Vì lẽ ấy những hành vi cao thượng, hành động đẹp… tựu chung là chơi đẹp, là fair play đều xứng đáng được đề cao để tô đẹp thêm cho môn thể thao vua.
Nhìn lại một thập niên qua, bóng đá Việt Nam có đầy rẫy những hình ảnh phi thể thao. Như câu chuyện bán độ rúng động ở SEA Game 23, chuyện các cầu thủ Đồng Nai và Ninh Bình nhúng chàm… Những hình ảnh ấy khiến nền bóng đá nước nhà bị sứt mẻ niềm tin trong lòng người hâm mộ. Minh chứng là ngay cả ông chủ tịch VFF cũng nghi ngờ một số tuyển thủ Việt Nam có dấu hiệu tiêu cực trong trận thua Malaysia tại bán kết lượt về AFF Suzuki Cup 2014.
Ngược lại với những sự xấu xí kể trên, các câu chuyện đẹp về HLV, cầu thủ hay khán giả lại khan hiếm dần. Đó là một sự báo động cho nền bóng đá nước nhà!
BĐVN đang cần một tinh thần fair-play
Bởi bóng đá sẽ “sống mòn” nếu bị người hâm mộ quay lưng khiến những khán đài vắng tanh. Khán giả không bao giờ muốn xem những trận đấu đá bạo lực như đấu võ, hay chứng kiến hình ảnh các cầu thủ xúm lại vây hãm trọng tài… Nền thể thao của một đất nước sẽ bị xuống cấp nếu các vận động viên giỏi biến chất vì đồng tiền mà bán rẻ nhân cách.
Bây giờ, sự yêu mến mà HA Gia Lai đang có được là nhờ vào lối chơi đẹp để cống hiến cho người hâm mộ. Xa hơn, một thời vang bóng của bóng đá Việt Nam là câu trả lời cho những điều ấy. Thế hệ Huỳnh Đức, Hồng Sơn đã từng làm say đắm lòng người. Ai ai cũng yêu mến vì họ chơi bóng bằng cả trái tim và luôn đặt trách nhiệm với người hâm mộ lên hàng đầu. Những khán đài luôn đầy ắp khán giả ở những trận đấu có Cảng Sài Gòn hoặc Thể Công thi đấu…
Từ đó có thể thấy được tinh thần fair play cần được đề cao hơn bao giờ hết đối với nền bóng đá Việt Nam. Bởi việc biểu dương các hành vi đẹp, hành động cao thượng của cầu thủ, HLV và cổ động viên không chỉ đơn thuần là tôn vinh họ mà còn góp phần chống lại những hình ảnh xấu đang tồn tại của bóng đá nước nhà.
Chỉ có như vậy, bóng đá Việt Nam mới trở lại đúng với vẻ đẹp ban đầu.