Sự phát triển chiến thuật trong lịch sử World Cup: Càng đơn giản càng dễ thành công
Còn khi đã hơn về tài năng, lại có chiến thuật độc đáo, các đội mạnh nghiễm nhiên trở thành ứng viên vô địch World Cup, mà trong nhiều trường hợp thì họ đi vào lịch sử với những danh hiệu thuyết phục.
DỒN NGƯỜI VÀO KHU GIỮA SÂN
Trong hơn chục năm gần đây, sơ đồ chiến thuật phổ biến nhất ở đấu trường World Cup luôn là 4-2-3-1. Sơ đồ này gồm đến 5 cầu thủ chơi ở hàng tiền vệ, đáp ứng được nhu cầu quan trọng nhất trong bóng đá hiện đại là có đủ người tranh chấp ở khu giữa sân - vốn luôn là khu vực quan trọng nhất.
Thực chất, đấy cũng chỉ là chi tiết cụ thể cho một xu hướng chung, đã liên tục phát triển từ thập kỷ 1950 đến nay. Đấy là xu hướng tăng cường nhân sự cho khu vực giữa sân.
Brazil vô địch World Cup 1958 với sơ đồ 4-2-4 nhờ có Didi quá xuất sắc ở khu giữa (Didi chính là cầu thủ hay nhất giải ấy). Ông chuyển từ vị trí hữu nội (hộ công phải) trong đội hình WM về vòng tròn giữa sân và trở thành tiền vệ trung tâm đầu tiên trong bóng đá đỉnh cao. Trước đó, khi sơ đồ WM (3-2-5) ngự trị khắp thế giới, đội hình coi như bị cắt đôi bởi hàng công (chữ W) và hàng thủ (chữ M), khái niệm tiền vệ còn rất nhạt nhòa.
Từ Brazil 1958 (sơ đồ 4-2-4) đến Brazil 1962 (4-3-3) và Anh 1966 (4-4-2), các nhà vô địch World Cup liên tục thành công bằng phương án bớt 1 tiền đạo, thêm 1 tiền vệ. Các sơ đồ ấy đều đi vào huyền thoại vì nó quá hợp lý, quá thành công, và quan trọng là quá dễ để các đội khác rập khuôn.
Brazil linh động hoán chuyển giữa 4-2-4 và 4-4-2 tại World Cup 1970. Đội Đức chơi 4-3-3 tại World Cup 1974. Argentina chơi 4-4-2 tại World Cup 1978. Italia chơi 4-3-3 tại World Cup 1982.
Mãi đến World Cup 1986 thì Argentina mới lại giới thiệu một sơ đồ mới lên ngôi vô địch: 3-5-2. Cũng chẳng ra ngoài nguyên tắc đảm bảo nhân sự cho hàng tiền vệ! Trong suốt thập niên 1990, các đội Đức, Brazil và Pháp đều vô địch World Cup với sơ đồ 4-4-2. Vấn đề chiến thuật coi như bão hòa từ đó.
Diego Maradona và World Cup 1986
VÌ SAO KHÔNG NÊN CẦU KỲ?
Sơ đồ 4-3-3 đi vào huyền thoại vì ngay lần đầu xuất hiện, nó đã đem về cho Brazil chức vô địch World Cup 1962, chưa kể vì cách hoán chuyển (từ 4-2-4) hợp lý mà lực lượng già nua của Brazil không bị hạ bệ.
Sơ đồ 4-4-2 đi vào huyền thoại cũng vì nó xuất hiện lần đầu tiên và lập tức đem về cho đội tuyển Anh chức vô địch World Cup 1966, giữa lúc cả thế giới đang chơi 4-3-3. Đấy cũng là vì sự sáng tạo của HLV Alf Ramsey trong bối cảnh ông không có tiền đạo cánh xuất sắc để chơi 4-3-3.
Ngoài ra, chỉ có các sơ đồ 4-2-4 và 3-5-2 đáng gọi là nổi tiếng khi người ta nhìn lại lịch sử phát triển chiến thuật. Bóng đá đỉnh cao (gồm cả World Cup) còn có rất nhiều sơ đồ khác như 3-4-3 “kiểu Ý”, 3-4-1-2, 4-2-2-2, 4-1-4-1, 3-3-1-3..., nhưng ấn tượng từ các sơ đồ này thì rất nhạt nhòa.
Trên nguyên tắc, chiến thuật bóng đá giống như một cái chăn nhỏ, đắp dọc thì hở ngang, nghĩa là không có sơ đồ chiến thuật nào hoàn toàn tối ưu. Nhưng, vì sao các sơ đồ phức tạp hoặc cầu kỳ thường không đem lại thành công ở trận địa World Cup?
Đấy là vì các ĐTQG không tập trung thường xuyên, cầu thủ thì lại góp nhặt từ nhiều hoặc rất nhiều CLB khác nhau nên khó đảm bảo tính nhuần nhuyễn, ăn ý trong lối chơi. Sơ đồ chiến thuật càng đơn giản, phổ biến, dễ ráp nối đội hình, thì càng tốt.
Có những cách chơi mang tính chiến thuật rất cao, đọng lại trong lịch sử World Cup. Đội Đức từng phát triển vai trò libero một cách độc đáo, Italia chuyên phòng thủ “đổ bê tông”, Hà Lan chơi thứ bóng đá tổng lực hoặc TBN chơi kiểu Tiqui-Taca. Nhưng nhìn chung, tất cả cũng chỉ dựa trên nền tảng là sơ đồ chiến thuật 4-3-3.
Một cách tổng quát: tùy theo hoàn cảnh riêng (có hay không có trung phong giỏi, có hay không có hậu vệ cánh giỏi...) mà các đội bây giờ chọn một sơ đồ chiến thuật phù hợp cho mình. Chỉ biết chắc một điều: sẽ chẳng có sơ đồ nào vừa mới, lại vừa thành công vang dội tại World Cup 2014.