Cảm giác thế nào khi...
Người trong cuộc: Perry Groves, cầu thủ Arsenal giai đoạn 1986-1992
Trước khi Arsenal và Man United có cuộc hỗn chiến đầy tai tiếng ở mùa bóng 2003/04, nơi M.U đặt dấu chấm hết cho mạch trận bất bại tuyệt vời tại Premier League của các “Pháo thủ”, cả 2 cũng đã dính vào một cuộc loạn đả quy tụ đến 26 người vào tháng 10/1990.
“Mọi chuyện khởi đầu từ 2 mùa trước đó cơ”, người trong cuộc Perry Groves nói. “Nigel Winterburn bên chúng tôi ngã xuống nhưng Brian McClair nghĩ là ăn vạ nên đến xốc Nigel dậy. Các cầu thủ của Arsenal khi ấy đã rất tức giận. Tình hình tệ hơn nữa khi chúng tôi tái ngộ ở FA Cup ít lâu sau đó, McClair đá hỏng một quả phạt đền và bị Nigel châm chọc.
Đến tháng 10/1990 thì xảy ra đánh nhau to. Nigel tranh chấp bóng rất mạnh với Denis Irwin. Khi Nigel còn chưa đứng dậy thì đã bị Irwin và McClair lao vào đạp túi bụi. Rồi không biết mọi người từ đâu túa vào. Nhưng vui nhất là thấy mặt của McClair chảy đầy máu.
Trọng tài Keith Hackett không biết phải làm gì. Ông ta có thể đuổi ít nhất cũng phải 5 người ra khỏi sân. Nhưng rốt cục Keith chỉ ghi vào biên bản sự việc và để cho FA giải quyết. Tôi chỉ không thể hiểu nổi là vì sao đội nhà bị trừ 2 điểm và United bị trừ 1 điểm. (HLV) George Graham ngoài mặt thì ra vẻ chỉ trích các học trò, nhưng thực ra ông nói nhỏ với chúng tôi: “Đánh ngon lắm!”. Ông ấy cũng bị phạt 1 tuần lương”.
... Lần đầu lên tuyển
Diego Simeone, 106 lần khoác áo đội tuyển
“Năm 1988, tôi lần đầu được triệu tập vào đội U20 Argentina. Khi ấy 18 tuổi, tôi đâu biết lên đội tuyển thì phải liên hệ với ai hay làm gì. Thế là hôm sau tôi có mặt tại trụ sở Liên đoàn, mua tờ báo vừa đọc vừa uống cà phê. Phải đến một lúc sau mới có người bảo tôi là đội U20 đang tập ở Ezeiza, cách đấy rất xa và không cách gì có thể đến kịp giờ được.
Khi ấy tôi nghĩ có lẽ mình chết đến nơi rồi. Nhưng tôi vẫn lên đường, bắt 1 chuyến tàu điện ngầm và 2 chuyến xe bus. Nhưng trong túi tôi hết sạch tiền, tôi nói với người tài xế: “Hãy nhớ gương mặt tôi nhé, vì tôi sẽ đá cho đội tuyển Argentina. Còn bây giờ thì vui lòng chở tôi đến sân tập được không”.
Người tài xế ấy nhẹ nhàng mời tôi rời khỏi xe, thế là tôi chạy nốt 5 cây số còn lại đến sân tập. Khi đến nơi thì mọi người đã lục đục ra về rồi. Nhưng HLV Carlos Bilardo thích nỗ lực của tôi và để cho tôi tập luôn với các thành viên đội tuyển. Cũng trong năm ấy, tôi có lần đầu tiên trong tổng số 106 lần khoác áo đội tuyển”.
... Bị truyền thông cắm trại ngay trước cửa nhà
Urs Meier, cựu trọng tài quốc tế
“Thật không thể tin nổi. Tôi đã điều khiển 3 trận đấu tại EURO 2004 một cách công tâm, tuyệt vời. Nhưng truyền thông Anh lại bảo tôi đã cố tình không công nhận một pha ghi bàn của họ trong trận tứ kết với Bồ Đào Nha. Tôi bị khủng bố qua email và thật sự đã phải trốn cả tuần lễ. Tôi không thể liên lạc với gia đình mình. Tôi không lo cho mình, nhưng nếu tôi về nhà thì bọn trẻ sẽ bị ảnh hưởng.
