Đinh Văn Ta, Danny David và nỗi sợ hãi khi chơi bóng ở V-League
Tuy nhiên, ở V.League không chỉ có cái lồng ngực của tiền đạo ĐT.LA bị gãy xương, mà còn nhiều ca chấn thương từ những pha vào bóng đầy kinh hoàng khác. Và hậu quả để lại cho các nạn nhân là rất nặng nề.
CÚ SONG PHI TƯỞNG VỠ LỒNG NGỰC
“Tôi đã lạnh xương sống khi tình huống ấy diễn ra ngay trước mặt. Đó là một pha tranh chấp ở giữa sân nhưng không đến mức phải quyết liệt. Vậy mà anh ta ( Đinh Văn Ta) vẫn cố tình bay người đạp thẳng vào người Danny David. Thật may là anh ấy vẫn bình an vô sự. Cả gia đình tôi đều chứng kiến tình huống đó trên truyền hình và đã gọi điện với giọng run sợ. Thậm chí, họ còn khuyên tôi hãy bỏ bóng đá đi” - tâm sự của một cầu thủ của ĐT.LA
Anh này vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại cú kungfu của Đinh Văn Ta vào người Danny David ở phút 90+4, trong cuộc đọ sức giữa V.NB gặp ĐTLA. Sau tình huống này, cầu thủ người Tanzania nằm bất động trên sân, được đưa thẳng tới bệnh viện cấp cứu vì gãy xương sườn.
Trên mạng xã hội facebook, “thủ phạm” Đinh Văn Ta đã gửi lời xin lỗi đến “nạn nhân” và người hâm mộ. Tuy nhiên, điều đó không giúp anh ta né tránh được sự chỉ trích của công luận. NHM đều cho rằng cầu thủ của V.NB không phải đi đá bóng, mà là triệt hạ đồng nghiệp.
Chủ tịch CLB ĐT.LA, ông Võ Thành Nhiệm cũng rất bức xúc: “Tôi không hiểu tại sao anh ta lại có thể thực hiện một pha vào bóng như thế. Mọi việc hãy để mọi người phán xét bởi ai cũng đã rõ. Với cá nhân tôi, những cầu thủ như Đinh Văn Ta sẽ khiến sân cỏ trở nên bạo lực…”.
ỐNG QUYỂN GÃY LÌA CỦA TẠ THÁI HỌC
Dẫu gì Danny cũng may mắn vì không phải nghỉ dài hạn như nạn nhận của những cú vào bóng kinh hoàng. Mà ví dụ điển hình nhất là tiền đạo Tạ Thái Học của Hoàng Anh Gia Lai.
Đó là trận đấu giữa Hoàng Anh Gia Lai và Khánh Hòa ở vòng 23, V.League 2011. Chỉ mấy phút khi vào sân thay cho tiền đạo Evaldo, sau một pha vào bóng như “tiều phu đốn củi” của người đồng tuế Nguyễn Thanh Hùng, ống quyển của Tạ Thái Học đã gãy đôi. Nghiệt ngã thay, đấy là lần đầu Học được hít thở bầu không khí chuyên nghiệp V.League.
Phải mất cả năm trời, Tạ Thái Học mới có thể trở lại chơi ở V.League. Chỉ có những người theo dõi cầu thủ người Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) này mới hiểu được những nỗ lực phi thường của Học. Và đổi lại là một chuyến “xuất ngoại thi đấu” cho CLB Hoàng Anh Attapeu tại Cúp Thủ tướng Lào hồi tháng 11/ 2012, rồi được triệu tập trở lại V.League 2013.
Thế nhưng, các HLV của HA.GL thừa nhận: “ May là Thái Học có cơ địa tốt mới có thể trở lại chơi bóng. Song, đáng tiếc là cảm giác chơi bóng của tiền đạo này đã không còn như xưa”.
Pha vào bóng khiến ống quyển của Thái Học gãy làm đôi
Chính Tạ Thái Học cũng nhiều lần nói rằng: “Một thời gian dài dường như tôi phải mang một đôi chân mượn. Mỗi khi ra sân tập luyện thường có cảm giác sợ hãi, nhát bóng vì nỗi ám ảnh chấn thương vẫn còn đó”.
Đúng là như thế, sau tai họa đó, người ta thấy một Tạ Thái Học lì lợm biến mất. Đôi chân của tiền đạo này cũng giống như pha lê, rất mong manh dễ vỡ. Để hạn chế rủi ro với đôi chân ấy, các bác sĩ của HA.GL đã phải tìm khắp các viện quân y mới có được một bộ ốp chân đặc chủng dành cho Tạ Thái Học. Nhưng dù chân đã được giáp, Thái Học vẫn chưa lấy được sự tự tin trong các pha đối mặt.
HÃY YÊU CHÂN ĐỒNG NGHIỆP
Danny David hay Tạ Thái Học đều gặp phải những chấn thương khác nhau. Tuy nhiên, tựu trung, họ là những nạn chân của bạo lực sân cỏ. Thực tế, đã có rất nhiều biện pháp của các nhà tổ chức nhằm hạn chế dịch nạn này. Thế nhưng, chỉ dùng luật thôi là chưa đủ, vì giống như Đinh Văn Ta có bị phạt 15 triệu đồng, có bị treo giày 5 trận, thì chẳng ai dám chắc, sau này anh này có tái lặp hành động xấu xí nói trên hay không?.
Chính vì thế, hơn bao giờ hết các nhà tổ chức giải đang kỳ vọng vào nhận thức của các cầu thủ sẽ đổi thay. Nói cách khác, khi ra sân các cầu thủ cũng phải ý thức được việc bảo vệ đôi chân của đồng nghiệp cũng giống như của chính mình, bởi đôi chân cũng là “chiếc cần câu cơm” với tất cả những ai đã và đang theo nghiệp quần đùi áo số.
Từ Danny David tới Tạ Thái Học, hy vọng rằng những ai còn mang tư tưởng “chơi bóng chặt chém”, “triệt hạ chân giò đối phương” vào sân hãy đổi thay. Hãy yêu chân của đối thủ như chân của mình. Có như thế bóng đá với đích thực là môn thể thao Vua.