Góc khuất: Hậu trường nghiệt ngã của cựu danh thủ Năm Tốt
GARRINCHA CỦA “HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG”
Đầu thập niên 1950, đội bóng đá trường trung học Phan Sào Nam (Tân Định - Sài Gòn) được xem là hiện tượng khi luôn vô địch trong các giải bóng đá liên trường. Vũ khí tối thượng của đội bóng là một tiền đạo hữu biên có vóc dáng mảnh khảnh nhưng chạy bám cánh rất bén với những pha đảo bóng ngoạn mục như làm xiếc nhờ... chân cao chân thấp.
Đặc biệt chân của cầu thủ này còn cong như “dấu ngoặc đơn” y như danh thủ huyền thoại Garrincha vô địch thế giới 1958 và 1962 và cũng có khả năng “xỏ kim” hậu vệ đối phương dễ dàng như quái kiệt xứ Brazil. Đó là chàng thiếu niên gầy, đen Hồ Văn Tốt.
Hồ Văn Tốt sinh năm 1937 trong một gia đình lao động nghèo ở Quận 6 (nay là Quận 4). Ông là con thứ năm trong 6 anh chị em, thường gọi là “Năm Tốt”, còn cậu em út là danh thủ Hồ Văn Lắm cũng nổi tiếng Sài Gòn khi đó (ông Lắm đã mất năm 2006).
Cuối năm 1954, có lần đội Thương Khẩu (hạng Danh dự) nhờ “Đội Kho 11” của ông Tốt làm “quân xanh” để tập luyện. Nào ngờ lối dẫn bóng luồn lách, lắt léo quái kiệt như... dán keo quả bóng vào chân của chàng tiền đạo ốm nhom Hồ Văn Tốt đã nhiều phen khiến hàng hậu vệ đàn anh nghiêng ngã.
Đến phút 65, sau khi loại bỏ cặp trung vệ Đồng – Vinh, chân sút Hồ Văn Tốt thoát xuống khéo léo đảo bóng gọn gàng qua người thủ môn Đảnh nhẹ nhàng đệm bóng vào khung thành trống gỡ hòa 1-1. Không thể bỏ phí một tài năng tương lai, sau trận đấu, ông bầu Quyền lập tức đề nghị chàng cầu thủ có đôi chân vòng kiềng ma thuật về thi đấu cho đội Thương Khẩu B. Thế là từ đó, cuộc đời của chàng trai xóm nghèo lật sang trang mới.
Thi đấu sáng chói vì thế chưa đầy 6 tháng sau, Hồ Văn Tốt chính thức được đôn lên chơi cho đội Thương Khẩu A sánh vai cùng Vàng, Trần Chánh, Quang, Ta, Sự, bộ “tam sên” Mành – Chạc – Há, dưới sự dẫn dắt của HLV Năm Viết. (Mành là Việt kiều Campuchia hồi hương, Chạc là trung vệ nổi tiếng Xóm Củi - Quận 8, Há tức Hà Tam, cầu thủ gốc Hoa, từng góp mặt trong trận Việt Nam thắng Thái Lan đoạt chức vô địch SEAP Games 1959 tại Bangkok – PV).
Bàn thắng để đời của hữu biên Hồ Văn Tốt là sút tung lưới “lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng trong trận Thương Khẩu hạ Quan Thuế 1-0 trên sân Tao Đàn năm 1957. Quả bóng lượn một đường cong hình cánh cung vượt khỏi đôi tay dài ngoằng của “Con nhện đen huyền thoại” Phạm Văn Rạng và bay vào lưới.
BỊ “CHÉM” QUÈ CHÂN VÌ ĐI BÓNG ẢO DIỆU
Do có biệt tài lừa bóng lắt léo khiến đối phương lúng túng quờ quạng như bị thôi miên, vì vậy, Hồ Văn Tốt luôn trở thành mục tiêu hàng đầu trong danh sách “triệt hạ” của các hậu vệ đội bạn. Năm 1960, diễn ra trận bán kết “máu lửa” để tranh vé vào chung kết giải vô địch Túc cầu giữa 2 đại kình địch “không đội trời chung”: Thương Khẩu và Hải Quân.
