Tội nghiệp thay những ông chủ quán ăn ở cái thành phố sành ăn, sành mặc và sành chơi bậc nhất mang tên Napoli, thành phố không ngủ vì lúc nào cũng cảm thấy thiếu thời gian cho những nỗi đam mê. Trong những nỗi đam mê ấy, chưa bao giờ thiếu bóng đá, và một điều chắc chắn ở thời điểm mà Napoli đang khơi gợi biết bao cảm xúc, thì pizza và spaghetti bắt đầu nhường chỗ cho cái tivi. Trong khi sân San Paolo trở thành một lò nướng BBQ với các trận của Napoli, khu San Gregorio Armeno thỉnh thoảng lại cho ra serie tượng thạch cao mới về một cầu thủ nào đó mà công chúng đang ngưỡng mộ và dăm tay nhạc sĩ quèn bỗng trở nên nổi tiếng với những bài hát của về Lavezzi hay Cavani được đưa lên YouTube, còn lũ phe vé ở khu Fuorigrotta kiếm bộn tiền, thì các quán ăn là nơi duy nhất không hạnh phúc. Có một nỗi bất công lớn lao vì bóng đá mà họ phải chịu đựng: những đêm Napoli thi đấu, dù là ở San Paolo hay xa nhà, các tifosi dán mắt vào tivi ở nhà hoặcquán bar, không thèm đi ăn nữa. Các restaurant mặc nhiên trở thành nơi hẹn hò. Mà hình như bây giờ người ta yêu nhau cũng ít đi... Không ngạc nhiên khi các quán ăn mất 80% doanh thu những ngày Napoli thi đấu.
Đã quá lâu rồi kể từ những tháng ngày người ta được chứng kiến điều tương tự. Nỗi đam mê lớn lao của hàng triệu người miền nam nước Ý này kể từ khi đội bóng vỡ nợ, tụt xuống hạng C1 và giờ trở lại đang lớn lên từng ngày, vừa là động lực lớn lao thúc đẩy Napoli chiến đấu vì người Napoli, vì thành phố và vì màu cờ sắc áo, vừa trở thành một nỗi ám ảnh, một sức ép lớn lao khiến họ đôi khi gục ngã. Gục ngã trên đất khách đúng lúc người ta chờ đợi nhiều nhất (trận gặp Catania mới rồi). Gục ngã ngay ở San Paolo trong những trận tưởng như dễ nhất (gặp Parma). Gục ngã theo cách đáng ngờ nhất có thể, vì camorra (mafia Napoli) kiểm soát toàn bộ hệ thống cá độ của một thành phố lúc nào cũng sốt “đỏ đen” (đến mức các cuốn “thơ đề”, giải mã các “giấc mộng” để cá độ luôn bán chạy nhất). “Napoli bóng đá” cũng giống như chính “Napoli thành phố”, lúc nào cũng chất chứa những gì mâu thuẫn nhất, sau hy vọng là ập đến thất vọng, sau tình yêu là nỗi thù hận, và sau thắng lợi là thất bại. Đỉnh cao và vực sâu đứng cạnh nhau. Sau trận thắng Milan 3-1 hồi đầu tháng 10, người ta cứ ngỡ là họ sẽ đoạt Scudetto. Sau khi thua Parma mới rồi, người ta chỉ trích đội hệt như Napoli đã xuống hạng. Có lẽ việc Napoli cứ mon men đến đỉnh cao rồi rớt xuống (đúng kiểu tâm trạng của những chàng trai Italia đỏng đảnh) lại khiến cho người Napoli yêu họ hơn, và kích thích họ vươn lên và hy vọng nhiều hơn.
Napoli cứ ở lưng chừng của thắng lợi và thất bại, và có lẽ vì thế, họ cũng có thể chia sẻ được phần nào với những juventino. Mà các con số thống kê cho thấy, phần nhiều trong số hàng triệu người yêu Juventus đến từ miền nam nước Ý. Nỗi đau đớn vì Calciopoli của các juventino có thể được cảm thông phần nào từ phía những người Napoli cũng đã chứng kiến đội bóng tụt hạng, đã thấy họ dính vào những scandal. Niềm tự hào vươn lên đỉnh cao của Napoli trong quá trình 5 năm ròng từ thất bại cũng sẽ được cảm nhận như những người Juve đã trải qua với đội trong khoảng thời gian ấy, sau Calciopoli. Họ cùng lên hạng A năm 2007 và song hành trên con đường lấy lại tên tuổi. Juve bây giờ đang ngự trị ở ngôi đầu. Napoli vẫn ở phía dưới. Trận đấu sẽ diễn ra nóng bỏng, và có thể căng thẳng đến mức đau tim mà chết. Nhưng ở Napoli, tỉ lệ chết vì đau tim không cao. Người ta không chết vì bóng đá theo cách ấy, không chết kể cả khi cảm thấy bị đội bóng phản bội, bán mình cho lũ camorra cá độ; không chết vì thiếu pizza hay spaghetti ngon (bằng chứng là các ông chủ restaurant đang chết đói), mà chết vì không được thấy Napoli ra sân chiến đấu.
Họ không buồn nhiều lắm. Kể cả khi Napoli thỉnh thoảng lại thua trận khi các tifosi đã lên đến điểm tận cùng của hạnh phúc, dù đội bóng vẫn ở lưng chừng giữa thắng và bại. Kể cả khi như hôm qua, người ta thậm chí đã đâm nhau ở khu Fuorigrotta chỉ vì một vé hạng bét xem trận Juve…
Nguồn: bongda.com.vn