Copa America khô hạn bàn thắng: Vì tiền đạo dở hay hậu vệ giỏi?
* Lịch thi đấu và BXH Copa America 2015
NHỮNG ĐÔI CHÂN MỎI MỆT
Ngoại trừ đội chủ nhà Chile kết thúc vòng bảng với 10 bàn thắng, không đội bóng nào ghi được hơn 4 bàn ở vòng bảng. Argentina với dàn ngôi sao thượng thặng chỉ ghi được 4 bàn, Colombia với 3 tiền đạo đẳng cấp thế giới ghi được vỏn vẹn… 1 bàn. Không có Luis Suarez, Uruguay kết thúc vòng bảng với 2 bàn.
Đấy là những con số quá thất vọng so với những gì người ta chờ đợi ở kỳ Copa lần này, giải đấu được kỳ vọng sẽ là ngày hội của những bàn thắng, là điểm hẹn của những chân sút hàng đầu thế giới. Mà nếu nhìn vào danh sách các chân sút dự giải lần này, đấy đều là những trụ cột của các đội bóng hàng đầu ở châu Âu.
Carlos Bacca vừa giúp Sevilla bảo vệ thành công chức vô địch Europa League, Jackson Martinez là mũi nhọn của Porto vào đến tứ kết Champions League mùa vừa qua, Lionel Messi kết thúc mùa bóng vừa qua với 58 bàn cho Barca, Carlos Tevez là chân sút số một của Juventus... Nhưng hoặc là vị thế của họ ở đội tuyển khác với ở CLB, hoặc là mùa giải dài hơi ở châu Âu đã vắt kiệt sức lực của họ nên đa số đều gây thất vọng.
Ngoài sự thất vọng từ chính bản thân tiền đạo gây ra, còn phải kể đến chiến thuật quá thận trọng của đa số các đội tuyển lần này. Ngoại trừ Chile và Bolivia, hầu hết các đội tuyển đều chọn chiến thuật thận trọng, chăm lo cho hàng thủ trước rồi mới tấn công sau. Điển hình như Colombia, họ không có cách nào xuyên thủng hàng phòng ngự của những đội tuyển đá lùi sâu như Venezuela, Peru, nhưng lại ghi được bàn vào lưới Brazil - đội tuyển cũng không giỏi áp đặt thế trận tấn công.
HẬU VỆ NAM MỸ LÊN CHÂN
Một nguyên nhân khác cũng phải kể đến là các đội tuyển Nam Mỹ quá hiểu nhau, dẫn đến việc họ gần như triệt tiêu sức mạnh của nhau và trận đấu chỉ được quyết định ở những chi tiết rất nhỏ. 4 năm trước, vòng bảng Copa America 2011 khép lại với vỏn vẹn 37 bàn thắng, tức là ít hơn kỳ này 3 bàn. Cá biệt có Paraguay tiến vào chung kết mà không thắng nổi một trận nào, thậm chí không ghi nổi 1 bàn nào trong 3 trận knock-out.
Việc Paraguay, Uruguay, Venezuela và Peru là 4 đội vào sâu nhất ở Copa America 2011 cho thấy sự lên ngôi của lối chơi thực dụng, sự chuyển hướng về mặt triết lý của các đội tuyển Nam Mỹ, vốn được xem là các đại diện tuyệt vời của bóng đá đẹp và ngẫu hứng.
Cuối cùng, có một điều không thể không kể đến là sự tiến bộ tuyệt vời của những cầu thủ đánh chặn Nam Mỹ. Bây giờ, các đội bóng châu Âu chuộng hậu vệ Nam Mỹ không kém gì các ngôi sao tấn công. Atletico Madrid được cả thế giới ngưỡng mộ ở khả năng phòng ngự luôn ra sân với cặp trung vệ toàn Nam Mỹ là Diego Godin - Miranda, bên cạnh một Jose Gimenez đang chơi lên chân.
Valencia giành quyền trở lại Champions League mùa tới với “hòn đá tảng” ở hàng thủ mang tên Nicolas Otamendi. Hậu vệ cao giá nhất lịch sử chuyển nhượng - David Luiz - là một người Brazil trong khi Marcos Rojo và Pablo Zabaleta là hậu vệ biên của 2 đại gia thành Manchester.
Nghĩa là có khi không hẳn do tiền đạo tồi, mà do các hậu vệ cũng trở nên khôn ngoan hơn trong cách phòng ngự. Chiến thuật cũng giúp các hậu vệ ít bộc lộ sở đoản hơn. Cristian Zapata ở Milan vụng về là thế, về đội tuyển Colombia lại là “hòn đá tảng” như thường.
5 tiền đạo gây thất vọng nhất EDINSON CAVANI (Uruguay) Edinson Cavani đang chỉ làm các CĐV Uruguay thêm nhớ Luis Suarez mà thôi. Nếu chân sút của PSG không mau chóng tỏa sáng, Uruguay nhiều khả năng sẽ sớm trở thành nhà cựu vô địch. RADAMEL FALCAO (Colombia) Falcao là lý do khiến Colombia chưa thể hiện được tư cách của một ứng viên vô địch. Anh chậm chạp và không tạo được áp lực lên khung thành đối phương. Trong 3 trận đấu ở vòng bảng, Falcao chỉ 1 lần chiến thắng trong những pha không chiến. DIEGO TARDELLI (Brazil) Tardelli thật sự trở thành... bóng ma trên sân khi anh không tạo ra một pha bóng có nét nào ở 2 trận vòng bảng. Chiếc áo số 9 huyền thoại từng thuộc về Luis Fabiano, Ronaldo... có vẻ quá rộng với Tardelli. NEYMAR (Brazil) Neymar chơi tốt trong trận ra quân thắng Peru 2-1, nhưng anh khiến tham vọng vô địch của Brazil bị một đòn choáng váng với chiếc thẻ đỏ trong trận thua Colombia 0-1. Là chân sút số một và thủ quân của Selecao, lẽ ra Neymar phải hành xử tốt hơn. PAOLO GUERRERO (Peru) Đội nhà đi tiếp, nhưng Guerrero không đáp lại được kỳ vọng trong vai trò là chân sút số một của Peru. Anh ra sân không thiếu một phút nào ở vòng bảng, nhưng lại không ghi nổi bàn thắng nào. |