Tổng quan về Copa America 2015
URUGUAY, ĐẾ CHẾ HAY HIỆN TƯỢNG?
4 năm trước, Uruguay tận dụng đà sa sút của Argentina và Brazil để vô địch Copa America 2011. Chức vô địch Nam Mỹ đầu tiên sau 16 năm của họ đánh dấu thành công của thế hệ vàng Diego Forlan, Luis Suarez, Edinson Cavani, Diego Lugano... Nhờ đó, Uruguay cũng đi vào lịch sử với tư cách đội vô địch Copa America nhiều nhất (15 lần).
Nhưng khác Argentina hay Brazil, việc Uruguay lên ngôi không đồng nghĩa với tư cách quyền lực tuyệt đối Nam Mỹ. Với nhiều người, Uruguay chưa thể sánh với Argentina và Brazil. Vì thế đến với Copa America 2015, thầy trò HLV Oscar Tabarez hạ quyết tâm bảo vệ chức vô địch để giúp Uruguay xóa cái mác “hiện tượng”. La Celeste từng là một tượng đài như vậy với 3 chức vô địch trong giai đoạn 1923-1926 hay gần đây là 3 lần đăng quang chỉ trong 6 kỳ giải từ 1983 tới 1995.
Tuy nhiên hiện tại chứa đựng nhiều thử thách cho thầy trò Tabarez. Việc vắng Luis Suarez (do án treo giò) sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hàng công Uruguay. Hơn nữa đây là giai đoạn chuyển giao thế hệ, lứa Forlan, Lugano đã nghỉ hưu, chỉ còn trông chờ vào Cavani, Godin làm chỗ dựa cho lớp trẻ. Dù lực lượng không mạnh như 4 năm trước nhưng Uruguay vẫn là ứng viên tiềm tàng bởi lối chơi khôn ngoan và thực dụng. Nhà ĐKVĐ vẫn là đối trọng lớn nhất của Argentina, Brazil.
DUNGA VÀ SỨ MỆNH GIẢI CỨU SELECAO
Trong 12 HLV tham dự Copa America năm nay, chỉ có Oscar Tabarez và Carlos Dunga từng vô địch giải đấu này. Năm 2007, Dunga mặc dù mới bước vào nghiệp cầm quân chưa lâu đã dẫn dắt Brazil đoạt chức vô địch Nam Mỹ sau thắng lợi giòn giã 3-0 trước Argentina ở chung kết. Đó là giải đấu mà Brazil thiếu vắng những ngôi sao lớn nhất như Ronaldinho, Kaka, Ronaldo, nhưng đội bóng của Dunga vẫn lầm lũi tiến đến ngai vàng bởi lối chơi chắc chắn.
Đến kỳ Copa America năm nay, Brazil đang rơi vào hoàn cảnh khá tương tự 8 năm về trước. Selecao hiện không có đội ngũ giàu tinh hoa và Neymar có lẽ là ngôi sao sáng giá nhất. Nhưng sự trở lại của Carlos Dunga đã mở ra những hy vọng cho nền bóng đá lớn nhất Nam Mỹ. Lên thay Scolari vào tháng 7/2014, Dunga đã lập tức làm lột xác Selecao bằng triết lý mà ông tôn thờ, đó là thực dụng và hiệu quả. Brazil hiện không còn mong manh như World Cup 2014 mà trở thành một cỗ máy kỷ luật và đầy sức mạnh. Ở Brazil vẫn luôn tồn tại làn sóng chỉ trích Dunga vì lối chơi thừa cơ bắp và thiếu chất Samba, nhưng không ai có thể phủ nhận thành công của vị HLV 51 tuổi. Brazil đã toàn thắng cả 8 trận dưới triều đại Dunga và chỉ thủng lưới 2 bàn. Những đối thủ hàng đầu như Pháp, Argentina cũng bị khuất phục bởi Brazil “phiên bản Dunga”.
Đó là sự chuẩn bị hoàn hảo cho Copa America, giải đấu mà Brazil quyết gỡ lại danh dự sau thảm bại World Cup 2014.
MESSI, BÂY GIỜ HOẶC KHÔNG BAO GIỜ
Messi vừa có lần thứ 4 vô địch Champions League cùng Barca. Thăng hoa trong màu áo CLB bao nhiêu thì Messi lại kém duyên bấy nhiêu tại ĐTQG bấy nhiêu. Cùng ĐT Argentina, Messi đã trải qua không ít khoảnh khắc đau đớn của thất bại tột cùng. Đó là chung kết World Cup 2014 khi họ đầu hàng trước người Đức. Đó là Copa America 2011 khi Messi và đồng đội gục ngã trên chấm luân lưu trước Uruguay ở tứ kết. Và đó là chung kết Copa America 2007, Messi dù đoạt giải “Cầu thủ trẻ hay nhất giải” vẫn không thể giúp Argentina tránh khỏi thảm bại 0-3 trước Brazil.
