Lối chơi trong bóng đá hiện đại: Thành bại ở con người, đâu chỉ bởi chiến thuật
Giới thống kê luôn sẵn sàng trưng ra số liệu, còn giới cầm bút thì say sưa phân tích: “đường chuyền dài” khác với “đường bóng dài” ở chỗ nào! Dĩ nhiên tất cả đều đúng, nhưng... lạc đề, vì đấy đâu phải là việc của Van Gaal và các đồng nghiệp!
VÀO THỜI ĐỈNH CAO, M.U ĐÁ KIỂU GÌ?
Thời hoàng kim, cặp tiền đạo Dwight Yorke - Andy Cole hoán chuyển vị trí và ghi bàn cho M.U, đều đặn như những cỗ máy. Ryan Giggs lướt biên như bay, trong khi ở biên còn lại, David Beckham tạt bóng như đặt. Roy Keane và Paul Scholes thường xuyên chuyền những quả dài 60m từ gần vòng tròn giữa sân. Tóm lại là... không có gì đặc biệt trong cách chơi của M.U hồi thập niên 1990. Nhưng họ thống trị Premier League một cách tuyệt đối và còn làm được “cú ăn ba” - gồm cả chức vô địch đầu tiên của bóng đá Anh ở đấu trường Champions League trong kỷ nguyên hiện đại.
Đấy là chơi bóng dài? Chẳng thấy ai chỉ trích. Đơn điệu? Có chăng, chính cái sự “thắng mãi” của M.U mới là chỗ đơn điệu. M.U nói riêng, cũng như hầu hết các đội bóng Anh trong thập niên 1990 hễ đã ra sân thì luôn đứng theo sơ đồ chiến thuật 4-4-2, như một sự mặc định. Vậy nên, đừng mất công phân tích chiến thuật, cách chơi của họ. Gần như không có khác biệt về mặt lối chơi giữa M.U với Norwich hay Blackburn.
Khi cách chơi đơn giản của M.U được vận hành một cách nhuần nhuyễn, hiệu quả được phát huy đến mức độ tối đa, nói chung là mọi chuyện đều hoàn hảo, thì chẳng ai phàn nàn về chuyện đá dài hay đá nhuyễn. Phân tích chiến thuật M.U khi ấy là điều vô nghĩa, bởi nó chẳng khác gì chiến thuật của các đội rớt hạng tại Premier League! (Vâng, khác biệt là các ngôi sao M.U làm gì cũng chính xác, cũng nhanh, cũng thành công, nhưng đấy không phải là chiến thuật).
Ở Premier League, đội bóng của Ferguson vô địch 7 lần, về nhì 2 lần (lần nào cũng chỉ thua đội đầu bảng 1 điểm) trong 9 mùa bóng! Cũng đừng cho rằng đấy chỉ là “thành công nội bộ” trên sân cỏ Anh. Trong “cú ăn ba” ở mùa bóng 1998/99, M.U loại Barcelona ở vòng bảng rồi liên tục thắng Inter, Juventus, Bayern Munich trước khi đăng quang ở Champions League.
ĐÁ DÀI LÀ NGHỆ THUẬT
Hồi M.U thống trị sân cỏ Anh, chỉ có một đội ở Premier League khả dĩ cạnh tranh được với họ, trong một vài thời điểm. Đó là Arsenal. Thật ra, Arsenal trở thành đối thủ chính của M.U không phải ở chỗ họ được đăng quang mấy lần, mà là ở sự tương phản trong lối chơi. HLV Arsene Wenger thay đổi hoàn toàn bộ mặt của “Arsenal tẻ nhạt”, biến các pháo thủ thành đội bóng được ca ngợi là có lối chơi đẹp nhất Premier League.
Vậy, hãy nghe chính Wenger nói về vẻ đẹp trong bóng đá. Ông nói: “Các pha phản công thành bàn đều đáng gọi là những bàn thắng đẹp. Những đường chuyền dài chính xác đều đáng gọi là những đường chuyền đẹp”.
