“Cháy” ở “lâu đài” VFF
Kể từ khi bầu Kiên tung “mồi lửa” ở Hội nghị tổng kết mùa giải 2011 hơn 4 tháng trước, ngôi nhà VFF đang bị “ngọn lửa” từ các ông bầu và dư luận thiêu đốt trên diện rộng. So với các tổ chức khác, năng lực phòng cháy, chữa cháy của VFF thuộc hạng cao thủ. Thế nhưng, tất cả những nỗ lực đều không thể dập tắt được đám lửa đã được tích tụ từ quá lâu. VFF không tiến hành đại hội bất thường như một hoạt động bình thường, thì đã có ông Kiên và 6 chiến hữu khác kiêu binh dẫn đến phải thay đổi mô hình tổ chức, điều hành giải cũ. VFF có cố tình trì hoãn việc ra đời của VPF, nhưng thất bại của U23 đã buộc họ phải nhanh chóng ủng hộ VPF. Thất bại của U23 Việt Nam thể hiện sự tất yếu khách quan, khi đấy cũng chỉ là sản phẩm của một nền bóng đá đang yếu cả nội lực lẫn tinh thần, được điều hành bởi một tập thể lãnh đạo năng lực kém như VFF.
Trong bối cảnh dư luận chưa hết phẫn nộ, VFF cần thể hiện thiện chí, tính nhân văn thì họ đã tự tung thêm xăng vào, khi đối xử bất nhẫn với ông huấn luyện viên Falko Goetz ngay trước thềm Noel, vốn rất thiêng liêng với người phương Tây. Hành động đó cũng chỉ để cứu lấy Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn. Khi họ đã tưởng “bịt miệng” được dư luận, thì đã nhầm. Dòng nham thạch bức xúc trong dư luận đã trào dâng khiến VFF không thể bảo vệ ông Tuấn “tổng”, buộc ông Tuấn phải từ chức.
Thất bại của U23 VN thể hiện sự tất yếu khách quan, khi đấy cũng chỉ là sản phẩm của một nền bóng đá đang yếu, được điều hành bởi một tập thể lãnh đạo năng lực kém như VFF
Cho dù thế, thì dư luận vẫn chưa buông tha cho VFF. Đơn giản bởi việc ghế ông Tuấn bị cháy, có đưa ai đó lên thay thế, thì không thay đổi được bản chất vấn đề - tức làm cho VFF và bóng đá Việt Nam lột xác, thoát ra khỏi sự trì trệ mãn tính. Năng lực, cung cách điều hành của VFF bị chê là điều tất yếu, nhưng những con người làm nên một tổ chức yếu kém, thách thức dư luận vẫn còn đó, đồng nghĩa với hiểm họa mà bóng đá Việt Nam phải đối diện vẫn như một bóng ma ám ảnh. Không chỉ khi 19 thành viên trong Ban chấp hành VFF bỏ phiếu giữ chân ông Tuấn “tổng”, chúng ta mới thấy nhân sự của VFF quá ư có vấn đề. Họ nhân danh tập thể, lấy bình phong là các quy định FIFA để đi trái với nguyện vọng chung của dư luận, qua mặt cơ quan quản lý họ là Tổng cục TDTT và Bộ VH,TT&DL.
Dân ta yêu bóng đá nên đã bao lần bỏ qua khiếm khuyết cho VFF chỉ để tổ chức này sửa sai. Vậy mà, không những càng sửa càng sai, sự tôn trọng của VFF với dư luận cả nước càng leo thang. Do đó, lòng dân đã không thuận, thì làm sao VFF có thể tồn tại và phát triển được? Các doanh nghiệp tẩy chay, thì họ còn chơi với ai? Lãnh đạo tổ chức này càng nỗ lực dập những ngọn lửa, thì càng lộ ra những khiếm khuyết khó có thể chấp nhận. 19 chai rượu mang tên “rượu tự trọng” của Hội CĐV gửi đến cho 19 thành viên đã tham dự Hội nghị Ban chấp hành VFF đưa ra những quyết sách về tương lai huấn luyện viên Falko Goetz và giữ chân Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn, thực sự thể hiện nỗi đau của người hâm mộ khi niềm tin bị cạn kiệt, nhiều hơn là sự hể hả.
