Họ cùng xài chung một HLV, Ranieri, người đến Roma trước để rồi bị đẩy đi và giờ đang vá víu những lỗ thủng chằng chịt ở đáy con tàu Inter, cùng bắt đầu mùa bóng này với những HLV mới (Gasperini và Luis Enrique), những người hăm hở bắt tay vào những cuộc cách mạng chiến thuật đầy thất bại, bởi quá thiếu tính thực tiễn và không phù hợp với họ. Gasperini chết chìm với sơ đồ 3-4-3 thiên tấn công. Luis Enrique chưa bị sa thải, nhưng điều đó có lẽ sẽ đến nay mai, khi người ta không thể chờ đợi thêm nữa việc một đội bóng mà anh xáo trộn toàn bộ và liên tục qua từng trận về nhân sự và lối chơi (anh bảo, đấy là chơi theo kiểu Barcelona!) vẫn như một công trường dù giải đã qua 1/3 chặng đường. Và nữa, cả hai đội đều bị Udinese của Di Natale đối xử tàn tệ cách nhau đúng một tuần để rồi họ cùng hiểu rằng những chiến thắng đã có trước đó chỉ tạo nên những ảo tưởng.
Enrique còn tại vị được đến bao giờ - Ảnh Getty
Nhưng dù sao đi nữa, những cuộc khủng hoảng ấy cũng có những nguyên nhân khác nhau, nhưng kết cục có lẽ không khác nhau. Sau cú ăn ba vĩ đại, Inter vật vã tìm cách duy trì đẳng cấp và địa vị như đã có của họ bằng cách tiếp tục đặt niềm tin vào thế hệ cựu binh (khiến cho Inter mùa này có tuổi trung bình cao nhất trong lịch sử Champions League, 32 tuổi), nhưng lại bán đi nhân tố xuất sắc nhất trong những người ấy (Eto’o, thậm chí đánh giá thấp sự mất mát ấy), bán Balotelli đi trong khi cần phải giữ cậu lại, vất vả tìm cách hòa nhập cho những nhân tố trẻ (Alvarez, Coutinho, Faraoni), lại giống với Milan thời hậu Calciopoli lúc nào cũng chờ đợi đến sau kì nghỉ đông để hy vọng sẽ có nhân tố nào đó (dạng Inzaghi) tỏa sáng. Roma đổi chủ, đổi HLV, đổi cách tiếp cận với bóng đá và mong sự kiên nhẫn từ các romanista về những thay đổi. Họ chờ đợi và tha thứ cho những thất bại đầu, nhưng họ giờ không còn chấp nhận nổi một HLV trận nào cũng thay đổi đội hình và sau đó không chịu nhận trách nhiệm. Inter bắt đầu sống lại thời kì thay đổi HLV xoành xoạch, khi mọi cách “chữa trị” của những ai được Moratti đưa tới trở nên không hiệu quả. Roma từ lâu đã quen sống trong cảnh hết vui (rất ngắn) lại đến buồn (rất dài). Dưới thời Enrique, mọi điều đã diễn ra: từ việc cầu thủ đánh nhau (Osvaldo thụi Lamela), 3 cầu thủ bị đuổi trong một trận (Fiorentina), cầu thủ bị đuổi ném áo xuống sân (Bojan), thần tượng số 1 của họ là Totti bị tìm cách gạt bỏ khỏi đội hình, và 20 năm nay, họ mới chứng kiến việc Roma thua đến 6/13 trận đầu mùa.
Ranieri và Luis Enrique có thể trụ lại bao lâu nữa, và những người thay họ liệu có làm tốt hơn được họ, trên những nền tảng xáo trộn như hiện tại?
Thethaovanhoa.vn