Một thời, bóng đá Italia lừng danh thế giới về sở trường phản công. Những đường chuyền dài từ phần sân nhà, do tiền vệ trụ thực hiện, mở ra cơ hội ghi bàn chỉ bằng một động tác duy nhất, chính là “vẻ đẹp bóng đá” mà HLV Wenger nói đến. Không cần nói thêm: Calcio luôn là nền bóng đá hàng đầu thế giới về phẩm chất kỹ thuật. Vậy nên, đừng bao giờ ngộ nhận, rằng đá đẹp hoặc đá kỹ thuật nghĩa là chuyền ngắn, chuyền nhuyễn, kiểu như cách chơi Tiqui-Taca.
Nhưng, bóng đá Anh quả đã “mang tiếng” rằng chỉ biết “chạy và sút”. Chưa ai khen bóng đá Anh về phẩm chất kỹ thuật. Và trong lối chơi phổ biến trên sân cỏ Anh, những đường chuyền dài quả luôn là vũ khí chủ đạo. Vấn đề chính là ở chỗ ấy. Chuyền dài mà lại chính xác, biến được thế thủ ra thế công, mở ngay ra cơ hội ghi bàn, thì đấy là một nghệ thuật. Chuyền dài mà không chính xác, không có ý đồ rõ rệt, thì lại chỉ là cách chơi tầm thường, tẻ nhạt. Bản thân đường chuyền dài không có lỗi, cũng chẳng đáng chê!
LỖI CHỈ NẰM Ở HLV
Đấy chỉ là một trong rất nhiều ví dụ đáng bàn câu hỏi “thế nào là đá đẹp”. Những cách đá khác cũng vậy. Một pha lừa bóng tinh quái, thông minh, sẽ chỉ trở thành pha bóng đẹp nếu nó đi liền với hiệu quả thiết thực. Cầm bóng đột phá hoặc chuyền nhuyễn mà chẳng dẫn đến kết quả tốt đẹp nào thì đấy lại chỉ là cách chơi lắt nhắt, vẽ vời, vô nghĩa.
Đấy là chỉ nói về một pha bóng, một tình huống cụ thể. Nhìn toàn cục: nếu như M.U văng khỏi “Top 4”, phải lỡ hẹn với Champions League lần nữa, thì đấy là lỗi của Van Gaal, là do ông không thể tận dụng “vốn liếng” ngôi sao trong tay để hướng đến kết quả thành công.
Ngược lại, nếu như thầy trò Van Gaal vượt qua hàng loạt thử thách nặng nề sắp tới và trụ vững trong “Top 4” khi mùa bóng kết thúc, liệu ông có còn bị chỉ trích về chuyện đá dài hay đá ngắn? Không chừng người ta sẽ lại khen những đường chuyền dài hiệu quả mà quên rằng chính ông đã chối đây đẩy chuyện chơi bóng dài. Hãy cứ khen hoặc chê Van Gaal, tùy theo kết quả. Còn cái lối chơi mà ông áp dụng - bất kể chơi kiểu gì - trước sau cũng chỉ là phương tiện.
LỐI CHƠI VÀ CON NGƯỜI: Chuyện con gà & quả trứng
Sang năm, quê hương bóng đá sẽ kỷ niệm đúng nửa thế kỷ sự kiện có lẽ là trọng đại nhất trong nền bóng đá Anh: chức vô địch World Cup 1966 (ảnh). Đấy là chức vô địch quan trọng duy nhất mà đội tuyển Anh có được trong suốt lịch sử tồn tại. Nhưng cũng có người mỉa mai: bóng đá Anh chuẩn bị kỷ niệm đúng nửa thế kỷ thất bại - không có bất cứ danh hiệu quan trọng nào cho ĐTQG, suốt 50 năm.
Đấy là do lối chơi hay do con người của bóng đá Anh?
Bỏ qua ĐTQG, nước Anh vẫn luôn xứng danh “quê hương bóng đá” trong rất nhiều khía cạnh. Không nơi nào có giải VĐQG trị giá bạc tỷ như giải Premier League của Anh. Cũng không nơi nào có nền bóng đá chuyên nghiệp được tổ chức quy củ như nước Anh, với 92 CLB nhà nghề đúng nghĩa, với trên dưới 700 đội dự cúp quốc gia hàng năm, hoặc với hội cầu thủ nhà nghề đã tồn tại trên 100 năm. Làm sao tìm ra một nền bóng đá thứ hai tại châu Âu với 5 đại diện từng vô địch Cúp C1/Champions League, hoặc với 13 CLB khác nhau từng đăng quang trên trận địa 3 cúp châu Âu? Chắc sẽ không bao giờ có!
