Những ảo ảnh trong bóng đá: Đừng để cảm giác đánh lừa!
Từ NHM bình thường cho đến chuyên gia lão luyện, ai cũng có lúc đã bị cảm giác đánh lừa khi xem bóng đá và kết luận những điều vốn không phải là đúng. Vì sao?
XEM KHÔNG ĐÚNG CHỖ CẦN XEM
Real Madrid bán Claude Makelele sang Chelsea vào năm 2003. Real thì chẳng bao giờ thiếu tiền. Họ bán Makelele là để lấy chỗ cho một ngôi sao xuất sắc hơn, trong đội hình đầy sao và chật chội của “Galacticos 1.0”.
Chủ tịch Florentino Perez khi ấy bình luận: “Tôi chẳng có gì phải tiếc khi mất Makelele. Anh ta chỉ chuyền bóng trong phạm vi 3m, 90% là chuyền về hoặc chuyền ngang. Anh ta thiếu cả tốc độ lẫn kỹ thuật. Anh ta không biết đội đầu. Nói chung, anh ta gần như chẳng đóng góp được điều gì đáng kể”. Sau 3 năm khoác áo Real “như một cầu thủ thừa” trong mắt Perez, Makelele đến Chelsea và thành công rực rỡ suốt 5 mùa bóng. Makelele xuất sắc đến nỗi người ta dùng tên anh để đặt cho một vị trí hoặc vai trò cụ thể, như một danh từ bóng đá.
Số liệu thống kê cho thấy những lúc Makelele đạt tốc độ cao nhất đều là những lúc... đối phương giữ bóng. Không những thế, 84% trong tổng số “hành động có ý nghĩa” của Makelele đều được thực hiện khi quả bóng đang nằm trong chân đối phương. Một vài ví dụ: anh có tốc độ xuất phát vào loại cao nhất châu Âu, hoặc luôn đến đích trước một bước chân so với đối thủ trực tiếp tranh chấp. Chẳng phải Perez cố tình “dìm hàng” cầu thủ cũ. Ông cũng chẳng nói sai lắm về Makelele. Nhưng Perez chỉ xem kỹ Makelele khi anh có bóng. Và, như đã nêu trên, 84% giá trị của Makelele được thể hiện khi anh không có bóng. Perez đã bị cảm giác đánh lừa.
Tiền vệ Makelele từng là một trong những tiền vệ phòng ngự hay nhất Ngoại hạng Anh
KHÔNG BIẾT VÌ KHÔNG CÓ SỐ LIỆU
Một ví dụ khác: Marseille đánh giá thấp tiền vệ Mathieu Flamini vì anh có vẻ lười di chuyển, dù còn rất trẻ. Ở Marseille, Flamini chỉ thường xuyên ngồi ghế dự bị. Nhưng anh thành công ở Arsenal trước khi chuyển sang AC Milan để rồi lại thành công hơn nữa.
Số liệu thống kê cho thấy Flamini di chuyển bình quân 14km/90 phút lúc ở Marseille. “Lười” thế nào được? Choáng ngợp trước con số ấy, HLV Arsene Wenger xem tiếp các thống kê khác để kiểm chứng cầu thủ Flamini mà ông gần như chưa xem bao giờ.
Anh ta di chuyển “có ý nghĩa” hay di chuyển “thụ động” trong 14km ấy? Anh ta có di chuyển đúng hướng cần thiết? Việc di chuyển liên quan thế nào trong lối chơi của Flamini nói riêng cũng như toàn đội nói chung?... Số liệu thống kê đã giải đáp mọi thắc mắc của Wenger, và ông quyết định mua ngay Flamini để thế chỗ ngôi sao Patrick Vieira.
Cần tìm một tiền vệ nhận bóng nhiều, chuyền bóng nhiều với tỷ lệ chính xác cao? Sẽ không nhiều người ngạc nhiên khi số liệu thống kê giới thiệu Cesc Fabregas hoặc Steven Gerrard. Nhưng, Kevin Nolan cũng nằm trong danh sách ấy, và đấy sẽ là “đề cử” làm các tuyển trạch viên hào hứng.
