Chân dung ƯV QBV 2014 - Manuel Neuer: Ấp ủ tham vọng thay đổi lịch sử bóng đá
Câu hỏi chính khi ấy, quan trọng hơn: Neuer có ảnh hưởng vĩ đại như thế nào đến sự phát triển của môn bóng đá. Và nếu điều đó xảy ra, Neuer sẽ là một nhân vật lịch sử hơn là một ngôi sao thuần túy trong môn thể thao vua.
THỦ MÔN SỐ 1 THẾ GIỚI
Gần đây, thủ môn David de Gea của M.U bất ngờ nổi lên như một hiện tượng, với hàng loạt pha cứu thua xuất thần ở Premier League. Nhân sự kiện đình đám ấy, giới thống kê rà soát các giải VĐQG hàng đầu châu Âu mùa này và thấy rằng De Gea thật ra chỉ đứng thứ 5 về tỷ lệ cứu nguy thành công trước những cú dứt điểm trong vùng cấm địa: 71,7%. Các thủ môn từ số 2 đến số 4 có tỷ lệ cứu nguy là 75% đến 80,4%.
Thế còn Neuer? Anh bỏ xa tất cả, với tỷ lệ 91,3%. Về mặt lý thuyết, con số 91,3% nói lên rằng muốn ghi được 1 bàn vào lưới Neuer, người ta phải tung đến 12 cú sút đúng hướng khung thành, ngay trong vùng cấm địa. Kết luận đơn giản: đấy là điều gần như... không thể làm được.
Chả trách, CLB Bayern Munich của Neuer dẫn đầu Bundesliga trong đợt nghỉ Đông với kỷ lục khó tưởng tượng nổi: họ mới thủng lưới 4 bàn trong suốt lượt đi. Xin nhắc lại: 4 bàn thua trong nửa mùa bóng. Nếu như người ta thủng lưới ngần ấy bàn, thậm chí nhiều hơn, chỉ trong vòng 90 phút, thì cũng không có gì lạ!
Thật ra, số liệu thống kê chỉ là một khía cạnh nhỏ, làm cho sự xuất sắc của Neuer thêm phần thuyết phục. Từ rất lâu trước đây, khi còn khoác áo Schalke, Neuer đã tỏ rõ tài nghệ, khẳng định anh chính là thủ môn số 1 nước Đức. Vẫn như mọi khi, địa chỉ tiếp theo cho bất cứ “số 1” nào trong làng bóng Đức luôn là Bayern Munich.
Thế rồi, Neuer ngày càng tỏ ra chín chắn, vững vàng. Đến khi cả hai tượng đài Gianluigi Buffon (Italia) và Iker Casillas (TBN) đều có dấu hiệu xuống phong độ thì chẳng còn ai có thể ngăn cản Neuer trở thành thủ môn số 1 thế giới nữa.
“BECKENBAUER CỦA THẾ KỶ 21”
Hay nhất đã đành, lại phải nói thêm: Neuer không chỉ khẳng định anh là thủ môn số 1 thế giới trong năm 2014. Anh đã tiến lên một đẳng cấp mới, hay hơn chính mình trước đó. Và anh mở ra cả một hướng đi mới mẻ, quan trọng về mặt lối chơi đối với Bayern Munich cũng như đội tuyển Đức. Nét mới đáng kể nhất của Neuer trong năm 2014 là lối chơi: anh thường xuyên dâng cao, thi đấu bên ngoài khu 16m50 như một hậu vệ (trước đây, Neuer hiếm khi chơi như vậy).
Cựu danh thủ Andreas Koepke, sau này là HLV thủ môn của đội tuyển Đức, bình luận về cách chơi kỳ lạ của Neuer: “Ngoài Franz Beckenbauer, tôi chưa thấy hậu vệ quét nào xuất sắc như vậy”! Có hơi nói quá, nhưng Neuer xứng đáng được gọi là “Beckenbauer của thế kỷ 21”.
Một mặt, nhờ có Neuer mà các cầu thủ Bayern hoặc đội tuyển Đức yên tâm dâng cao đội hình, tăng sức tấn công. Mặt khác, khi Neuer luôn sẵn sàng lấy bóng trong vai trò libero thì đòn phản công của đối phương gần như trở nên vô nghĩa.
Giới chuyên môn từng đúc kết một xu hướng mới khá hay về mặt lối chơi trong năm 2014 của bóng đá đỉnh cao, tạm gọi là “phản phản công”. Trước đây, người ta thường thắng nhờ khả năng hoán chuyển thật nhanh từ thế thủ sang thế công ngay khi có bóng, hoặc thắng nhờ các đường phản công sắc bén. Bây giờ, thành công lại đến từ khả năng vô hiệu hóa con đường ấy. Làm sao đối phương phản công, khi Neuer thường xuyên ra khỏi khu cấm địa của mình và luôn sẵn sàng đón lấy các đường chuyển dài từ phía đối phương?
