Ý kiến chuyên gia: "Platini đang hủy hoại bóng đá!"
FFP PHỤC VỤ NGƯỜI MILAN?
8 năm trước, tôi từng viết trên tờ The Times phát hành ngày 21/02/07: “Những người coi thường Chelsea luôn né tránh việc trả lời câu hỏi: bằng cách nào một đội bóng vụt trở thành ứng cử viên vô địch Champions League mà không chi tiêu quá khả năng?”. Bóng đá cần sự cạnh tranh từ sân cỏ tới thương trường. Luật công bằng tài chính với những nguyên tắc hiện hành đang phá hủy điều đó. Nó tạo ra ở Đức một giải đấu vô giá trị, khi các đội còn lại (ngoài Bayern) bị “thắt cổ” trong đống “dây thừng” quy tắc tài chính, và sợ hãi trước mọi nguồn đầu tư từ bên ngoài.
Platini từng cam kết FFP sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho các CLB nhỏ. Cần phải xem lại điều này với một câu hỏi: Tại sao bất kỳ điều gì tốt cho hai đội bóng thành Milan (Inter và AC Milan) cũng là những gì UEFA thực hiện? Khi người Milan muốn công bằng tài chính, Platini lập tức ban bố luật FFP. Và khi người Milan muốn tự do tài chính, UEFA lại tính chuyện nới lỏng FFP.
Hãy nhớ lại Platini đã nói gì khi giới thiệu luật công bằng tài chính vào năm 2009: “Chính ông chủ của những đội bóng lớn đều muốn có công bằng tài chính. Abramovich, Berlusconi và Moratti, họ không muốn chi quá nhiều tiền nữa”. Còn bây giờ khi Berlusconi muốn bán Milan nhưng không thể vì chủ mới sẽ phải chi rất nhiều tiền cho đội chủ sân San Siro, đồng nghĩa việc vi phạm quy tắc FFP hiện hành, thì Platini lại tuyên bố sắp nới lỏng thậm chí bãi bỏ luật công bằng tài chính. Sự thay đổi này cũng có lợi cho Inter, giúp chủ mới Erick Thohir thoát khỏi nỗi lo FFP để rót tiền cho Nezaruzzi. Cái gì đang đứng đằng sau tất cả những trò tung hứng của người đứng đầu UEFA?
ĐẠO LUẬT PHI THỰC TẾ
FFP có mục đích ngăn chặn những con nợ phá sản như Portsmouth hay Leeds United, và đem lại công bằng cho làng bóng châu Âu. Nhưng phải khẳng định rằng FFP của Platini không thể nào phù hợp cho mọi CLB, cho mọi nền bóng đá. Làm thế nào có được sự công bằng nếu tiền bản quyền truyền hình của Real Madrid và Barcelona được xây dựng theo cách hoàn toàn khác với phần còn lại của châu Âu? Làm thế nào các CLB phải đáp ứng những tiêu chí chung của UEFA trong khi mỗi quốc gia có luật lệ khác nhau? Ví dụ như thuế thu nhập, cùng một mức lương của Rooney nhưng PSG sẽ tốn hơn 30% tiền trả lương cho cầu thủ người Anh so với Man United. Làm thế nào có một được một nguyên tắc chung khi một đội bóng cần sự viện trợ từ nhà nước? Những quy tắc hiện hành của UEFA không thể nào tìm được sự công bằng giữa những giải vô địch khác nhau về mọi mặt.
Và khi Premier League nhận gói bản quyền truyền hình khổng lồ, sẽ mang tới nỗi lo sợ cho phần còn lại Lục địa già. Milan chẳng hạn, sẽ phải ngước nhìn Everton từ xa trong nỗi hoang mang về cái ngày phải ra đấu trường châu Âu thi thố. Tái lập sức cạnh tranh cho không chỉ Milan, có lẽ là mục tiêu của Platini khi nới lỏng luật công bằng tài chính. Chủ mới của Milan, Bee Taechaubol, hoàn toàn có thể tạo ra một cuộc “chạy đua vũ trang” tương tự PSG từng làm. FFP rốt cuộc chỉ là một trò hề đẩy bóng đá châu Âu lún sâu hơn vào vòng xoáy kim tiền.
Nới lỏng FFP từ tháng 6?
Mới đây, chủ tịch UEFA Michel Platini đã thừa nhận về việc UEFA có thể nới lỏng luật công bằng tài chính. Theo người đứng đầu bóng đá châu Âu, cuộc họp hội đồng UEFA vào tháng 6 tới sẽ quyết định việc này. Đây là động thái nhằm giúp các ông lớn dễ thở hơn trong chi tiêu sau thời gian bị o ép bởi luật công bằng tài chính.