Ngày ấy truyền thông Anh đã dựng một lá cờ to đùng ngay trước nhà tôi ở Thụy Sỹ. Những ai làm trọng tài xin hãy chuẩn bị tinh thần: báo chí Anh luôn có xu hướng thổi phồng mọi thứ lên. Nhưng kể từ sau sự việc ấy, tôi luôn được mời uống một thứ gì đấy miễn phí khi đặt chân đến Xứ Wales hoặc Scotland”.
... Thi đấu trong cơn say
Mickey Thomas, Man United 1978-81
“Khi gia nhập Man United từ Wrexham, tôi cảm thấy áp lực khủng khiếp. Vui thì tất nhiên là vui, nhưng cảm giác thi đấu cho đội bóng hàng đầu thế giới là một trải nghiệm khủng khiếp mà tôi chưa từng tưởng tượng đến trước đó. Đêm trước trận đấu đầu tiên cho mình cho M.U, tôi không tài nào ngủ được. Tôi hoài nghi khả năng của mình, tự đặt ra những khịch bản khủng khiếp. Nửa đêm rồi, tôi đành mang rượu ra mà vỗ giấc ngủ. Tôi đã nốc 1 hay 2 chai whiskey gì đấy.
Sáng hôm sau tôi vào sân mà đầu óc vẫn còn biêng biêng. Tất nhiên là thể lực vẫn tốt, nhưng hơi men vẫn còn chếnh choáng nên nhờ đó mà tội không còn cảm thấy sợ hãi nữa. Tôi đã chơi bóng trong tình trạng đang say. Khi đã tỉnh lại, những nỗi sợ hãi và hồi hộp lại ùa về. Cuối cùng vì quá áp lực nên tôi đã rời M.U.
Cầu thủ là vậy đó. Chúng tôi cũng là người và bị stress như bất kỳ ai. Bây giờ cầu thủ đã nhận được sự ủng hộ nhiều hơn. Tôi mong được cùng PFA giúp các cầu thủ vượt qua khó khăn của mình”.
... Bị cả sân la ó
Graham Poll, cựu trọng tài Premier League
“Trọng tài buộc phải yêu công việc của họ. Nếu không thì họ không cách gì vượt qua nổi những sự phán xét từ khán đài, cầu thủ lẫn báo giới. Chả bao giờ có lời khen nếu họ bắt tốt, nhưng những lời miệt thị sẽ trút xuống sau một quyết định không ổn. Hãy tưởng tượng 5.000 CĐV cứ gầm lên là: “Mày là tên vô lại” xem thế nào là hiểu.
Tôi còn nhớ trận đấu giữa Arsenal và Liverpool tại Highbury. Vợ tôi và các bạn đến xem và chứng kiến tôi bị cả sân vận động gầm lên chửi bới. Cô ấy bảo mình không thể tin nổi là công việc của tôi lại khủng khiếp đến như vậy. Tôi chỉ cười trừ: “Tại hôm nay anh bắt không được hay lắm”. Thế thôi”.
... Hẹn hò với dân showbiz
Lee Trundle, cầu thủ Swansea 2003-07
“Thật tình là cũng không tệ lắm dù chúng tôi hay bị cánh phóng viên bám theo và tôi thỉ thỉnh thoảng phải đến những bữa tiệc dành cho giới showbiz. Tôi và Liz (McClarnon) gặp nhau tại Newz Bar ở Liverpool. Tôi không nghĩ cô ấy biết mình là ai, nhưng tôi nói chuyện với anh trai của cô ấy, một fan của Everton.
Rồi chúng tôi quen nhau, hơi khó khăn để duy trì quan hệ vì tôi phải chơi tại Swansea còn Liz thì di chuyển khắp nơi cùng với ban nhạc Atomic Kitten của mình. Nhưng cố ấy cũng cố đến Swansea xem tôi thi đấu rồi đi ngược trở lại London. Chúng tôi là một cặp đôi đúng nghĩa, không dính dáng nhiều đến báo chí và scandal như những cặp tình nhân tại Premier League thời nay. Tôi không phải là ngôi sao triệu phú gì, cô ấy yêu tôi thật. Liz rất thích giọng của tôi”.