Trớ trêu thay, bóng đá Anh luôn bị xem là nền bóng đá nghèo nàn về phẩm chất kỹ thuật (trong hàng ngũ cường quốc bóng đá). Cũng vậy, lối chơi phổ biến trên sân cỏ Anh thường là lối chơi không dựa trên nền tảng kỹ thuật. Bóng đá Anh phải chơi như vậy vì họ không sản sinh được nhiều ngôi sao điêu luyện về kỹ thuật, hay vì lối chơi phổ biến không xem trọng kỹ thuật cá nhân mà bóng đá Anh không có nhiều ngôi sao sở trường về kỹ thuật cá nhân? Thật khó trả lời.
Hãy trở lại với sự kiện sắp tròn 50 năm của bóng đá Anh: vô địch World Cup 1966. Lần đầu tiên sơ đồ chiến thuật 4-4-2 xuất hiện ở đấu trường World Cup. Ban đầu chuệch choạc, sau mới thành công. Hoàn cảnh cụ thể là HLV Alf Ramsey hầu như không còn tiền đạo cánh. Ông đành sử dụng sơ đồ không có tiền đạo cánh - điều chưa bao giờ thấy trong bóng đá đỉnh cao tính đến trước thời điểm ấy. Sơ đồ 4-4-2 gây ấn tượng sâu đậm đến nỗi nó trở thành “kim chỉ nam” cho bóng đá Anh. Từ đó trở đi, bóng đá Anh đồng nghĩa với 4-4-2. Họ không dùng tiền đạo cánh. Và bóng đá Anh cũng không có tiền đạo cánh nào xem được trong gần 50 năm qua.
Lối chơi là hệ quả từ yếu tố con người hay ngược lại?
Chiến thuật cũng... hên, xui!
Trong 11 trận gần đây, Olivier Giroud (ảnh) ghi được 9 bàn, góp thêm 4 đường chuyền thành bàn cho Arsenal. Đấy hẳn nhiên là phong độ sáng ngời. Trớ trêu thay, lần duy nhất Giroud ra sân mà không ghi bàn, cũng chẳng có đường chuyền nào thành bàn, trong chuỗi 11 trận vừa nêu, chính là trận quan trọng nhất. Anh là một chiếc bóng mờ khi Arsenal thua Monaco 1-3 ngay tại sân nhà ở lượt đi vòng 1/8 Champions League.
Rút cuộc vẫn vậy. Một lần nữa, Arsenal dừng chân trước vòng tứ kết Champions League. Và một lần nữa, Arsenal lại đang hy vọng kết thúc Premier League với một chỗ đứng trong “Top 4” dù chẳng ai cho rằng họ đủ sức tranh ngôi vô địch. Ít nhất cũng nửa thập kỷ trôi qua, Arsenal của HLV Wenger luôn là như vậy. Vì bản thân Wenger đã trở nên lỗi thời? Tùy quan điểm. Nhưng có một điều rõ ràng: Arsenal thay đổi rất ít, từ lối chơi cụ thể đến hình ảnh chung. Chỉ có cá nhân Giroud là khác biệt.
Riêng tại Premier League, Giroud ghi 6 bàn, góp 3 đường chuyền thành bàn trong 6 trận gần đây. Khác hẳn so với việc ghi vỏn vẹn 5 bàn trong 12 trận trước đó. Rất có thể, đấy là vấn đề phong độ thuần túy. Nhưng khi Giroud mờ nhạt, Wenger “lãnh đủ” búa rìa dư luận. Gần đây, Arsenal lại thắng 5 trận liên tiếp. Chưa biết kết cục của mùa bóng hấp dẫn này là như thế nào. Nhưng có vẻ, chuyện khen/chê chiến thuật của Wenger là khá mơ hồ. “Hên, xui” vậy!