Trận đấu căng như giây đàn do những cái đầu nóng và các pha vào bóng ác ý của cầu thủ hai đội. Phút 48, Thương Khẩu phản công nhanh, từ quả tỉa sắc như dao cạo của hậu vệ trái Nguyễn Thành Sự, Hồ Văn Tốt dẫn bóng xâm nhập vòng 16m50.
Thủ quân của đội Hải Quân không còn cách nào khác là bay tung người đạp nguyên gằm giày cắm phập vào chân tiền đạo Hồ Văn Tốt, khiến anh bị đứt gân khoeo chân phải và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Sùng Chính (Q.5). Sau ca phẫu thuật, khi trở lại thi đấu, những bước chạy của quái kiệt Hồ Văn Tốt đã trở nên khập khiễng, khán giả bèn đặt cho biệt danh “Tốt què”.
Sau 5 năm gắn bó với Thương Khẩu, năm 1961, Hồ Văn Tốt bị gọi đi quân dịch, sau đó đưa vào biên chế đội Hải Quân của HLV Từ Bá Nhẫn. Ông thi đấu bên cạnh các tên tuổi nổi tiếng gồm thủ môn Trai, hậu vệ Năm Nên, Vàng, Thiện, Đương, tiền vệ Chiến, Nhéo, tiền đạo Ngọt, Tư Lê...
Thời gian này, Tốt “què” nhiều lần tăng cường và thi đấu rất xuất sắc trong màu áo đội TTM cùng những tài danh sân cỏ như Rạng, Đực II, Hùng, Há, Chạc, Chiêu, Thu, Rỏn... Ông khoác áo đội Hải Quân đến năm 1973 thì chính thức giã từ sân cỏ do đã lớn tuổi và chấn thương tái phát.
HẬU VẬN VẤT VẢ VÌ MƯU SINH
Sau 1975, do cuộc sống túng thiếu, Tốt “què” đã xin vào làm công nhân cạo rỉ sét và sơn tàu ở cảng Khánh Hội (Quận 4). Đến năm 1980, ông về huấn luyện đội bóng đá Thương nghiệp Quận 4 rồi làm nhân viên bảo vệ Phòng TDTT quận.
Năm 62 tuổi (1999), sau khi nghỉ hưu, cuộc sống túng quẫn, ông Tốt cùng vợ hàng ngày đẩy xe cháo lòng bán dạo khắp hang cùng ngõ hẹp khu vực Quận 4 và Quận 7 suốt từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Công việc vô cùng vất vả, hai vợ chồng già luôn phải thức khuya dậy sớm nấu cháo chuẩn bị cho buổi bán hàng.
Tiền lãi kiếm được từ xe cháo chẳng là bao, dầm sương dãi nắng ngày này qua tháng nọ, nhiều hôm đuối sức đẩy xe cháo không qua nổi dốc cầu Tân Thuận. Còn những hôm mưa gió bán ế hàng, cả gia đình phải húp cháo thay cơm.
Hơn 10 năm rong ruổi mưu sinh cùng xe cháo, vợ chồng ông Tốt “què” đã chân chồn gối mỏi, đành phải dựa xe cháo bên hông trường học Khánh Hội. “Nhiều lần bị bảo vệ trường, công an phường, trật tự đô thị đến bắt hết bàn ghế, xoong nồi vì lỗi kinh doanh chiếm lề đường. Nhưng tôi không nghỉ được, vì nghỉ là treo niêu”, ông Tốt tâm sự.
“Đã nghèo còn mắc eo”, vợ ông – bà Nguyễn Thị Hạnh (66 tuổi) gần đây bị thoái hóa đốt sống lưng, đi đứng khó khăn, trong khi bản thân cựu danh thủ Tốt “què” cũng thường xuyên bị chứng cao huyết áp hành hạ. Cũng may, nhờ có 2 con trai hàng tháng hỗ trợ tiền điện nước, thuốc men, cộng với khoản cứu trợ 500 nghìn/tháng của Hội Người cao tuổi của phường, hai vợ chồng ông vẫn sống được. Đó là một đoạn kết buồn của một quái kiệt sân cỏ nổi tiếng một thời của bóng đá Sài Gòn.
Và khi bài báo này tới tay bạn đọc thì tin vui cũng đến với cựu hữu biên Hồ Văn Tốt: ông vừa được nhận làm nhân viên trông giữ xe tại một CLB TDTT gần nhà với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng, giã từ những tháng ngày vất vả mưu sinh cùng xe cháo lòng.