Mới chỉ cách đây 2 năm, VFF còn phải chật vật lắm mới kiếm được xấp xỉ 3,9 tỷ đồng tiền bán bản quyền truyền hình V-League cho các đài truyền hình, thế mà chỉ sau một thời gian không coi là dài, bản quyền truyền hình V-League đã vụt tăng lên thành 6 tỷ đồng/năm và luỹ tiến 10% mỗi năm rồi mới nhất là 50 tỷ đồng/năm, mà đây mới chỉ là mức giá tối thiểu. Quả thực là một sự thăng tiến chóng mặt và dù sao thì cũng nên mừng cho V-League, khi giải VĐQG bây giờ lại có giá như thế, bất chấp bối cảnh chung còn đang rất khó khăn của nền kinh tế.
Suy cho cùng thì bóng đá cũng chỉ là trò chơi, mà phàm đã là trò chơi thì không phân biệt người giàu người nghèo, và khác biệt nếu có chỉ là ở mức độ quan tâm và đầu tư. Không những thế, bóng đá còn là trò chơi rất đặc biệt, vì đây là môn thể thao có sức quảng bá và độ hấp dẫn cực lớn, nên dù nền kinh tế thế giới hay VN có khó khăn tới mấy thì số người đổ tiền vào làm bóng đá vẫn chiếm ưu thế áp đảo so với số phải bỏ của chạy lấy người vì không kham nổi gánh nặng tài chính.
Cầu thủ thi đấu với những khán đài trống hoác sau lưng nhưng bản quyền truyền hình V-League vẫn đắt giá nhất nhì Đông Nam Á. Ảnh: VSI
Phân tích như thế để thấy cho dù giá trị bản quyền truyền hình của V-League có tăng lên 50 tỷ hay 100 tỷ đồng/năm thì cũng không bị coi là đắt, bởi nếu là doanh nhân chân chính thì hẳn không ai muốn vứt qua cửa sổ những đồng tiền mà mình phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới giành được từ cái nơi mà người ta vẫn gọi “thương trường như chiến trường”. Vì thế, nếu các ông bầu trong VPF khẳng định rằng họ sẽ bán được bản quyền truyền hình V-League với giá này giá kia thì ít có khả năng họ sẽ rút tiền riêng ra để làm việc chung, mà đấy là một cuộc làm ăn kinh tế cực kỳ nghiêm chỉnh.
Thế nhưng, như người ta vẫn nói: “Tấm huân chương nào cũng có mặt trái”, và việc bản quyền truyền hình V-League có tăng giá lên tới hàng trăm tỷ đồng nhờ sự tác động của các ông bầu thì cũng không hoàn toàn là chuyện đáng mừng. Vì sao? Vì ai cũng thấy sức hấp dẫn tự thân của V-League thực ra không đáng giá tới hàng chục hàng trăm tỷ đồng như các ông bầu trong VPF đã cam kết, mà sự xuất hiện của con số hoành tráng ấy chủ yếu là nhờ mối quan hệ cá nhân của các ông bầu.
Muốn biết giá trị thực sự của V-League như thế nào thì chỉ cần nhìn lên khán đài vào mỗi cuối tuần là rõ, khi số SVĐ chật kín khán giả chỉ đếm được trên một bàn tay, và ngay cả đội bóng được đánh giá là đáng xem nhất V-League hiện nay như HN.T&T thậm chí còn phải bỏ tiền để thuê CĐV tới sân cổ vũ ròng rã suốt mấy năm nay. Trong khi đó, nhìn sang Thai-League lại là một hình ảnh hoàn toàn tương phản, khi công tác tổ chức ở đây được thực hiện chuyên nghiệp tới từng tiểu tiết theo mô hình của giải Ngoại hạng Anh.
Thử hỏi ở V-League bây giờ có mấy CLB sở hữu SVĐ riêng và có nhà tài trợ trang phục riêng, những yếu tố cơ bản để coi là một nền bóng đá chuyên nghiệp thực thụ? Nếu không nhầm thì ở V-League đến thời điểm hiện tại chưa có CLB nào được dùng riêng một SVĐ và chỉ duy nhất HN.T&T có nhà tài trợ trang phục riêng, còn các đội bóng còn lại hoặc là tự trang bị hoặc là sắm hàng chợ cho cầu thủ sử dụng.
Trái ngược với chúng ta, các đội bóng ở Đông Nam Á đến VN thi đấu AFC Cup mấy năm nay đều có nhà tài trợ trang phục riêng, dù không phải nhãn hàng nào cũng có thương hiệu đắt giá, và chỉ qua tiểu tiết ấy thôi cũng thấy V-League thực sự đang đứng ở đâu trên bảng xếp hạng các giải VĐQG của Đông Nam Á. Rõ ràng việc một giải VĐQG còn thiếu quá nhiều yếu tố cơ bản của một nền bóng đá chuyên nghiệp thực thụ như V-League lại có giá trị bản quyền truyền hình cao ngất ngưởng như thế khó có thể coi là sự hợp lý.
Nó cũng tựa như chuyện mức thu nhập bình quân đầu người của VN còn không bằng số lẻ so với Singapore, nhưng các tuyển thủ QG Singapore vẫn nhìn về V-League như miền đất hứa vì chế độ lương thưởng lót tay hậu hĩnh mà các cầu thủ ngôi sao ở giải VĐQG của chúng ta được hưởng (gồm cả nội binh và ngoại binh).
Giá trị cầu thủ còn ảo như thế thì thêm một giá trị ảo nữa với bản quyền truyền hình thì cũng có gì lạ đâu!
Xuân Thông
Thethaovanhoa.vn