Có một Neuer vốn đã ở vào đẳng cấp hay nhất khi bắt bóng, lại có một Neuer chơi khá hay bên ngoài khu vực 16m50 trong hoàn cảnh toàn bộ đội hình dâng cao, đội bóng của Neuer giống như có thêm một trung vệ, hoặc có... 12 cầu thủ. Bayern trở thành vô đối ở Bundesliga và đội tuyển Đức trở lại ngôi vô địch World Cup sau 24 năm chờ đợi.
CHỦ ĐỘNG CHỨ KHÔNG MẠO HIỂM
Bóng đá thế giới từng có thủ môn Rene Higuita với biệt danh “El Loco” (gã điên), cũng hay ra khỏi khu 16m50 để chơi bóng. Nhưng không phải là “hậu vệ cuối cùng”. Anh chỉ muốn làm... tiền vệ. Có nghĩa, việc xuất tướng của Higuita đến từ như cầu “trình diễn” hơn là chơi bóng một cách có ý thức như Neuer. Máu trình diễn của Higuita thể hiện rất rõ qua “cú bò cạp” nổi tiếng.
Vấn đề là ở chỗ: đội bóng được gì khi Higuita thay vì bắt bóng thì lại tung “cú bò cạp”? Hoàn toàn không được gì cả! Tại World Cup 1990, Higuita bị lão tướng Roger Milla của Cameroon trừng phạt vì thói ham lừa bóng.
Neuer thì luôn ra ngoài khu 16m50 một cách hợp lý. Anh đã thấy rõ toàn bộ tình huống và đã phân tích diễn tiến tiếp theo sẽ như thế nào mỗi khi lao ra ngoài vùng cấm địa để lấy bóng như một hậu vệ. Higuita ngày xưa luôn mạo hiểm và phải chấp nhận xác suất rủi ro cao. Còn cách chơi của Neuer là chủ động chứ không mạo hiểm, xác suất rủi ro gần như không có.
Cần lưu ý: Neuer có tốc độ tuyệt vời và kỹ thuật cơ bản khá tốt nên anh mới thành công trong vai trò hậu vệ cuối cùng. Chính vì không “ẩu” nên Neuer luôn tự tin trong các tình huống chơi bóng ngoài vùng cấm địa, và sự tự tin lại dẫn đến hệ quả tốt đẹp tiếp theo là anh thường xử lý bóng một cách thành công.
Giả sử bóng đá đỉnh cao có thêm “vài Neuer” nữa? Giả sử thành công của Neuer trở thành cảm hứng cho các thủ môn xuất sắc khác? Đấy sẽ là một cuộc cách mạng thật sự, làm thay đổi suy nghĩ chung về vai trò thủ môn trong môn bóng đá, và sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến các chiến thuật.
Không hề viển vông. Từng có thời kỳ hậu vệ chỉ lo cản phá. Vậy mà bây giờ, hậu vệ cánh không giỏi tấn công thì coi như... vứt! Hai chục năm trước, HLV Brazil Carlos Alberto Parreira đã gọi Giovanne Elber của Bayern là “tiền đạo phòng ngự”. Vậy thì, chưa chắc là lạ nếu trong tương lai, các thủ môn đều phải biết chơi bóng như một trung vệ.
Đấy mới là chỗ vĩ đại nhất của Manuel Neuer!
Không biết Neuer là thủ môn Hồi mới được đưa lên đội lớn ở Schalke, Neuer thường tập với các tiền vệ và chuyền bóng rất hay. Có lần, các cổ động viên kéo đến xin Neuer chữ ký và họ nghĩ rằng anh là một tiền vệ Schalke vừa tuyển mộ. Nhiều người lắc đầu không tin khi Neuer nói rằng anh là thủ môn số 3 của đội. Chạm bóng nhiều hơn tiền đạo Tiền đạo Fred của đội chủ nhà Brazil là một trong những nỗi thất vọng lớn ở World Cup 2014. Còn thủ môn Manuel Neuer của đội tuyển Đức lại là một nguồn cảm hứng cho người xem, cũng tại giải ấy. Có một so sánh thú vị: Neuer chạm bóng bên ngoài vùng cấm địa 21 lần ở trận gặp Algeria trong khi Fred chỉ chạm bóng 20 lần ở trận gặp Croatia! Làm chủ 33% sân bóng Diện tích hoạt động trên sân của Neuer tại World Cup 2014 là 33% diện tích sân bóng. Anh thậm chí đã đặt chân vào... vòng tròn giữa sân (trong trận gặp Pháp). |
6 thủ môn huyền thoại
Việc Manuel Neuer lọt vào danh sách 3 người cuối cùng trong cuộc bình chọn Quả Bóng Vàng FIFA 2014 đã là thành tích xưa nay hiếm. Trước Neuer, chỉ có 5 thủ môn có vinh dự này: Lev Yashin (Liên Xô, QBV 1963), Dino Zoff (Italia, QBB 1973), Ivo Viktor (Tiệp Khắc, QBĐ 1976), Oliver Kahn (Đức, QBĐ 2001 và 2002) và Gianluigi Buffon (Italia, QBB 2006).