Bạo lực, phân biệt chủng tộc là "bệnh" của bóng đá Serbia
Hậu vệ Danny Rose của U-21 Anh đã bị các CĐV của Serbia phân biệt chủng tộc ngay trên sân trong trận đấu gặp U-21 Serbia, thuộc vòng loại U-21 châu Âu. “Đất nước này vẫn chưa giải quyết được vấn đề liên quan đến những kẻ côn đồ chuyên quậy phá trong các trận đấu”, Bosko Jaksic - một phóng viên của tờ Politika nói với hãng tin Reuters.
“Nhiều CĐV Serbia nghĩ việc tạo ra những âm thanh mang tính phân biệt chủng tộc là hợp pháp bởi họ cho rằng điều đó không tệ hơn việc la ó hay chế giễu cầu thủ đội bạn. Họ không nhận ra sự khác biệt. Họ không ý thức được sự nguy hại của phân biệt chủng tộc”.
Băng ghi hình của trận đấu cho chúng ta thấy Rose đã bị hàng trăm CĐV của Serbia miệt thị bằng việc giả tiếng kêu của khỉ. Họ cũng ném cả pháo sáng, chai lọ và gạch đá vào sân khi trận đấu kết thúc. Rose rất bức xúc khi mình trở thành nạn nhân của thói phân biệt chủng tộc tại Serbia.
Cầu thủ đang khoác áo Tottenham này thậm chí đã khóc nức nở trong phòng họp báo. Trước đó, anh đã sút bóng lên khán đài sau tiếng còi mãn cuộc thay vì đưa cho trọng tài và lập tức nhận thẻ đỏ. Chưa dừng lại, Rose còn hướng về phía các CĐV chủ nhà và làm điệu bộ của một con khỉ nhằm chọc tức những người đã bôi nhọ anh và giơ cả ngón tay thối suốt quãng đường đi vào phòng thay đồ.
Không thể quên kể tới chuyện sau trận đấu, một số cầu thủ và các thành viên thuộc BHL 2 đội còn lao vào ẩu đả, tạo nên một khung cảnh vô cùng hỗn loạn. HLV thủ môn của U21 Anh là Martin Thomas đã bị húc vào mặt, còn trợ lý của HLV trưởng Stuart Pearce là Steve Wigley bị đá vào bụng. Thủ thành của U-21 Anh Jack Butland cũng phải nhận cả một chiếc ghế vào người khi các nhân viên an ninh không thể kiểm soát các CĐV trên sân.
Đây không phải lần đầu tiên cả Serbia lẫn Anh vướng vào scandal phân biệt chủng tộc. Tại giải vô địch U-21 châu Âu tổ chức ở Hà Lan vào năm 2007 khi U-21 Anh cũng gặp U-21 Serbia, hậu vệ Nedum Onuoha từng bị CĐV Serbia phân biệt chủng tộc theo cách tương tự. LĐBĐ Serbia (FSS) sau đó chỉ bị phạt 16.000 euro.
Từ năm 1990 khi Serbia vẫn còn chưa tách khỏi Liên bang Nam Tư, đã có rất nhiều vụ bạo loạn xảy ra trong các trận bóng đá tại nước này. Trong một trận đấu giữa Red Star và Dinamo Zagreb, có 60 người bị thương, một vài trong số đó bị đâm, bị bắn hoặc thậm chí bị ngộ độc vì khí gas.
Năm 2009, một fan người Pháp tên Brice Taton đã chết trong bệnh viện sau khi bị một nhóm CĐV Partizan đánh ngay trước trận gặp Toulouse tại Europa League. Sự kiện này diễn ra 2 năm sau khi một CĐV của Red Star tấn công một cảnh sát bằng pháo sáng rồi sau đó phải ngồi tù 10 năm, do bị kết tội có ý định giết người.
Vào tháng 10/2010, sau khi các CĐV Serbia làm náo loạn tại Italia trong một trận đấu thuộc vòng loại EURO 2012, ĐT Serbia đã bị LĐBĐ châu Âu (UEFA) phạt phải thi đấu trong một SVĐ không có người xem ở trận tiếp theo. Hiện vẫn chưa rõ sau scandal phân biệt chủng tộc và bạo loạn mới nhất tại trận U-21 Serbia - U-21 Anh, UEFA sẽ xử lí ra sao.
Chỉ biết rằng cách đây ít lâu, chủ tịch UEFA - Michel Platini từng khẳng định ĐT Serbia và cả những CLB của nước này sẽ phải chịu những án phạt nặng, nếu nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực vẫn tiếp tục hoành hành. Song dù UEFA đưa ra án phạt nặng tới đâu, nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực tại Serbia khó lòng bị đẩy lùi. Lí do đơn giản bởi phân biệt chủng tộc và bạo lực dường như đã trở thành một thói quen không thể bỏ của người dân nước này.