Giá trị cũ
Sau thất bại đau đớn ở World Cup 2010, HLV Lippi ra đi và "thế hệ vàng" của những Buffon, Cannavaro, Zambrotta, Gattuso, Gilardino, Toni đã bị coi là hết thời. Thậm chí, có người như Fabio Cannanvaro còn từ giã ĐTQG. Một Italia đổ nát theo đúng nghĩa. Người ta quan tâm tân HLV Prandelli có đủ tầm để tái thiết lại ĐT Italia vốn đang trì trệ? Prandelli có thể tìm ra được những nhân tài xuất sắc cho Azzurri khi các đội bóng lớn của Serie A vẫn đang ưa dùng ngoại binh hơn "hàng nội địa"?
Cần nhất là Prandelli phải thay đổi được lối chơi cũ kỹ, bào mòn sáng tạo… những tàn dư của đế chế Lippi. Vấn đề là Prandelli cần có thời gian, không thể loại ngay những cựu binh còn "hạn sử dụng". Từng bước, ông truyền đạt triết lý bóng đá của mình tới các học trò, thuyết phục họ tin tưởng vào những gì đang có và tin vào cách ông đang hướng họ tới chiến thắng.
Dưới thời của HLV này, chẳng ai là không thể thay thế, kể cả đó là một Buffon xuất sắc, Pirlo tài hoa hay De Rossi & Cassano cá tính. Chính những cạnh tranh sòng phẳng giữa các ngôi sao của thế hệ cũ và nhóm cầu thủ trẻ đã hình thành nên một Azzurri giàu sức chiến đấu.
Rõ ràng những người cũ vẫn còn giá trị, chỉ là sử dụng ra sao để có được kết quả tốt nhất.
Mới từ Prandelli
Tính đến thời điểm này, không một đội bóng nào có thành tích phòng ngự tốt như Italia ở Vòng loại EURO 2012. Đội bóng từng 4 lần VĐTG mới chỉ thủng lưới 1 bàn sau 8 trận. Điều đó xảy ra ở trận đầu tiên Prandelli dẫn dắt Italia và là trận mở màn của Italia tại Vòng loại EURO 2012 (4/9/2010). Như vậy, đã tròn 1 năm, Azzurri giữ sạch lưới (thực tế là hơn 605 phút). Một kỷ lục đáng nể nếu biết ông Prandelli đã luân phiên sử dụng 3 thủ môn khác nhau Viviano, Sirigu, Buffon và không hề bố trí hàng thủ giống nhau 2 trận liên tiếp.
Bên cạnh sự chắc chắn của hàng thủ, các tiền đạo của Azzurri cũng chơi rất đa dạng, với những cầu thủ có khả năng tạo đột biến cao như Cassano, Giuseppe Rossi, Balotelli, Quagliarella, Pazzini và Matri.
Chỉ có chút băn khoăn về tính hiệu quả của các chân sút này khi họ chỉ ghi được có 8 bàn trong tổng số 16 bàn/8 trận của Azzurri .
Bảng xếp hạng:
Đội | ST | Thắng | Hòa | Bại | Tg | Th | HS | Điểm | |
Italia |
8 | 7 | 1 | 0 | 16 | 1 | 16-1 | 22 | |
Serbia | 8 | 4 | 2 | 2 | 12 | 10 | 12-10 | 14 | |
Estonia | 9 | 4 | 1 | 4 | 13 | 13 | 13-13 | 13 | |
Slovenia | 9 | 3 | 2 | 4 | 10 | 7 | 10-7 | 11 | |
Bắc Ailen | 8 | 2 | 3 | 3 | 8 | 8 | 8-8 | 9 | |
Quần đảo Faroe | 10 | 1 | 1 | 8 | 6 | 26 | 6-26 | 4 |
Tròn 1 năm dẫn dắt ĐT Italia, thành công ấn tượng nhất của ông Prandelli là nâng tầm hiệu quả của chiến thuật 4-3-3. ĐT Italia trở nên năng động hơn và phát huy cực tốt khả năng của các cầu thủ trẻ như Bonucci, Nocerino, Criscito, Cigarini... Đặc biệt, một số cầu thủ “tật nhiều hơn tài” như Cassano, Balotelli cũng được sử dụng tốt.
Hai cầu thủ có tính tình ương ngạnh nhất ĐT Italia
Ấn tượng nhất là Cassano, một người không có nổi vị trí chính thức ở Milan và thậm chí khi TTCN mùa Hè còn mở cửa, anh suýt bị đẩy đi nếu Fiorentina đồng ý bán Montolivo. Nhưng HLV Prandelli vẫn không thay đổi niềm tin với “Cậu bé hư”. Đáp lại , Cassano đã chơi bằng tất cả tâm sức và tình yêu của mình. Nếu cho rằng Prandelli là kiến trúc sư cho thành công lúc này của Italia thì Cassano chính là người mang lại niềm cảm hứng để đồng đội cùng xây dựng các chiến thắng.
Balotelli cũng vẫn luôn nhận được ông Prandelli tin tưởng. Dù những đóng góp của anh vẫn chưa xứng với kỳ vọng nhưng cách cựu cầu thủ Inter thể hiện trong chiến thắng 1-0 trước Slovenia vào rạng sáng nay đủ để người ta tin tưởng anh sẽ thay đổi.
Khi các cầu thủ tìm lại được khát khao cống hiến, toàn đội cùng nỗ lực vì thành công chung, hãy cùng chờ đợi màu Thiên thanh thắm lại.