*Bạn cũng có thể bình luận về bài viết này trên
Luis Enrique chắc chắn không muốn ra đi theo cách đó. Người đã đến Roma với những tư tưởng mạnh mẽ về việc đem lại cho đội một lối chơi cống hiến và ngoạn mục dựa trên khả năng cầm bóng nhiều chạm theo kiểu tiqui-taca theo trường phái Barcelona rốt cục đã không đi hết con đường mà anh đã chọn. Chất tiqui-taca đã có, với những thời điểm tưởng như chất Barcelona đã chảy trong huyết quản của Roma. Nhưng sự thiếu kinh nghiệm và hơi «phổi bò» đã khiến Enrique phải trả giá quá đắt: đội bóng luôn thiếu ổn định về lối chơi và tâm lí thi đấu, thiếu định hướng ở cấp cao nhất liên quan đến các vấn đề kĩ thuật, thiếu khả năng xử lí linh hoạt các tình huống khẩn cấp hoặc trường hợp cầu thủ vô kỉ luật. Roma đã thua đến 14 trận mùa này, bị loại khỏi cuộc đua dự Cúp châu Âu ngay vào thời điểm người ta cho rằng họ vẫn còn cơ hội.
Vị HLV người Tây Ban Nha ra đi (một cách rất quân tử và nghĩa hiệp), vì anh nhận hết trách nhiệm của thất bại về mình. Trong khi ấy, Montella thành công rực rỡ ở Catania, được coi là một HLV đầy triển vọng cho một đội bóng là phát hiện lớn nhất trong mùa giải. Montella kém hơn Enrique 4 tuổi, đầu mùa bóng trước vẫn chỉ làm việc như một ông thày giáo với lũ trẻ (anh là HLV đội thiếu niên của Roma), nhưng anh là người Ý, anh sinh ra và lớn lên trong nền bóng đá quê hương anh, trong khi Enrique là người nước ngoài và bị cho là thiếu khiêm tốn. Bản thân điều ấy đã khiến anh có kẻ thù ngay trong BLĐ CLB. Và nữa, người ta coi thứ bóng đá mà vị cựu HLV đội Barca B áp dụng cho Roma, quá duy mĩ và thiên về tấn công, là không hợp lí đối với một nền bóng đá đòi hỏi sự pha trộn một cách hoàn hảo giữa bóng đá tấn công và bóng đá thực dụng. Không ngạc nhiên khi Roma lại hướng đến Montella vào lúc này, dù anh còn hợp đồng với Catania đến 2013 và ở thủ đô nước Ý, ngay cả những người mơ mộng nhất cũng nhận thấy rằng, sau thất bại của Enrique, nếu Roma mùa tới đứng dưới sự chỉ đạo của một tay HLV trẻ nữa là Villas Boas, nguy cơ tái diễn thất bại là cực cao. Cũng như Luis Enrique, Villas Boas không sinh ra và trưởng thành trong calcio, không hiểu gì về calcio và dù tất cả biết rằng, họ cần được trao nhiều thời gian hơn nữa, nhưng ở Ý, mấy mùa gần đây, «kiên nhẫn» là từ không có trong tự điển. Villas Boas cũng có thể sẽ là một Don Quijote nữa của Roma, khi sẽ hứng chịu những sốc văn hóa như Enrique đã gặp phải ở đội bóng thủ đô.
Pep và Luis Enrique, một HLV Barca và cựu HLV đội B của Barca, đều cùng thất bại ở mùa này. Họ cùng không đi đến đích cuối cùng bởi tiqui-taca ở Barca đã bị đối phương dần khắc chế, trong khi Enrique đã không thành công với tư duy bóng đá tôn thờ sự «vui vẻ» và «giải trí» nhờ cầm bóng nhiều hơn, chính bởi vì anh đã phớt lờ những yếu tố cơ bản về phòng ngự theo kiểu Italia. Luis cũng quên một điều, Roma không cần những người anh hùng trên ghế HLV. Họ cần những người thầy, và hơn thế nữa, một người đốc công đặc biệt trong phân xưởng lắp ráp. Montella không phải Enrique. Anh đã cứu thoát Roma khỏi cuộc khủng hoảng ở cuối mùa trước, khi thay Ranieri. Anh đã tạo nên một niềm tin lớn lao, rằng sau những gì anh làm được ở Catania mùa này, anh có thể làm được điều tương tự với Roma ở mùa tới, từ một thứ bóng đá chắc chắn hơn, an toàn và khoa học hơn. Roma và Serie A chắc chắn sẽ nhớ Luis Enrique, vì triết lí bóng đá của anh, vì sự quân tử của anh, người có lẽ đã luôn cảm thấy xa lạ trong một nền bóng đá không biết kiên nhẫn, chờ đợi và khoan dung…
Trong khi chờ Montella, Totti sẽ… Ở Roma, người ta xì xào rằng, đội bóng thủ đô để cho Luis Enrique ra đi sau khi chính họ đã thúc đẩy việc ấy, vì quá thất vọng với anh, và vì nhận ra việc lựa chọn anh là một sai lầm. Người ta cũng rỉ tai, rằng chính đội trưởng của Roma, người đã có xung khắc với Enrique hồi đầu mùa, đã thúc đẩy vụ này, và sau đó, anh tiến thêm bước nữa, khuyên Roma hãy triệu hồi Montella từ Catania. Đấy chính là người bạn thân của anh, người mà anh đã ủng hộ nhiệt liệt hồi cuối mùa trước khi đứng sau vụ đưa Montella lên thay Ranieri. Trong khi chờ Montella trở về Roma và khi giải chỉ còn một vòng nữa là kết thúc, số 10 của Roma muốn tấn công một cột mốc quan trọng nữa trong sự nghiệp: chỉ cần thêm một bàn nữa, vào lưới đội đã xuống hạng Cesena ở vòng này, Totti sẽ có bàn thắng thứ 216 ở Serie A, sánh ngang với các huyền thoại Altafini và Meazza, hiện đang đứng thứ 3 trong danh sách những chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử giải đấu (sau Nordahl, 225 bàn, và Piola, 274 bàn). Việc ấy, xét cho cùng không đến nỗi quá khó. Đối thủ của anh trong khung gỗ của Cesena, Antonioli, cũng đã từng đoạt Scudetto với Roma và Totti mùa hè 2001, đã từng bị anh sút tung lưới đến 9 lần trong sự nghiệp. Chờ đợi phút giây tỏa sáng và cột mốc mới của Totti. |
Thư Anh
Thethaovanhoa.vn