Một cái ghế ông Tuấn “tổng” bị cháy, chỉ càng thổi bùng lên ngọn lửa bất bình và người ta càng thấy khó chấp nhận tổ chức này. Chắc chắn ngôi nhà VFF vốn đang tơi tả sẽ không thể đứng vững trong thời gian tới, nếu những cái cột và nóc vẫn không được thay đổi.
VPF cũng phải “cẩn thận củi lửa”
Mùa giải 2012 chỉ mới chạy đà với trận Siêu cúp và 2 loạt đấu của Cúp Quốc gia, nhưng đã có lửa mang tên trọng tài và bạo lực. Cầu thủ đánh nhau tưng bừng trên sân Ninh Bình, trong đó có đội bóng của “chủ soái” Nguyễn Đức Kiên. Hai trọng tài đã bị kỷ luật. Đáng chú ý nhất là trọng tài Kiều Việt Hùng đã bị phía Khánh Hòa chỉ trích là thiên vị quá lộ liễu Sài Gòn FC. Đành rằng không phải phản ứng với trọng tài có nghĩa “vua” sai, nhưng thử hỏi khán giả TP.HCM sau trận đấu, rất đông người đã động viên, an ủi Khánh Hòa và chỉ trích Kiều Việt Hùng, thì cũng là hàn thử biểu đo sự công tâm của trọng tài bắt trận này.
Chế độ cho trọng tài nghe phấn khởi, nhưng đội ngũ cầm cân nảy mực vẫn phải bỏ tiền túi để làm nhiệm vụ mấy vòng đấu vừa qua. Những đám cháy mới phát lộ ở giải thấp, nhưng chừng đó đủ hứa hẹn sức nóng rất lớn cho đấu trường Super League.
đã trao đổi với một loạt những nhân vật xung yếu, như Trưởng BTC Super League Trần Duy Ly, Trưởng ban trọng tài Dương Vũ Lâm, Trưởng ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường, Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn, về những tồn tại muôn thuở của giải đấu nội địa. Tất cả đều chung tâm trạng - mong mỏi dư luận hãy kiên nhẫn với VPF, với những tồn tại bởi giải đấu trong nước không thể tốt lên một sớm một chiều.
Đúng thế, những tồn tại kiểu trọng tài bắt thiên vị, cầu thủ, quan chức phản ứng vô lối với trọng tài, bạo lực sân cỏ, liên minh ma quỷ, những bản án kỷ luật chưa thuyết phục..., đã hằn quá sâu với bộ phận lớn những người tham gia địa hạt bóng đá. Để thay đổi một ý thức hệ, thì không còn cách nào khác, lãnh đạo VPF phải là tấm gương sáng để thiên hạ noi theo. Lâu nay, BTC giải cũ chưa làm được điều đó, khi họ vẫn chứng minh sự trong sáng, vô tư và cái tâm vì sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Chính họ đã nhiều lần giăng ra mê cung, chỉ để phục vụ lợi ích nhóm, nhằm đưa giải về đích an toàn.
Có thể ví lãnh đạo VPF đang như những người đi mở rừng, mở cõi. Họ sẽ gặp vô số rào cản. Trong đó, không loại trừ rào cản từ chính những bộ phận nằm trong BTC giải trước đấy. Chỉ thực sự có sự đồng thuận giữa VPF và VFF, vì quyền lợi chung là sự phát triển của bóng đá Việt Nam, thì mới hy vọng các giải đấu trong nước thực sự lột xác, nâng tầm.
Trước khi ngọn lửa bùng lên thì biểu tượng của nó là khói, “khói” và “lửa” tương quan liên hệ theo luật nhân quả, nên mới có câu: không có khói làm sao có lửa. VFF sẽ không bị cháy dữ dội như thế, nếu tổ chức này minh bạch, đàng hoàng, có trình độ cao và chịu khó lắng nghe tiếng lòng của người hâm mộ. VPF và BTC mùa giải 2012, họ hãy thực sự là những người dám “tử vì đạo” (vì bóng đá Việt Nam), thì lo gì không được ủng hộ và bỏ qua những khiếm khuyết.
Ngọc Hòa
Thethaovanhoa.vn