Ở tuổi 34, Gary Speed mặc nhiên bị xem là già. Nhưng Bolton tuyển Speed ở độ tuổi ấy và anh gần như luôn đá chính đến tuổi 38. Không xem kỹ số liệu thống kê, sẽ chẳng ai nghĩ rằng Speed sánh ngang những Gerrard hoặc Lampard ở đỉnh cao phong độ về sức mạnh, sức bền, thể lực, tốc độ.
SỰ THẬT ĐÔI KHI PHŨ PHÀNG
Hiện có hàng ngàn, hàng vạn hay hàng triệu “chuyên gia” trong thế giới bóng đá? Tùy bạn, nhưng phần lớn chẳng ai chịu ai. Càng không bao giờ thống nhất được câu trả lời khi giới bóng đá đứng trước những câu hỏi hoàn toàn mang tính ước lệ.
Cứ nhìn vào cơ man chuyện “hục hặc” khiến các ngôi sao làm mình làm mẩy, muốn ra đi vì tài năng không được HLV đánh giá chuẩn xác. Trong nhiều trường hợp, số liệu thống kê có thể làm chấm dứt mọi tranh cãi. Con số không biết “nói dối”!
Từ năm 2002 trở đi, ngôi sao Dennis Bergkamp thường xuyên bị HLV Arsene Wenger thay ra khỏi sân sau phút 70. Bergkamp khi ấy vẫn đang tỏa sáng và có không ít nhà bình luận đã dựa vào tình trạng ấy để lạm bàn rằng HLV Wenger thường tung tuyệt chiêu trong những phút chót.
Thay người đồng nghĩa thay cả cách chơi, thay luôn chiến thuật, khiến bài bản chuẩn bị sẵn của đối phương dễ dàng sụp đổ! Phần mình, Bergkamp bức xúc đến nỗi có lần anh đã hỏi thẳng Wenger vì sao cứ phải thay người như thế. “Giáo sư” bình thản chìa ra số liệu thống kê Bergkamp luôn chậm hẳn lại trong 20 phút chót, và anh đành chấp nhận sự thật phũ phàng ấy.
Người ta thường hay ca ngợi tính triết lý của Wenger, nói rằng bạn bè của ông có nhiều triết gia. Nhưng cần nói thêm: Wenger cũng có chứng chỉ về kinh tế học và ông là tín đồ của môn toán học..
ĐẾN KHOA HỌC CŨNG BỊ LỪA
Anh là xứ lạnh, ẩm ướt, trái ngược hoàn toàn với Italia vốn là nơi ấm áp (so với mặt bằng nhiệt độ ở châu Âu) và mưa không nhiều. Đấy là “cảm giác” chung, hay “kiến thức” chung? Chỉ biết chắc một điều: rất nhiều người suy nghĩ như vậy.
Khí hậu là một trong những chi tiết hiếm hoi mà người ta không thể tác động để thay đổi. Tốt nhất là nên chơi bóng thế nào cho phù hợp với điều kiện khí hậu bất di bất dịch ấy. Đó là một trong những chi tiết tạo nên trường phái trong bóng đá đỉnh cao. Dân Anh chơi bóng theo kiểu “chạy và sút” vì nhu cầu giữ ấm đã hình thành từ khi cầu thủ còn bé. Các bài tập cho cầu thủ “nhí” ở Anh (thường vào buổi tối, vì ban ngày chúng phải đi học) thường nặng về di chuyển, để chống lạnh.
Sự thật thế nào? Nhiệt độ trung bình ở London từ tháng 9 đến tháng 5 là 9 độ C, ở Milan là 9,9 độ C và ở Turin là 9,7 độ C. Trong các tháng 1-2, Milan và Turin còn lạnh hơn cả London, Birmingham, Manchester! Khác biệt hầu như không đáng kể. Cũng ở 3 thành phố Anh vừa nêu, lượng mưa trung bình là 671mm. Con số trung bình ở Turin, Milan và Roma là 867 - cao hơn nhiều!
Người ta bị cảm giác đánh lừa cả trong khoa học thường thức, nói gì đến một lĩnh vực chuyên biệt hơn, như bóng đá đỉnh cao!