Messi vẫn còn nợ ĐT Argentina và chính anh một danh hiệu quốc tế. World Cup 2018 còn quá xa và lúc đó ở tuổi 31, liệu Messi còn giữ được phong độ bùng nổ như hiện tại? Chỉ có Copa America 2015 mới là thời cơ đẹp nhất để Messi tìm kiếm vinh quang đầu tiên trong màu áo Albiceleste. Một kỳ Copa mà Argentina mang tới lực lượng mạnh chưa từng có với Messi, Tevez, Aguero, Higuain, Pastore đều ở phong độ cao. Điều đó lý giải tại sao Argentina đang được đánh giá là ứng cử viên số một cho chức vô địch năm nay.
Nhưng trước khi bóng lăn chưa thể khẳng định điều gì. Argentina luôn sở hữu binh hùng tướng mạnh nhưng lần gần nhất họ đăng quang đã cách đây 22 năm (Copa America 1993). Cơn khát kéo dài hai thập kỷ đang đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của Messi.
THỂ THỨC THI ĐẤU 12 đội tuyển chia làm 4 bảng đá vòng tròn một lượt. Hai đội đứng đầu mỗi bảng giành quyền vào tứ kết. Hai đội thứ ba có thành tích xuất sắc nhất cũng giành vé đi tiếp. Từ vòng tứ kết tới bán kết và tranh giải ba, các đội thi đấu theo thể thức loại trực tiếp. Nếu hòa trong 90 phút sẽ phân thắng thua bằng luân lưu 11 mét mà không có hiệp phụ. Riêng trận chung kết, nếu hòa trong 90 phút sẽ đá tiếp 30 phút hiệp phụ rồi đến luân lưu 11 mét nếu vẫn bất phân thắng bại. |
5 KỶ LỤC KHÓ PHÁ Ở COPA AMERICA Tham dự nhiều lần nhất: Uruguay 41 lần Không một đội tuyển nào tham dự đủ 43 kỳ Copa đã qua, nhưng Uruguay đang giữ kỷ lục số lần dự giải nhiều nhất với 41 lần. Có nhiều lý do để giải thích cho sự vắng mặt của các đội bóng trước đây. Chẳng hạn năm 2001, Argentina xin rút vì lo ngại vấn đề an ninh tại Colombia. Trước đó, có nhiều đội ở Nam Mỹ, nhưng LĐBĐ của họ lại chưa phải là thành viên của LĐBĐ Nam Mỹ. Ghi nhiều bàn nhất: Argentina 422 bàn Albiceleste đang giữ kỷ lục ghi nhiều bàn nhất (422 bàn) lẫn hiệu suất ghi bàn cao nhất (2,44 bàn/trận). Đứng ngay sau Argentina không phải là Uruguay mà là kỳ phùng địch thủ Brazil với 387 bàn. 35 bàn cách biệt là rất khó san lấp trong bối cảnh Argentina đang sở hữu nhiều ngôi sao tấn công thượng thặng như hiện tại. Uruguay xếp thứ 3 với 384 bàn, tiếp theo là Chile (247) và Paraguay (241). Chiến thắng đậm nhất: Argentina 12-0 Ecuador Copa America từng chứng kiến nhiều trận đấu một chiều, nhưng không có trận đấu nào có cách biệt mênh mông như trận “tàn sát” của ĐT Argentina trước Ecuador vào năm 1942, lúc giải đấu còn tổ chức theo thể thức đá vòng tròn một lượt tính điểm. Đấy cũng là một mùa giải thảm hại của Ecuador vì trước khi thua Argentina với tỷ số của... 2 sec tennis, họ cũng để thua Uruguay đến 0-7. Jose Manuel Moreno (ảnh) ghi đến 5 bàn cho Argentina, trong đó có cú hat-trick chỉ trong vòng 10 phút. Vô địch liên tiếp nhiều nhất:Argentina 3 lần Năm 1947, Argentina hoàn tất “cú hat-trick” vô địch Copa America sau 2 lần đăng quang vào các năm 1945, 1946 và cho đến nay vẫn là một kỷ lục chưa có ai phá nổi. Trước đó, Argentina và Uruguay thường xuyên vô địch 2 lần liên tiếp, nhưng chỉ có Argentina dấn thêm một bước nữa để vô địch liền 3 năm. Năm 2011, Brazil suýt nữa đã tái lập được thành tích này sau 2 lần vô địch liên tiếp vào các năm 2004, 2007. Ghi nhiều bàn nhất: Mendez & Zizinho cùng 17 bàn Norberto Mendez của ĐT Argentina và Zizinho (ảnh) của ĐT Brazil đang chia sẻ kỷ lục ghi bàn tại Copa America với 17 bàn. Những pha ghi bàn của Mendez giúp ĐT Argentina lập hat-trick vô địch từ 1945-1947 trong khi Zizinho chính là cầu thủ mà sau này đã trở thành thần tượng của Pele. Teodoro Fernandez của Peru và Severino Varela của Uruguay là những huyền thoại khác của Copa America khi mỗi người cũng ghi được 15 bàn. |