... Bị ép dàn xếp tỷ số
Juan Bava, trọng tài biên người Argentina
“Chúng tôi đến Medellin, Colombia cho trận bán kết Copa Libertadores giữa Nacional và Danubio của Uruguay. Đấy là năm 1989, năm đỉnh cao của nạn vận chuyển ma túy tại đây. Khi chúng tôi vừa nhận phòng thì có tiếng gõ cửa, tôi ra mở thì ăn trọn một cú đấm đau đến mức suýt ngất. Gã ấy ném một va ly tiền lên giường và nói: “Tiền này là cho bọn mày, nhận hay không là chuyện của bọn mày. Nhưng ngày mai Nacional mà thắng thì tụi bây mang tiền xuống âm phủ mà xài”.
Cả bọn cảm thấy hết sức sợ hãi. Trọng tài chính, Carlos Eposito, cũng không biết mình sẽ phải làm gì. Tôi đã nói với anh ấy: “Carlos này, ngày mai phút thứ 75 tỷ số mà còn 0-0 thì chắc tôi chạy vào vòng cấm đánh đầu ghi bàn cho rồi”. Thật may là Nacional thắng trận ấy đến 6-0, chúng tôi bắt xong trận ấy thì ra thẳng sân bay. Chiếc va ly tiền vẫn để lại khách sạn”.
... Thừa nhận đồng tính
Anton Hysen, hậu vệ CLB Utsiktens BK (Thụy Điển)
“Đấy là một việc trọng đại, nhưng thật ra tôi đã thừa nhận điều này với gia đình và bạn bè mình từ trước rồi (Anton là con trai của cựu hậu vệ Liverpool, Glenn Hysen). Thừa nhận trước người thân khó khăn hơn nhiều so với việc công bố với đám đông.
Một vài đồng đội tôi cũng đã biết từ trước, sau khi tôi thừa nhận thì mọi chuyện vẫn không có gì quá khác biệt. Khi thi đấu tôi bị một số đối thủ chọc ghẹo là “thím” nhưng tôi cũng không coi chuyện ấy là vấn đề. Một phần vì tôi chỉ chơi ở giải đấu hạng dưới của Thụy Điển chứ không phải là Premier League.
Nhưng ngay cả những cầu thủ Premier League cũng nên dũng cảm thừa nhận nếu họ là gay. Matt Jarvis, Freddie Ljungberg và Anders Lindergaard đều bảo họ không hề kỳ thị những đồng đội đồng tính. Mà tại sao phải kỳ thị cơ chứ”.
... Bị sỉ nhục trên đường
Carlton Palmer, tuyển thủ Anh 1992-93
“Tôi bị miệt thị gần như cả sự nghiệp và thú thật là tôi không hề mảy may suy nghĩ về nó. Bố tôi là người Jamaica, tôi luôn tỉnh bơ trước những lời miệt thị chủng tộc bất kể nó xuất phát trong trận đấu hay trong cuộc sống. Trong toilet của những quán bar, nhà hàng hay thậm chí là đang ngồi xe hơi trên đường, tôi bỏ những lời miệt thị ngoài tai, cứ để cho chúng nói chán thì thôi”.
... Bị đuổi trong một trận chung kết World Cup
Pedro Monzon, cựu hậu vệ đội tuyển Argentina, World Cup 1990 với Tây Đức
“Mọi thứ diễn ra quá nhanh, tôi buộc phải quyết định xem có nên đuổi theo Klinsmann hay cố chặn anh ấy lại. Tôi đã phạm sai lầm khi xoạc bóng bởi Klinsmann chỉ chờ có thế là ngã lăn ra, còn khuyến mãi thêm vài vòng đau đớn nữa. Thật đáng xấu hổ.
Nếu tôi mà chủ ý ra chân, giờ này Klinsmann đang đi xe lăn còn tôi thì vẫn đang thụ án tù. Sau đó tôi mới phát hiện mình là người đầu tiên bị đuổi khỏi một trận chung kết World Cup, nhưng tôi không xem đấy là một chuyện buồn. Phải vui chứ vì nó chứng tỏ tôi đã từng hiện diện trong một trận chung kết.
Điều tồi tệ là sau chiếc thẻ đỏ ấy trọng tài không cho phép tôi ngồi ở băng ghế dự bị để theo dõi nốt trận đấu. Tôi bị ép phải vào phòng thay quần áo ngồi chờ. Vài phút sau thì tôi... có bạn: đồng đội Gustavo Dezotti của tôi cũng bị đuổi. Rồi cả 2 cùng nghe đám đông gào lên khi Tây Đức ghi bàn.
