Bình luận: Có một đội tuyển nữ rất khác...
TỪ BÀI TOÁN TÂM LÝ & THỂ LỰC…
Tâm lý và thể lực được coi là những nguyên do cốt lõi dẫn đến thất bại của ĐT nữ Việt Nam ở chung kết SEA Games 2013 và trận play-off tranh vé dự World Cup 2015. Vì thế, giới chuyên môn đã rất lo ngại là thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ tái diễn những điểm yếu ấy tại Asiad 17. Nhưng những gì mà ĐT nữ Việt Nam thể hiện ở Hàn Quốc đã gạt bỏ hoàn toàn nỗi lo ấy.
Ngoại trừ Hong Kong, các đối thủ còn lại của Việt Nam từ vòng bảng đến trận tranh hạng ba, kể cả Thái Lan, đều sở hữu nền tảng thể lực sung mãn và thể hình vượt trội so với đoàn quân của ông Mai Đức Chung. Nhưng lần đầu tiên chúng ta thấy, các nữ tuyển thủ Việt Nam đã không có dấu hiệu hụt hơi. Bằng chứng rõ nét nhất là các học trò của ông Mai Đức Chung đã đảm bảo được sự dẻo dai đến phút cuối, không có dấu hiệu của chuột rút ở tất cả các trận đấu.
Dưới thời HLV Mai Đức Chung, bài toán tâm lý cũng đã được giải quyết một cách triệt để. Người xem không còn thấy sự lo lắng, hoảng sợ khi nhập cuộc dẫn đến lúng túng, bị động và thất bại ở những trận cầu quyết định. Ngược lại, Việt Nam đã chơi rất tự tin, thanh thoát. Tâm lý vững vàng đã giúp cho các học trò của ông Mai Đức Chung xung trận với một tinh thần thép, ý chí kiên cường, tập trung, khiến cho những đối thủ đẳng cấp thế giới như ĐT nữ Nhật Bản hay Hàn Quốc nhiều thời điểm phải bế tắc.
… ĐẾN CON NGƯỜI & LỐI CHƠI
Một sự thay đổi đáng kể nữa của ĐT nữ Việt Nam là sử dụng sơ đồ 4-5-1 sau gần 8 năm gắn bó với 5-3-2. Một sơ đồ được đánh giá là hiện đại hơn nên đã giúp cho các học trò của ông Mai Đức Chung chơi hiệu quả hơn cả trong phòng ngự lẫn tấn công. Trên cơ sở ấy, Việt Nam đã khá lợi hại qua đấu pháp phòng ngự phản công. Chính những sự thay đổi trong cách bày binh bố trận, chiến thuật so với trước đây đã khiến cho đối thủ số 1 của ĐT nữ Việt Nam là Thái Lan bất ngờ và phải nhận thất bại một cách tâm phục khẩu phục.
Dưới thời của HLV Mai Đức Chung, nhân sự trong đội hình chính cũng đã có những thay đổi đáng kể. Ngọc Anh đã trở lại đội hình chính sau một thời gian dài dự bị. Hải Hòa được sử dụng ở vị trí hậu vệ phải thay vì trung vệ như trước. Ở tuyến giữa, Thùy Trang đã được đặt niềm tin ở vị trí tiền vệ trụ dù chỉ sắm vai dự bị dưới thời HLV Trần Vân Phát...
Hơn hết, những sự điều chỉnh ấy đã phát huy tác dụng. Kinh nghiệm và chiều cao của Ngọc Anh đã giúp cho khả năng phòng ngự trên không của Việt Nam cải thiện đáng kể. Ở khu trung tuyến, Thùy Trang càng chơi càng hay. Dù chưa chiếm được suất chính thức trong đội hình chính nhưng mỗi khi vào sân, tiền đạo trẻ Nguyễn Thị Nguyệt đã tạo dấu ấn lớn, giúp cho những pha hãm thành của Việt Nam có nhiều đột biến và nguy hiểm hơn.
Rõ ràng, chính những sự cách tân toàn diện ấy đã giúp cho Việt Nam làm nên lịch sử, lần đầu tiên đứng trong Top 4 đội mạnh nhất châu lục.