Cụ thể, Ibra đã ghi 6 bàn từ các tình huống như thế, trong đó có 5 từ penalty và 1 từ phạt góc. Anh cũng tham gia trong việc dàn xếp hầu hết các pha bóng chết khác. Kết quả: Milan đã ghi được 13/35 bàn mùa này từ bóng chết, trong đó có 5 từ phạt đền (của Ibra tất), 4 từ các tình huống phát sinh sau phạt góc, 3 từ các quả phạt góc và 1 từ đá phạt trực tiếp. Con số này vượt xa của Catania (10 bàn), Palermo (9) và cả Juve (5).
Sự điều chỉnh đáng kể của Allegri trong lối chơi của Milan đã dẫn đến sự bùng nổ từ các tình huống bóng chết. Số pha phạt đền được hưởng tăng gấp đôi cùng kì mùa trước là do các tiền vệ như Boateng và Nocerino rất hăng hái chạy vào cấm địa đối phương và…ngã. Từ các quả phạt góc, các cầu thủ tìm cách để chuyền bóng cho nhau gần chấm đá phạt (thường là giữa Robinho và Seedorf), sau đó đưa bóng vào cấm địa cho Ibra hoặc một trong hai trung vệ Nesta hoặc Thiago Silva. Ở trận lượt đi với Barcelona tại Camp Nou, Silva đã ghi bàn gỡ hòa 2-2 từ một tình huống như thế ở phút 92. Ở những quả đá phạt trực tiếp, thường là Ibra sút thẳng. Anh đã từng hạ Frey của Fiorentina vào tháng 3/2009 bằng một cú sút phạt đi với tốc độ 109 km/h. Cũng nhờ có anh, mà Milan ghi nhiều hơn cùng kì mùa trước 6 bàn và từ vị trí thứ 12 mùa trước về số bàn thắng từ bóng chết lên số 1 bây giờ, trớ trêu thay lại là mùa bóng đầu tiên vắng Pirlo.
Các milanista có một ước vọng: thấy Ibra khỏe khoắn đến hết giải và không điên rồ đến mức cứ sang giai đoạn lượt về là hay dính thẻ đỏ. Và nữa, Milan được thêm nhiều quả penalty…
Câu chuyện của họ: Từ người hùng trở thành đồ bỏ Sau những tiếng reo vui là những tiếng nghiến răng ken két, và sau đó, thở dài. Mới chỉ một năm về trước, họ từng là những tay súng thiện xạ và được tung hô như những anh hùng. Bây giờ thì sao? Milito, người đã ghi 30 bàn thắng trong mùa bóng 2009/10 lịch sử, đã không còn là chính anh nữa kể từ đó, và mùa này anh nhận giải “Thùng rác vàng” cho cầu thủ sa sút nhất. Người đồng đội của anh là Pazzini cũng rơi vào tình trạng sa sút nghiêm trọng. Ở Milan, Pato 6 bàn cùng kì này mùa trước, giờ chỉ 1 bàn duy nhất, vật lộn sau những chấn thương và giờ có lẽ đang tìm đường rời khỏi Milan sau khi công khai chỉ trích HLV Allegri. Borriello hầu như sẽ mất một vị trí trong đội tuyển Ý đi dự EURO 2012 sắp tới vì 2 mùa bóng liền khốn khổ ở Roma với Montella và Luis Enrique, những tay HLV chẳng coi anh ra gì. Gilardino không hạnh phúc ở Fiorentina và phải tìm đường sang Genoa để hy vọng có suất dự EURO tới. Ở Juve, Amauri và Toni gần như bị vứt vào sọt rác, trong khi Quagliarella vật lộn trở lại sau chấn thương và phải hết sức nỗ lực cho suất dự EURO sang năm. Còn Inzaghi (một năm không bàn thắng), Di Vaio (9 bàn cùng kì này mùa trước) và Iaquinta (chấn thương)? Thôi, đừng nhắc nữa. Có lẽ họ đang khóc ròng. |
Thethaovanhoa.vn