Thắng thua trong bóng đá là chuyện bình thường, nhất là khi Super League 2012 mới trải qua 2 vòng đấu, nhưng mọi chuyện lại khó có thể coi là bình thường, nếu nhớ ra rằng ông chủ của CLB BĐ Hà Nội, ông Nguyễn Đức Kiên, đã và đang là cái tên “hot” nhất của bóng đá VN hiện nay, và dám chắc nếu có một cuộc bầu chọn “Idol” cho bóng đá VN trong năm 2011 thì bầu Kiên nghiễm nhiên sẽ giành vị trí số một.
Tuy nhiên, có vẻ như nếu bầu Kiên sắc sảo bao nhiêu cả trên thương trường lẫn “nghị trường” thì ở cầu trường, CLB BĐ Hà Nội lại mờ nhạt và thiếu ấn tượng bấy nhiêu. Mặc dù CLB BĐ Hà Nội hiện nay được hình thành từ lực lượng tốt nhất của 2 CLB HN.ACB và HP.HN, nhưng đội bóng này cũng chẳng có được diện mạo sáng sủa hơn so với các CLB trước đây dưới quyền bầu Kiên (không tính mùa giải 2004, khi LG.HN.ACB lột xác thực sự dưới tay HLV Lê Thụy Hải), nghĩa là lúc nào cũng chỉ là ứng viên tiềm tàng cho một suất rớt hạng.
Thực ra chuyện này cũng chẳng khiến ai cảm thấy ngạc nhiên, bởi từ trước đến nay HN.ACB cũng như HP.HN chưa bao giờ được đánh giá cao về khả năng chuyên môn, nên khi 2 đội bóng này tuyển ra thành phần tốt nhất để hợp thành 1 CLB chơi bóng ở Super League thì điều đó cũng không bảo đảm được rằng sau 1 đêm thì chú vịt xấu xí yếu ớt sẽ biến thành con đại bàng oai phong dũng mãnh.
Cũng trong bài phỏng vấn hôm qua, HLV Nguyễn Thành Vinh đã bộc bạch rất thực rằng “từ dạo tôi bắt tay vào làm việc tại CLB BĐ Hà Nội, CT Nguyễn Đức Kiên cũng không còn can thiệp vào chuyên môn giống như trước kia nữa”. Hẳn là khi nói điều này, HLV Nguyễn Thành Vinh muốn ám chỉ tới một hình ảnh gần như đã trở thành giai thoại của V-League và được coi như là một trong những nguyên nhân khiến HN.ACB cứ lên hạng rồi lại xuống hạng suốt bao nhiêu năm qua.
Đấy là ở giờ nghỉ giữa hiệp trận HN.ACB-HN.T&T ở V-League 2011, khi HLV trưởng HN.ACB khi ấy là Mauricio Luis cầm sa bàn để bầu Kiên chỉ đạo chiến thuật cho các cầu thủ HN.ACB. Đam mê bóng đá của bầu Kiên là không phải bàn, và cũng không ai nghi ngờ về sự nhạy bén và sắc sảo của ông trong lĩnh vực kinh doanh, nhưng không phải cứ hễ là một doanh nhân đại tài thì có thể làm được tất cả mọi việc, chẳng hạn như cầm sa bàn chỉ đạo chiến thuật, công việc vốn chỉ dành cho những HLV chuyên nghiệp thực thụ.
Trận HN.ACB-HN.T&T ở V-League 2011 không phải là lần đầu tiên bầu Kiên cầm sa bàn như thế, và trong suốt trên dưới chục năm làm bóng đá chuyên nghiệp, không thể đếm nổi bao nhiêu lần bầu Kiên đã bắt tay vào công việc chuyên môn như là HLV trưởng thực sự của đội bóng, nhưng thành quả đáng kể nhất mà HN.ACB gặt hái được trong 10 năm qua là gì, ngoại trừ chiếc Cúp QG ở mùa bóng 2008?! Vì thế, việc bầu Kiên không còn cầm sa bàn ở mùa này có thể xuất phát từ ý chí của chính bản thân ông chứ không phải bất cứ một người nào khác, bởi lịch sử HN.ACB 1 thập kỷ vừa qua đã cho thấy, làm bóng đá mà chỉ có tình yêu thôi có lẽ là chưa đủ.
Cũng với bầu Kiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn cách đây 3 năm, trước câu hỏi tại sao rất rất thành công trên thương trường nhưng thành tích ở lĩnh vực bóng đá lại khiêm tốn đến vậy, bầu Kiên đã trả lời ngắn gọn rằng bóng đá và kinh tế là 2 lĩnh vực khác nhau. Mà có lẽ là bầu Kiên nói đúng, bóng đá và kinh tế thực sự khác nhau thật, trừ phi đến cuối mùa bóng năm nay CLB BĐ Hà Nội của bầu Kiên làm được điều gì đó ở Super League 2012.
Hoàng Anh
Thethaovanhoa.vn