
ĐT Việt Nam: Khắc phục nỗi lo bóng bổng bằng cách nào?
Trong đợt tập trung lần này, Phước Tứ không thể có mặt vì chấn thương. Đây là tổn thất lớn, bởi Phước Tứ có lợi thế về thể hình nên khả năng chống bóng bổng rất tốt. HLV Phan Thanh Hùng đành phải nhào nặn những trung vệ khác tại đội tuyển. Các trận gần đây, ông Hùng liên tục thay đổi về cách sắp xếp các trung vệ như Đình Luật-Gia Từ-Phước Vĩnh-Minh Đức chơi cạnh nhau. Tất nhiên, do đây là những cầu thủ ít được đá cùng nhau khi lên tuyển nên sự ăn ý trong bọc lót hay hỗ trợ để chống bỏng bổng còn tồn tại nhiều vấn đề.

Tại AFF Suzuki Cup 2012, ĐTVN cùng bảng với Phillipines và với những gì đã trải nghiệm, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng phần nào biết được đội bóng này hay sử dụng bóng bổng. “Khi đá với Philippines hay bất kỳ đội nào có thể hình hơn chúng ta, tôi sẽ bố trí một trung vệ cao to chơi ở trung tâm hàng thủ để vừa bao quát vừa khắc chế các đường tạt bóng vào khu 16m50”, ông Hùng tự tin.
Như vậy, trong các màn đối đầu với các đội có thể hình lý tưởng, nhiều khả năng Phước Vĩnh sẽ được chọn. Với ưu thế chiều cao vượt trội cùng kinh nghiệm đá cặp với Minh Đức từ năm 2005, Phước Vĩnh sẽ được kỳ vọng nhiều khi đá chính. Bên cạnh việc cắt cử người có thể hình lý tưởng chơi ở trung tâm hàng thủ, BHL cũng tính đến việc ngăn chặn ngay từ đầu các pha xuống biên để đối thủ không có cơ hội tạt bóng.
Vì thế, vai trò của các hậu vệ biên được đặc biệt chú trọng. “Những người được chọn đá hậu vệ biên không chỉ phải chơi tốt trong các pha tham gia tấn công mà còn phải giỏi về khả năng đánh chặn. Khi hậu vệ biên thi đấu hiệu quả thì chắc chắn, sức ép lên phần sân mình sẽ giảm đáng kể”, ông Hùng chia sẻ.