Trào lưu các đại gia châu Á mua các CLB thể thao châu Âu: Đâu phải là thú chơi ngông!
Hiện dẫn đầu trào lưu này là các đại gia châu Á - những người không chi tiêu một cách điên rồ và ném tiền qua cửa sổ như các tỉ phú dầu mỏ, nhưng cũng không keo kiệt hay coi đội bóng chỉ như một con bò sữa như những nhà tài phiệt Mỹ.
KHÔNG CÒN MẶN MÀ VỚI PREMIER LEAGUE
Trong vụ thâu tóm mới nhất, tỉ phú ngành dầu cọ người Singapore Peter Lim, 60 tuổi, đã mua 70% cổ phần của CLB Valencia (La Liga), giúp họ trả bớt khoản nợ lên tới 300 triệu euro, đầu tư mạnh tay và đang đưa đội bóng trở lại gần hơn với quá khứ từng rất vinh quang. Vụ mua lại Valencia của Lim là sự tiếp tục của một khuynh hướng mới trong đầu tư bóng đá của các tỉ phú châu Á ở châu Âu: tránh xa Premier League.
Trước kia, những đại gia của châu Á luôn nghĩ trước hết tới một đội bóng Anh, bắt đầu với cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra khi ông mua lại Manchester City vào năm 2007 (và bán lại ngay năm sau cho tỉ phú Ả-Rập). Tiếp nối Thaksin là hàng loạt nhà tài phiệt Đông Nam Á bỏ tiền vào giải Ngoại hạng.
Đó là Vincent Tan (Malaysia, Cardiff City), Vichai Srivaddhanaprabha (Thái Lan, Leicester City), Tony Fernandes (Malaysia, QPR). Nhưng rốt cuộc, họ thất bại nhiều hơn là thành công. Cardiff City rớt hạng mùa trước, QPR xuống Championship mùa trước nữa, nhưng với những gì họ đang thể hiện mùa này, khả năng đội bóng thuộc ông chủ của hãng hàng không giá rẻ Air Asia lại phải chia tay Premier League là rất cao.
Quá đông đúc, chật chội, với quá nhiều đại gia và sự cạnh tranh quá khốc liệt, những tỉ phú châu Á đi sau đã tự điều chỉnh để tìm một hướng đi khác, thay vì đâm đầu vào Premier League để rồi thất bại trong cuộc đua tiền như những chú thiêu thân.
Erick Thohir
Khởi đầu cho khuynh hướng mới có lẽ là Erick Thohir. Đại gia người Indonesia trở thành người châu Á đầu tiên sở hữu một đội Serie A khi trả 250 triệu euro để mua lại 70% Inter Milan tháng 9/2013. Lim là trường hợp tiếp theo, và một số tỉ phú khác còn đi xa hơn. Họ không thích sự cạnh tranh ở Premier League, nhưng cũng chưa hài lòng với chi phí quá cao, trong khi rủi ro rất lớn, dù là ở ngoài giải Ngoại hạng, trong các thương vụ mua CLB bóng đá.
Theo những tin tức mới nhất, một nhóm tỉ phú, đứng đầu là hai đại gia châu Á Henry Nguyễn (Việt-Mỹ) và Tan đã sắp tiếp quản đội bóng nhà nghề Mỹ Chivas USA với giá 100 triệu USD (79 triệu euro). Chi phí rõ ràng thấp hơn nhiều so với việc mua ngay cả là các đội đang vật lộn ở châu Âu như Inter Milan hay Valencia, nhưng hứa hẹn thành công lớn hơn, với một thị trường bóng đá rất giàu có nhưng còn ít nhiều chưa được khai phá như Mỹ.
ĐẶC ĐIỂM CỦA GIỚI CHỦ CHÂU Á
Chúng ta, những người bình thường, không biết các tỉ phú suy nghĩ ra sao, nhưng theo Forbes, chắc chắn có những tỉ phú giàu hơn những tỉ phú khác. Trong thế giới bóng đá hiện nay, nếu xếp theo thứ tự tổng tài sản, giàu nhất có lẽ là các ông chủ Ả-Rập, rồi Nga, Mỹ, cuối cùng mới là châu Á.
Chẳng hạn, gia đình hoàng gia Abu Dhabi sở hữu Man City có tổng tài sản ước tính 1 nghìn tỉ USD. Riêng ngài chủ tịch Sheikh Mansour, một hoàng thân 43 tuổi, sở hữu khối tài sản 5 tỉ USD, gấp đôi toàn bộ gia tài của Lim (2,5 tỉ USD), ông chủ mới của Valencia. Nếu bóng đá chỉ là một trò khoe của giữa Thạch Sùng - Vương Khải, và đang ngày càng trở thành một kiểu đọ tiền như thế, thì Lim không có chút cơ hội nào ở Premier League.
Sheikh Mansour
Thêm nữa, giải Ngoại hạng không chỉ có mình Mansour và Man City. Nhà tài phiệt bóng đá đích thực đầu tiên, Roman Abramovich, người Nga, sở hữu khối tài sản 14,6 tỉ USD. Nhưng ngay cả ông bây giờ cũng đang trở nên lép vế, ở trong nước là với Man City, và ở châu Âu là với những đại gia cũng từ vùng Vịnh như các nhà đầu tư Qatar tại Paris Saint-Germain, qua Quỹ đầu tư nhà nước Qatar, với tổng vốn vào khoảng 170 tỉ USD, hay đồng hương của ông, như tỉ phú Dmitry Rybolovlev (8,8 tỉ USD trước vụ ly dị vợ) ở Monaco.
