ĐT Việt Nam: Đá bóng vì ai?
Khi cần làm việc, khi nhận thấy cơ hội lớn được chạm trán một trong những đội bóng hàng đầu thế giới là Man City, ông Miura sẵn sàng từ bỏ niềm vui của bản thân. Nói cách khác, nhà cầm quân này hiểu đâu là cái đích lớn cần phải hướng đến và thực tế là đích đó có ích cho bản thân, cho học trò và cho cả nền bóng đá.
Câu chuyện liên quan đến ông Miura khiến người viết nhớ đến những cầu thủ và đội bóng đang phải gồng mình cho các mục tiêu khác nhau trên đường đua V-League. Đội bóng nhà giàu thì hướng đến cái đích giành huy chương. Kẻ khó hơn thì hài lòng với niềm vui trụ hạng. Nhưng, dù có ở trạng huống nào thì người trong cuộc cũng phải gắn kết, phải xác định mình đá vì ai thì mới mong có được động lực để thành công.
Nhiều người nói, các cầu thủ phải xác định được tâm thế đá vì NHM, vì ông bầu. Điều đó đúng, bởi NHM là những người luôn đồng hành cùng đội bóng bất kể nắng mưa, tốn kém về thời gian và tiền bạc. Cầu thủ cũng phải chiến đấu vì lãnh đạo, những người đang hàng ngày tìm kiếm tiền bạc để trả lương, trả thưởng cho đội bóng.
Cuộc sống vốn rất đỗi công bằng. Bạn cho để được nhận về mình tình yêu và sự tôn trọng. Bạn tận hiến để được là chính mình, được thỏa sức vùng vẫy với tình yêu và trách nhiệm. Nhưng, bạn cũng cần phải chiến đấu để vì chính bản thân mình. Sẽ chẳng có ngôi sao, không có những hợp đồng tiền tỷ, mức lương hàng chục triệu nếu các cầu thủ không chứng minh giá trị của mình trên sân cỏ. Vậy nên, chẳng hề quá khi nói rằng, trước khi vì người khác, các cầu thủ phải vì chính mình, bởi danh vọng và tiền bạc được quyết định bởi thành tích của đội bóng. Cũng vì lý do này mà người ta tin, ở chặng nước rút hiện tại, chỉ có kẻ khờ khạo mới đi ngược với quỹ đạo của cuộc chơi.