Kết thúc hay khởi đầu mới cho “thương hiệu Beckham”?
TẦM ẢNH HƯỞNG SÂU RỘNG CỦA BECKS
Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi sắc lệnh mới về thuế của thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapareto là “luật Beckham”. Bây giờ, cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà “luật Beckham” không còn nữa, mức thuế cho các ngôi sao nước ngoài tại TBN sẽ tăng vọt từ 24,75% lên 52%, nhiều năm sau khi Beckham ra đi.
Để ký được hợp đồng với Beckham hồi năm 2007, tập đoàn sở hữu CLB LA Galaxy là Anschutz Entertainment Group (AEG) đã phải thuyết phục BTC giải MLS xóa bỏ quy định về mức lương trần, để Beckham có thể lĩnh lương cao hơn tổng số tiền lương của mọi cầu thủ khác trong đội cộng lại. Đừng nghĩ một Beckham đã qua thời đỉnh cao phong độ sẽ phải chấp nhận mức lương khiêm tốn. Ở đây, chúng ta đang bàn về “thương hiệu Beckham” nhiều hơn là giá trị chuyên môn của ngôi sao này. AEG làm gì thì làm, miễn sao gia đình Beckham phải có mức sống như những ngôi sao Hollywood, trong căn nhà trị giá 18,2 triệu USD ở Beverley Hills, gần nhà tài tử Hollywood Tom Cruise.
Vấn đề không phải là AEG trả lương bao nhiêu để đưa được “thương hiệu Beckham” sang Mỹ. Nếu như các huyền thoại Pele, Puskas, Beckenbauer hoặc Cruyff vĩ đại ở chỗ họ làm thay đổi các giá trị chuyên môn trong làng cầu thế giới, thì Beckham cũng vĩ đại ở chỗ anh làm thay đổi những luật lệ bên ngoài sân cỏ, như đã nêu trên. Và chính vì giá trị bên ngoài sân cỏ của Beckham lớn hơn giá trị của anh trên sân, nên chuyện về David Beckham có lẽ vẫn chưa kết thúc sau khi anh khép lại chương mới nhất trong sự nghiệp cầu thủ của mình: đá trận cuối cùng trong màu áo LA Galaxy, cũng là trận đấu kết thúc hợp đồng với CLB này.
MLS ĐÃ ĐƯỢC NHỮNG GÌ?
Đấy là một sự chia tay hoàn hảo. Beckham ra đi sau khi LA Galaxy của anh thắng Houston Dynamo 3-1, đoạt cúp vô địch giải MLS. Thật ra, AEG trả lương để Beckham khoác áo LA Galaxy, nhưng “thương hiệu Beckham” sinh lợi cho toàn giải MLS cũng như bóng đá Mỹ nói chung. Những sự dị nghị ban đầu lập tức tan biến khi MLS ký được hàng loạt hợp đồng tài trợ bộn bạc và giá bản quyền truyền hình của giải này cũng tăng vọt trong kỷ nguyên Beckham. Bây giờ, khi tiền vệ 37 tuổi này đã nói lời từ biệt thì vấn đề của MLS không phải là tính lại xem hiệu quả từ sự hiện diện của Beckham là như thế nào đối với giải này. Vấn đề của MLS là phải làm sao tìm được một gương mặt mới thay thế “thương hiệu Beckham”.
Trong bóng đá, không hiếm ngôi sao tiếp tục thành công sau khi treo giày. Michel Platini trở thành trưởng ban tổ chức World Cup ở tuổi 38, nay là chủ tịch UEFA, và không loại trừ khả năng sẽ là chủ tịch FIFA. Mới đây, cựu hậu vệ Milan - Kakha Kaladze trở thành phó thủ tướng kiêm bộ trưởng phát triển vùng miền Georgia. Bây giờ, chúng ta lại phải nhớ đến David Beckham - ngôi sao vẫn chưa thật sự treo giày nhưng quá thành công trong việc khai thác giá trị thương mại của mình. Rồi đây, sẽ lại có một Beckham minh tinh, Beckham ông chủ, hay Beckham... gì gì nữa? Gần như chắc chắn, “thương hiệu Beckham” chưa thể chấm dứt, sau khi anh đã chơi trận cuối cùng ở LA Galaxy.
PSG hay Monaco?
Đài phát thanh RMC tại Pháp cho biết: một nguồn tin thân cận với David Beckham đã tiết lộ rằng, PSG vừa đưa ra một đề nghị với cựu tuyển thủ Anh. RMC còn đi vào chi tiết cụ thể: hợp đồng ban đầu sẽ chỉ có thời hạn nửa năm, nhưng kèm theo điều khoản tự động gia hạn 1 năm nếu đôi bên hợp tác tốt đẹp.
Trong khi đó, báo chí cũng đồn rằng AS Monaco là một trong nhiều CLB khác đang theo đuổi Beckham, sau khi cầu thủ đã 37 tuổi này đá nốt trận cuối cùng cho LA Galaxy. Cũng có tin đồn cho rằng Beckham có thể thi đấu ở Trung Đông, dựa vào việc anh có nhà ở Qatar. Tuy nhiên, Beckham nói rằng anh muốn thi đấu lần cuối trên sân cỏ Champions League trước khi giải nghệ. Khả năng Beckham gia nhập PSG là đáng chú ý hơn cả, vì HLV Carlo Ancelotti của PSG từng là “cố nhân” của Beckham, khi anh khoác áo AC Milan dưới hình thức cho mượn cách đây vài năm.
Lại có nguồn tin nói rằng, Tottenham và Queens Park Rangers đều đã tan vỡ hy vọng tuyển mộ Beckham!