>>
>>
>>
Abbiati kỳ diệu ở Petrovskiy
Kể từ khi thắng Real 3-2 ở Bernabeu ngày 21/10/09, Milan chưa bao giờ ghi được 3 bàn trên sân khách ở Champions League, cho đến trước cuộc đối đầu với Zenit. Còn kể từ tháng 11/2010, sau chiến thắng trên sân Auxerre, bây giờ thì Milan mới có một thắng lợi nữa ở đất khách tại Champions League. Thế có nghĩa, chiến thắng trước Zenit mang quá nhiều ý nghĩa với Milan. Nhưng đó là 3 điểm trong nỗi sợ hãi tột cùng.
Đừng gọi Milan là “người khổng lồ”, hay bất kỳ cái tên mỹ miều nào khác như “đội bóng mang trong mình dòng máu Champions League”. Bởi tại Petrovskiy, Rossoneri đã phải chiến đấu chẳng khác gì những công nhân bậc trung đích thực. Nếu có một đội bóng dẫn trước 2 bàn chỉ sau 16 phút đầu, nhưng cuối cùng lại chơi chỉ để… không thua, thì đó là Milan ở Petrovskiy. Và cũng xin khẳng định luôn, 3 điểm trước Zenit là chiến thắng quá may mắn cho thầy trò HLV Allegri, trong một trận đấu mà nếu thua thì cũng chẳng ai thấy tiếc cho họ.
Vì sao nên nỗi? Một lần nữa hàng thủ lại là điểm chết. Khả năng phòng ngự trong các tình huống cố định đáng báo động. Tổng cộng từ đầu mùa họ nhận 8 bàn thua thì có tới… 6 là sau các pha bóng chết. May thay, một mình thủ môn Abbiati gánh hết nhiệm vụ của cả hàng thủ. Trên sân của Zenit đêm 3/10, chiếc băng đội trưởng giúp đôi tay của Abbiati bỗng kỳ diệu lạ thường. 21 cú sút của Zenit, 7 trúng đích, 13 quả phạt góc, nếu không có Abbiati thì Milan lẽ ra đã phải nhận không dưới 4 bàn thua. Người gác đền đã 35 tuổi này có ít nhất 6 pha cứu thua đẳng cấp thế giới, trong đó có những tình huống không thể tin nổi như cú sút sấm sét của Anyukov.
Abbiati bảo rằng anh không bao giờ đọc xem người ta viết gì về mình. Nhưng thử thay đổi đi Abbiati, bởi những lời ngợi ca trên khắp các mặt báo sẽ là động lực để anh có thêm nhiều màn trình diễn kỳ diệu.
Điểm sáng 4-2-3-1
Dẫu sao, vẫn có một chút hy vọng cho Milan khi HLV Allegri đã chịu thay đổi. Từ bỏ 4-3-1-2 để chuyển sang sơ đồ 4-2-3-1 ở Petrovskiy là sự điều chỉnh đáng ghi nhận. Hàng tiền vệ toàn cơ bắp cũng không còn nữa, thay vào đó là những cầu thủ thiên về tấn công hơn. Trước Zenit, chỉ có một mình De Jong là tiền vệ phòng ngự đúng nghĩa và điều này đã giúp Milan chơi khoảng 30 phút đầu khá tốt. Đặc biệt, kể từ sau khi Pirlo ra đi, bây giờ người ta mới thấy Milan có một tiền vệ đủ khả năng tung ra các đường chuyền dài có độ chính xác cao như Montolivo.
Milan đã thắng, nhưng đó là chiến thắng trong sự sợ hãi tột cùng. Thế nên đừng vui vội. Bởi ngay sau khúc khải hoàn ở Petrovskiy, “cái chết” có thể đang chờ Milan phía trước, ngay tại San Siro cuối tuần này chẳng hạn…!