Vấn đề đào tạo trẻ ở Italia: Đến Juventus cũng không thể tự trồng
JUVE THUA CẢ 1860 MUNICH, GUINGAMP
Theo công bố mới đây của Trung tâm nghiên cứu bóng đá quốc tế (CIES Football Observatory), Juventus đứng ngoài Top 50 khi xếp hạng về đào tạo trẻ, trong các CLB chuyên nghiệp thuộc 5 nền bóng đá lớn (Anh, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Italia). Trong đó, Juve còn thua một loạt đội bóng xoàng như Guingamp (Pháp), Rayo Vallecano và Celta Vigo (TBN) hay thậm chí 1860 Munich, đội đang chơi ở giải hạng Nhì Đức.
Việc kém cỏi trong đào tạo tại chỗ là nghịch lý rất lớn với Juve, đội có số CĐV ở trong nước tương đương 1/6 dân số Italia. Càng nghịch lý hơn nữa nếu biết rằng Juve được yêu thích rộng rãi vì công ty mẹ FIAT đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người Italia, nhưng chính CLB Juve lại không thể đưa những tài năng của họ lên đỉnh cao.
Có lẽ trong nhiều năm qua kể từ thời Alessandro del Piero, tài năng trẻ được trông đợi nhất của Juve chính là Paul Pogba. Nhưng Juve không đào tạo ra Pogba, họ chỉ có công phát hiện ra tài năng của anh rồi “cuỗm” mất của Man Utd. Nếu Pogba trưởng thành từ tuyến trẻ Lão phu nhân, nhiều khả năng số phận của anh cũng chẳng khác gì Sebastian Giovinco, người đã bỏ phí hơn 5 năm sự nghiệp để mài đũng quần trên ghế dự bị Juve.
HLV Antonio Conte từng mạnh mẽ chỉ trích sự trì trệ trong nền bóng đá Italia về công tác đào tạo trẻ, nhưng chính ông thời ở Juve cũng không làm được việc gì lớn cho công việc ấy. Tài năng khá khẩm nhất do Juve đào tạo tại chỗ chỉ là Luca Marrone, người chỉ đá vỏn vẹn 15 trận ở Serie A cho Bianconeri trong… 4 mùa bóng!
VẤN ĐỀ CỦA CẢ NỀN BÓNG ĐÁ
Nếu đến ngay cả Juve, đội đang sở hữu SVĐ riêng và được xem là hình mẫu để mọi CLB Italia noi theo, cũng không thể đào tạo ra những cầu thủ tốt, thì có thể trông đợi gì ở những đội khác?
Inter (xếp hạng 19 theo CIES) hay Milan (thứ 34) đều có nhiều tài năng trẻ được chú ý, nhưng đều sớm chìm vào quên lãng vì sự thiếu quan tâm của CLB. Những trường hợp thui chột của Lorenzo Crisetig (Inter), Bryan Cristante, Riccardo Saponara, Alberto Paloschi và kể cả Stephan El Shaarawy (Milan) thực sự rất đáng suy nghĩ.
Những cầu thủ trẻ ở Italia gặp đủ thứ bất lợi so với bạn bè đồng trang lứa ở các nền bóng đá lớn khác, từ lương học việc, chế độ ăn uống, sinh hoạt cho tới thái độ của chính CLB chủ quản (chỉ xem họ là món hàng đem bán kiếm lời). Chủ tịch Enrico Preziosi tiết lộ, Genoa từng bỏ qua cơ hội ký hợp đồng với Lionel Messi, nhưng có lẽ các CĐV phải cảm ơn Genoa, bởi nhờ vậy mà thế giới bóng đá mới có một huyền thoại, thay vì chôn vùi sự nghiệp trên những sân bóng vắng khán giả tại Italia.
Trong thời cận và hiện đại của bóng đá Italia, từng có không ít tên tuổi huyền thoại được sinh ra từ các CLB lớn như Franco Baresi, Paolo Maldini (Milan), Giuseppe Bergomi (Inter), Francesco Totti (Roma) hay Alessandro Nesta (Lazio). Truyền thống ấy đang bị mai một dần bởi sự thờ ơ của những người làm bóng đá Italia, và chưa biết bao giờ mới thay đổi…
Serie A kém nhất về đào tạo TỶ LỆ CẦU THỦ TỰ ĐÀO TẠO TRONG 5 GIẢI VĐQG HÀNG ĐẦU Chỉ chưa đầy 10% cầu thủ thi đấu ở Serie A hiện nay là do chính CLB đào tạo, đây là tỷ lệ thấp nhất trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Thậm chí cả Premier League vốn luôn đình đám về chuyển nhượng những năm qua cũng có tỷ lệ cầu thủ tự đào tạo cao hơn Serie A. |