Dù cũng rất giàu, những tỉ phú châu Á, Lim-2,5 tỉ USD, Thaksin và gia đình-1,7 tỉ USD, Vichai-1,6 tỉ USD, Tan-1,3 tỉ USD, Fernandes-650 triệu USD… rõ ràng không thể sánh được về tiền bạc với những đại gia Nga và Ả-Rập ngồi trên các mỏ dầu và tài nguyên khan hiếm.
Tuy nhiên, họ cũng không phải là những doanh nhân ma mãnh như các nhà đầu tư Mỹ với bóng đá châu Âu. Gia đình Glazer, dù có tài sản 4 tỉ USD, đã không bỏ ra một xu nào trong vụ mua lại Man United. Họ đi vay để sở hữu đội bóng đông CĐV nhất hành tinh, để rồi dùng chính doanh thu từ CLB thế chấp và trả nợ cho khoản vay đó.
Chỉ tới mùa Hè này, khi CLB đã bên bờ vực khủng hoảng, gia đình Glazer mới lần đầu chấp nhận cho đội bóng mở hầu bao. Với họ, Man United không phải là một món đồ chơi, như Chelsea với Abramovich; hay một dự án dài hạn, như Man City và PSG với các ông chủ Ả-Rập, mà đơn giản là một thương vụ làm ăn.
Nhưng John W. Henry (và trước đó là Tom Hicks và George Gillett) ở Liverpool, Ellis Short ở Sunderland hay Stan Kroenke ở Arsenal, tất cả đều là người Mỹ, cũng hành xử như thế với CLB của họ.
Sự khác biệt nằm ở chỗ các ông chủ châu Á yêu bóng đá hơn những ông chủ Mỹ, trong khi tiền bạc của họ không dễ kiếm như với những đại gia Nga hay Ả-Rập. Hầu hết các đại gia châu Á, do bối cảnh của nền kinh tế, là những người đi lên từ khốn khó. Lim là con trai một người đánh cá. Thaksin xuất thân trong ngành cảnh sát. Fernandes được học hành tử tế, nhưng cũng không sinh ra giàu sẵn. Tan cực nhọc trong những ngày đầu với việc bán đồ ăn nhanh và xổ số.
Tóm lại, họ không giàu lên sau một đêm như các đại gia Nga, cũng không ngồi sẵn trên đống vàng như tỉ phú Ả-Rập, họ là những người tay trắng làm nên, và rất hiểu giá trị của đồng tiền, khiến hầu hết những đội bóng của họ đều chi tiêu vừa phải, có trách nhiệm và hướng tới hiệu suất.
Nhưng đồng thời, là những người sống ở khu vực hâm mộ bóng đá rất cuồng nhiệt như Đông Nam Á, không phải tới từ một quốc gia của bóng bầu dục, bóng rổ và bóng chày như Mỹ, các nhà tài phiệt châu Á cũng hiểu ý nghĩa của một đội bóng với các CĐV.
Họ cần một hình ảnh tốt để quảng bá cho việc làm ăn của mình ở trong nước, với những đội bóng mà họ đã mua. Tất cả những điều đó giúp cho các tỉ phú châu Á đang tỏ ra chừng mực, cân bằng và hợp lý nhất trong cuộc xâm chiếm bóng đá châu Âu.
DANH SÁCH CÁC ÔNG CHỦ CHÂU Á Ở BÓNG ĐÁ CHÂU ÂU
Vincent Tan (Cardiff City)
Trong 4 năm sở hữu Cardiff, tỉ phú người Malaysia đã có nhiều hành động kỳ lạ, như việc buộc CLB đổi màu áo từ xanh sang đỏ và bổ nhiệm người đứng đầu bộ phận chiêu mộ cầu thủ là một thanh niên 23 tuổi người Kazakhstan, con trai một người bạn làm ăn của ông. Tan cũng đã sa thải HLV rất được lòng các CĐV ở đội bóng, Malky Mackay.
Vichai Srivaddhanaprabha (Leicester City)
Quá trình trở lại Premier League của Leicester là từ tốn và chắc chắn nhờ những khoản đầu tư thông minh của Vichai. Sau khi trả 39 triệu bảng (60 triệu USD) cho CLB năm 2010, nhà tài phiệt trong ngành kinh doanh chuỗi cửa hàng miễn thuế ở Thái Lan đã theo bước đội bóng qua từng mùa giải, cho tới khi họ thăng hạng, và đang chơi khá thành công ở Premier League.
Tony Fernandes (Queens Park Rangers)
Fernandes mua lại QPR sau khi họ thăng hạng Premier League, nhưng cho tới giờ tiền bạc đã không đảm bảo thành công cho đội chủ sân Loftus Road. Mùa trước, QPR mua 16 cầu thủ mới, mùa này là 12, quá nhiều xáo trộn ở một đội bóng muốn thành công.
Erick Thohir (Inter Milan)
Thohir mua lại 70% Inter với giá 250 triệu euro (340 triệu USD) hồi năm 2013, nhưng cho tới giờ đội bóng vẫn thi đấu khá bết bát. Tỉ phú người Indonesia còn có cổ phần ở đội bóng rổ nhà nghề Mỹ Philadelphia 76ers và CLB bóng đá DC United.
Peter Lim (Valencia)
Lim trả 300 triệu euro để mua lại 70% Valencia hồi tháng 5 và CLB TBN hiện đang chơi khá khởi sắc nhờ những hợp đồng mới trong mùa hè, phần lớn là qua sự giới thiệu của siêu cò Jorge Mendes, bao gồm cả tân HLV Nuno tới từ BĐN.