Bệ phóng cho những tài năng trẻ
SÂN CHƠI QUAN TRỌNG & ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN CỦA CÁC LÒ ĐÀO TẠO
Đúc rút qua 12 mùa giải đã diễn ra, nhiều nhà chuyên môn đã nhận định giải bóng đá U17 Quốc gia chính là nơi phát hiện sớm những tài năng sân cỏ trẻ có triển vọng để tiếp tục đào tạo thành lực lượng cầu thủ chuyên nghiệp chất lượng cao cho nền bóng đá nước nhà, ở cả cấp độ ĐTQG và CLB.
Điểm mấu chốt của luận điểm trên, tạo ra tầm vóc quan trọng cho giải đấu này trong hệ thống thi đấu do VFF tổ chức là, ở độ tuổi 17 hoặc thấp hơn một chút, được xem là tuổi “bẻ gãy sừng trâu” với những sự thay đổi, phát triển và dần hoàn thiện cả về tính cách đến nền tảng thể lực của mỗi cá thể cầu thủ trẻ.
Và giải U17 Quốc gia Báo Bóng đá - Cúp Thái Sơn Nam, cũng vì thế, được xem như một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong việc hình thành sự nghiệp của các cầu thủ trẻ, từ kế hoạch tương lai, thể chất, tâm sinh lý và kỹ - chiến thuật, đạo đức và ý thức nghề nghiệp…
Song song với ý nghĩa trở thành bệ phóng sự nghiệp cho nhiều hảo thủ trong suốt 12 năm qua, VCK U17 Quốc gia còn có vai trò kích thích sự phát triển của các lò đào tạo trẻ thông qua màn cạnh tranh quyết liệt về mức độ thành công, chất lượng và số lượng cầu thủ được “xuất xưởng”,
… Võ Huy Toàn
Ở sân chơi này, Sông Lam Nghệ An nghiễm nhiên là lò đào tạo hàng đầu. 7 chức vô địch, trong đó có 6 lần đăng quang liên tiếp ở VCK U17 Quốc gia là minh chứng rõ nét nhất cho sự thành công của công tác đào tạo trẻ của đội bóng xứ Nghệ.
Rất nhiều hảo thủ như Quang Tình, Trọng Hoàng, Hồng Việt, Nguyên Mạnh, Đình Bảo cho đến Hoàng Thịnh, Mạnh Hùng, Tuấn Tài từ chỗ khẳng định tài năng ở sân chơi U17 đã vươn mình trở thành trụ cột sau này ở các CLB cũng như U23 Việt Nam và ĐTQG trong nhiều năm qua.
Thế mạnh của các cầu thủ này tiếp tục được bồi dưỡng, phát huy sau đó. Hẳn chúng ta vẫn nhớ đến một “Hùng xà ngang” trong màu áo U23 Việt Nam với hai pha nã đại bác rung xà ngang của U23 Malaysia tại vòng loại U23 châu Á cách đây 3 tháng.
Chất lượng của các lò đào tạo trẻ không chỉ dừng lại ở chức vô địch hay các danh hiệu cá nhân như Vua phá lưới, Thủ môn xuất sắc nhất hay Cầu thủ xuất sắc nhất giải. SHB Đà Nẵng, ĐT.LA, Hải Phòng, Đồng Tháp, Nam Định hay gần đây là Viettel, Hà Nội T&T hay PVF cũng trình làng nhiều cầu thủ có tố chất tiềm năng.
… và Hồ Ngọc Thắng (áo trắng)
Điển hình như trung vệ Nguyễn Thành Long Giang của Tiền Giang (VCK 2004) với tố chất của một thủ lĩnh hàng phòng ngự, lối chơi thông minh cùng khả năng đọc tình huống và băng cắt đáng nể, tiền vệ Hoàng Danh Ngọc của Nam Định (VCK 2006) chinh phục những người yêu bóng đá đẹp bằng các pha xử lý bóng trong phạm vi hẹp, đường chuyền sắc sảo hay đặc biệt nhất là các quả sút phạt theo kiểu “lá vàng rơi” hằn in trong tâm trí của nhiều người hâm mộ.
Hay gần đây là tiền vệ Võ Huy Toàn của SHB Đà Nẵng. Dù không sở hữu danh hiệu cá nhân nổi bật của giải song những đóng góp của cầu thủ sinh năm 1993 đã góp phần giúp đội bóng sông Hàn lần đầu tiên lật đổ vị thế thống trị suốt 6 năm của SLNA tại VCK U17 Quốc gia 2010…
CHẮP CÁCH MƠ ƯỚC ĐỘI TUYỂN QUỐC GIA
Với tất cả các cầu thủ, việc được lên ĐTQG luôn là mơ ước và vinh dự lớn lao nhất trong sự nghiệp. Và VCK U17 Quốc gia Báo Bóng đá - Cúp Thái Sơn Nam có thể được coi như nơi bắt đầu chắp cánh cho hy vọng của các cầu thủ trẻ. Qua giải, rất nhiều cầu thủ được trao cơ hội thi đấu ở các cấp độ ĐTQG, từ U19, U23 cho đến ĐT Việt Nam.
Ở giải năm 2004, một loạt gương mặt đình đám được giới thiệu như Long Giang (Tiền Giang), Nhật Tân (ĐT.LA), Văn Khải (Thành Long)… để rồi sau đó họ đã giúp U23 Việt Nam chơi thành công ở tầm châu lục, với đỉnh cao là lọt vào vòng loại cuối cùng Olympic Bắc Kinh 2008.
