sảo để tiếp cận cầu môn đối phương khi cặp tiền vệ được sử dụng chơi thiên về phòng ngự. Tuy nhiên, có thể thấy được dụng ý của HLV Miura là ĐT Việt Nam đang chuẩn bị phương án khi phải đối đầu với các đối thủ được đánh giá ở thế “cửa trên”, chẳng hạn như chuyến làm khách của ĐT Thái Lan tại vòng loại World Cup 2018 vào ngày 24/5 tới.