Thật bất ngờ, trong đêm trắng Jakarta, họ không nói về văn hóa chịu trách nhiệm, văn hóa từ chức, mà luận bàn về văn hóa chấp nhận thất bại. Chấp nhận để biến nỗi đau thành nhận thức và hành động đúng.
BÁT MỲ TÔM ĐỒNG CẢM
Đến giờ, các CĐV ruột của ĐT U23 Việt Nam tại SEA Games 26 vẫn kể chuyện hai fan cuồng nhiệt Quê “râu” và chị Thúy bỏ bữa sau trận tranh HCĐ. Buổi tối hôm đó, mọi người cố gạt nỗi buồn sang một bên để tổ chức sinh nhật muộn cho CĐV nổi tiếng là lòe loẹt nhất Việt Nam này. Thế nhưng, dù là nhân vật chính của buổi tiệc song Quê “râu” nhất định không chịu ăn gì dù đã gần như kiệt sức vì đánh trống cổ vũ cho các cầu thủ “như điên, như dại” suốt cả trận đấu. Mọi người lo vì sợ anh không đủ sức cho hành trình dài quay trở về Việt Nam vào ngày hôm sau.
Khi mọi người bất lực thì đột nhiên, sau trận chung kết SEA Games, Quê “râu” tươi tỉnh trở lại và nhất định đòi chiến hữu “cạn chén”. Sau này mới vỡ lẽ, khi biết U23 Indonesia thua trước U23 Malaysia trong trận chung kết, không thấy Jakarta bị biến thành địa ngục, Quê “râu” đã tìm cho mình sự đồng cảm. Anh tự nhủ: “Họ chơi trên sân nhà, lại mạnh hơn mình nên khát khao vô địch lắm chứ. Ay vậy mà lại thua trận, nhưng tuyệt nhiên không có cảnh hỗn loạn, chỉ trích. Thất bại được họ đón nhận một cách nhẹ nhàng thì mình có gì phải buồn. Hơn nữa, U23 Việt Nam thực tế không phải là mạnh”.
Đồng cảm với thất bại của CĐV nước chủ nhà, Quê “râu” trở nên hoạt bát và lập tức “đả” hết 2 bát mì tôm. Từ đấy, người ta lại thấy CĐV này “nổ” như súng liên thanh. Trở về Việt Nam, anh tâm sự: “Người ta bảo rằng, dù có mất mát thì thứ còn lại đối với mỗi con người là kinh nghiệm. Tôi thấy, CĐV Việt Nam mình phải học tập CĐV Indonesia rất nhiều. Cái đầu tiên cần phải học đó là văn hóa ứng xử với thất bại. Đã thi đấu quốc tế ai chẳng có lòng tự hào dân tộc, nhưng khi đã thất bại, cần phải có hành xử đúng. Rất nhiều CĐV của mình đi đến sân như đi du lịch. Hào nhoáng đấy, nhưng khi thất bại thì lại trở nên yếu đuối, kém bản lĩnh.
Càng thua thì càng phải cổ vũ, bởi đó là lúc cầu thủ cần mình nhất. Hơn thế nữa, đã ra nước ngoài, mỗi CĐV là một đại sứ hình ảnh của một đất nước. Mình không bảo vệ hình ảnh đất nước mình, không tôn trọng mình thì đừng mong người khác làm vậy. Và khi thua trận, phê phán cầu thủ, HLV thì dễ, nhưng cái khó chính là tìm ra bản chất vấn đề là tại sao chúng ta lại rơi vào bi kịch. Tiếc là nhiều người chỉ thích làm cái dễ mà quên mất rằng, muốn hoàn thành giấc mơ, ta phải làm từ cái khó”.
THƯỚC PHIM CỦA SÁNG “CỦ CHI”
Có một chi tiết mà ít người biết đến là sau trận tranh HCĐ, hầu hết các CĐV Việt Nam đã trốn chạy khỏi “địa ngục” Bung Karno thì có một người nán lại, đó là CĐV Sáng “Củ Chi”. Vậy nên, anh có cơ hội chứng kiến thời khắc đáng quên nhất của bóng đá Indonesia, đó là cảnh U23 Malaysia đăng quang ngôi vô địch SEA Games.