Người trọng tài thổi trận ấy - Edgardo Codesal - sau này trở thành bạn tôi tại Mexico. Bí quyết tình bạn là gì? Tuyệt đối không nhắc lại quyết định rút thẻ đỏ ngày ấy”.
... Bị hiểu lầm
Ian Holloway, cựu HLV Crystal Palace, hiện đang dẫn dắt Milwall
“Tôi thật sự buồn khi mọi người nghĩ tôi là một gã điên hay chỉ cố tình vui vẻ giả tạo. Có người còn đi xa hơn khi bảo tôi không nghiêm túc khi làm việc. Kỳ thực bất kỳ ai biết tôi đều hiểu rõ tôi là một con người của công việc như thế nào. Nhưng có gì sai trái khi cố tỏ ra tích cực và tận hưởng trận đấu của mình trên sân? Tôi chỉ cười thôi mà, vậy là đủ để kết luận tôi bị khùng sao?”
... Đá trên sân không khán giả
Warren Feeney, 46 lần khoác áo đội tuyển Bắc Ireland
“Chúng tôi biết trận đấu với Serbia sẽ rất khó khăn, nhưng thật tình là chơi trên sân không khán giả tại Belgrade (tháng 3/2011, vòng loại EURO 2012) là một trải nghiệm khủng khiếp hơn tưởng tượng rất nhiều. Trận ấy CĐV của Serbia đã bị cấm vào sân sau khi vừa gây rối trong trận gặp Italia trước đó. Đấy là một ký ức tồi tệ. Trận ấy rất quan trọng và chúng tôi muốn thi đấu trong bầu không khí cuồng nhiệt, bất kể là khán đài cổ động cho ai.
Hôm ấy cảnh sát phải hộ tống đội bóng từ khách sạn vào sân. Trận đấu bắt đầu rồi mà chúng tôi chả cảm thấy hưng phấn gì cả. Khi Gareth McAuley ghi bàn, cả bọn thậm chí còn không biết nên ăn mừng như thế nào. Mà có ăn mừng cho cảm xúc vào thì cũng đâu có ai xem. Cuối cùng chúng tôi thua 1-2, trên chuyến bay về nhà, tôi chỉ ao ước được chơi ngay trận tiếp theo trên sân có khán giả”.
... Bị dọa giết
Mike McCurry, cựu trọng tài giải vô địch Scotland
“Tôi không thể đếm nổi số lần mình bị dọa giết khi còn làm trọng tài, nhưng có một lời đe dọa vẫn còn ám ảnh tôi cho đến tận lúc này. Khi ấy tôi vừa bắt xong trận Aberdeen gặp Rangers. Phần voicemail trong điện thoại gần như quá tải bởi những lời đe dọa.
Nhưng có một gã bảo mình vừa ra tù và sẽ đâm tôi 9 nhát vào tim bằng một cái giá treo áo. Sự mô tả ấy cụ thể đến mức tôi sợ gã sẽ làm thật. Đến thời điểm ấy, tôi đã nhận đủ thứ kiểu đe dọa, một con dao lam bỏ vào chiếc phong bì, xác chuột chết, thậm chí họ còn gửi cả nội tạng gà vào hòm thư nữa”.
... Bị báo chí lăng mạ
Graham Taylor, HLV đội tuyển Anh 1990-93, thua Hà Lan 0-2 trong trận đấu quyết định và không thể giúp ĐT Anh giành suất đến VCK World Cup 1994
“Khi tờ The Sun đăng tải bìa báo nổi tiếng ấy, Lawrie McMenemy đã gọi tôi và thảng thốt: “Cậu đã nhìn thấy cái bìa ấy chưa? Người ta bảo trong đầu cậu là một cái bắp cải?”. Bây giờ thì tôi không còn cảm thấy khó chịu khi nghĩ về việc này nữa, nhưng ngày ấy đấy là một sự sỉ nhục thật sự. Từ chuyện chuyên môn họ biến thành một cuộc công kích cá nhân.
Các nhà báo sáng tạo ra cái bìa ấy ở đâu khi tôi bị những gã xăm trổ đầy mình đe dọa ngay trên đường? Khi tôi và gia đình bị người ta ném bia? Tôi đồng ý là tự do báo chí, nhưng tự do phải đi liền với trách nhiệm chứ”.