VCK năm 2008, một thế hệ mới cũng được nhận diện mà trong đó nhiều cầu thủ đã thành danh ở cấp độ CLB cũng như các ĐTQG như Hải Huy (Than Quảng Ninh) hay Quách Tân (SHB Đà Nẵng). Đúng 1 năm sau, giải trình làng lứa cầu thủ như Ngô Hoàng Thịnh, Trần Phi Sơn… những người đã cùng U23 Việt Nam lập nên chiến công khi lọt vào vòng tứ kết ASIAD 17 tại Hàn Quốc năm 2014.
Mới đây, những cầu thủ vừa giúp U23 Việt Nam giành tấm huy chương đồng SEA Games 28 và lọt vào vòng chung kết U23 châu Á như Võ Huy Toàn, Hồ Ngọc Thắng, Huỳnh Tấn Tài, Quế Ngọc Hải, Duy Mạnh hay Phạm Mạnh Hùng cũng bắt đầu tạo ra bước ngoặt sự nghiệp kể từ sau VCK U17.
Chất lượng giải đấu ngày một nâng cao, tính cạnh tranh mỗi lúc càng được đẩy mạnh, các lò đào tạo trẻ càng có động lực “luyện ngọc”. Hệ quả là, nguồn cầu thủ tài năng của bóng đá Việt Nam luôn dồi dào, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện.
NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH 2004 – SLNA: VCK U18 QG (tiền thân của U17 QG) 2004 là năm đầu tiên báo Bóng đá đứng ra tổ chức tại Hải Phòng. SLNA đã đánh bại Thành Long trên loạt sút luân lưu với tỷ số 6-5 để đoạt Cúp. 2005 – SLNA: VCK U18 Quốc gia 2005 được tổ chức tại TP.HCM. Trận chung kết giữa SLNA và TP.HCM diễn ra nghẹt thở và kết thúc với tỷ số 2-2 sau 90 phút thi đấu. SLNA một lần nữa giành chiến thắng trên loạt sút luân lưu với tỷ số 4-3. 2006 – SLNA: Giải đấu lần đầu tiên dành cho lứa U17 được tổ chức tại An Giang. SLNA với các nhân tố xuất sắc đã chạm trán SHB Đà Nẵng ở trận cuối cùng và giành chiến thắng sít sao 1-0, hoàn tất cú hat-trick vô địch. 2007 – SLNA: VCK 2007 được tổ chức tại TP.HCM. SLNA gặp lại SHB Đà Nẵng trong trận chung kết. Hòa 0-0 sau 90 phút thi đấu, một lần nữa SLNA lại giành chiến thắng với tỷ số 8-7 ở màn sút penalty. 2008 – SLNA: VCK 2008 được tổ chức tại Đà Nẵng. SHB Đà Nẵng lần thứ 3 chạm trán SLNA ở chung kết. Và họ phải nhận thất bại cay đắng với tỷ số 2-5 trước SLNA. 2009 – SLNA: VCK 2009 tổ chức tại Nam Định. SLNA đã giành chức vô địch thứ 6 liên tiếp khi vượt qua Đồng Tháp với tỷ số sít sao 1-0, trong bối cảnh họ phải chơi thiếu người từ phút 68. 2010 – SHB Đà Nẵng: VCK 2010 diễn ra tại Đà Nẵng. SHB Đà Nẵng lại chạm trán SLNA ở trận chung kết. Pha lập công duy nhất của Đức Lễ ở phút 60 giúp SHB Đà Nẵng lần đầu tiên giành chức vô địch. Đây cũng là mùa giải Thái Sơn Nam trở thành nhà tài trợ cho giải đấu, cho tới hiện nay. 2011 – SHB Đà Nẵng: VCK 2011 được tổ chức ở Nha Trang. SHB Đà Nẵng đã giành chiến thắng 2-1 trước HA.GL ở trận chung kết, qua đó bảo vệ thành công ngôi vô địch. 2012 – SLNA: VCK 2012 tổ chức tại Huế. Sau 2 năm liền để mất ngôi vương, SLNA đã giành chiến thắng đậm đà 7-2 trước ĐT.LA để có lần thứ 7 nâng cao cúp vô địch. 2013 – SHB Đà Nẵng: VCK 2013 đăng cai ở TP.HCM. SHB Đà Nẵng đã đòi lại chức vô địch khi đánh bại PVF với tỷ số 6-5 sau loạt sút luân lưu. 2014 – PVF: VCK 2014 tổ chức ở Huế. PVF cho thấy sự tiến bộ khi tiếp tục góp mặt ở trận chung kết và đánh bại Hà Nội T&T với tỷ số 2-0 để giành chức vô địch. Ngày hội thắm tình đồng nghiệp Bên cạnh là một sự kiện bóng đá dành cho các cầu thủ trẻ, VCK U17 quốc gia Báo Bóng đá Cúp Thái Sơn Nam còn là ngày hội cho các phóng viên thể thao khắp cả nước. Thông qua hành trình của giải đấu, những phóng viên, nhà báo đã có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm về chuyện nghề, chuyện nghiệp hay cuộc sống riêng tư sau khi tác nghiệp. Chẳng phải lúc nào những người làm báo thể thao cũng có thể thấu hiểu nhau đến như vậy. Và qua VCK U17 mỗi năm, anh em cánh phóng viên lại thêm một lần đồng cảm và hiểu về nhau hơn nữa câu nói: “Bóng đá là một gia đình”. |