Anh kể: “Lúc thủ môn Malaysia cản phá thành công cú đá 11m của cầu thủ Indonesia, khán đài như chết lặng. Tôi thực sự lo lắng, bởi hơn 80 ngàn con người này nổi giận thì sẽ thật kinh khủng. Ay vậy mà không có cảnh hỗn loạn, không có sự chỉ trích nào dành cho các cầu thủ chủ nhà. Thậm chí, họ còn vỗ tay động viên các cầu thủ, gọi tên người đã sút hỏng quả phạt đền cuối cùng. Tôi tự nhủ, nếu ở Mỹ Đình, ĐT U23 Việt Nam mà thất bại theo kịch bản như U23 Indonesia thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. U23 Việt Nam đã thua, nhưng tôi đã có cho mình những thước phim vô cùng ý nghĩa. Tôi ấn tượng với cách mà người Indonesia đón nhận thất bại. Họ rất bản lĩnh trước nỗi đau. Đó mới là sự chuyên nghiệp, bởi một khi chúng ta để tình cảm lấn át lý trí rất có thể dẫn đến những sai lầm về nhận thức”.
ĐÊM TRẮNG JAKATA
Đêm 21/11, những người Việt Nam tại Jakarta không thể ngủ. Họ buồn. Nhưng điều tuyệt vời nhất là họ không để cảm xúc cá nhân đánh gục mình. Họ liên tục gọi điện về Việt Nam để hỏi về không khí tại quê nhà. Đến tận 3 giờ sáng, máy điện thoại của người viết vẫn đổ chuông và bên kia đầu dây là những số máy từ Indonesia. Vẫn biết là các CĐV muốn tìm kiếm sự đồng cảm trong nỗi buồn, nhưng điều đáng mừng là trong những câu chuyện của họ, nguyên nhân thất bại của ĐT U23 Việt Nam đã được đề cập một cách đầy đủ và bản chất nhất.
Đến tận bây giờ, nhà giáo Nguyễn Mạnh Hiền, cựu Chủ tịch Hội CĐV Hải Phòng vẫn bảo lưu quan điểm, “Thất bại của ĐT U23 Việt Nam phản ánh những bất cập của nền bóng đá. Nhưng trước tiên, đó là sự thất bại trong đánh giá tình hình bóng đá khu vực và không nhận thức đúng giá trị bản thân”.
Theo ông Hiền, bóng đá Việt Nam đã tự mua dây buộc mình khi quá ảo tưởng vào sức mạnh của mình. Chúng ta đem lối tư duy cũ để đánh giá một bức tranh bóng đá ĐNA vốn đã thay đổi về căn bản. Chính sự lỗi thời trong nhận thức đã khiến bóng đá Việt Nam phải trả giá. Điều dễ thấy nhất là tự đưa mình vào mộng ảo để rồi đau đớn khi bị đẩy trở về thực tại.
Nhận thức sai lầm, nhưng theo CĐV nhiệt thành người Hải Phòng thì, “Thất bại của ĐT U23 Việt Nam là tất yếu khi chúng ta đem đến SEA Games 26 một đội ngũ yếu bản lĩnh. Hay nói đúng hơn, bóng đá Việt Nam đang gặp khó khăn trong tuyển chọn lực lượng. Điều này, chính Thái Lan cũng đang phải đối mặt. Trào lưu ngoại binh hóa sân chơi quốc nội và cùng xu hướng chạy theo thành tích của các ông bầu đã làm bóng đá Việt Nam phát triển một cách méo mó. Bằng chứng là chúng ta không có những cầu thủ giỏi ở những vị trí tối quan trọng”.
Xác định được bản chất vấn đề, bình tĩnh trước những thử thách sẽ mang đến cơ hội để bóng đá Việt Nam thay đổi theo hướng tích cực. Hay nói đúng hơn, dù có thế nào thì bóng đá Việt Nam cũng phải xây dựng cho được một thứ văn hóa vốn xưa nay hiếm, đó là “văn hóa chấp nhận thất bại”. Chấp nhận mình chưa là gì, cần phải nỗ lực hơn nữa, đó là cách để bóng đá nước nhà bớt ảo tưởng. Bởi nếu tiếp tục vỗ ngực, tự hào một cách thái quá giá trị bản thân sẽ không thể mang đến cho chúng ta một tư duy và lối hành xử đúng. Thậm chí, đẩy dư luận vào cơn ác mộng của sự hoài nghi và hoang tưởng về những giá trị không có thật.
MẤY LỜI GỬI CÁC ÔNG BẦU
Từ TP.HCM, anh Hồng, một CĐV quen thuộc trong mỗi kỳ SEA Games nhắn nhủ rằng, “Thất bại thì đã rồi, nguyên nhân cũng chỉ rõ. Bây giờ, mong các ông bầu hãy vì bóng đá Việt Nam như những gì đã tuyên bố. Hãy xây dựng một nền bóng đá bài bản, đề cao những giá trị nội tại thay vì trào lưu lệ thuộc vào giá trị ngoại. Hãy đầu tư cho bóng đá trẻ một cách thật sự, chứ không phải làm cho có, bởi đó mới là gốc rễ của nền bóng đá”.
Bongdaplus.vn