Sự đối lập & những định hướng sai lệch
Suốt chặng đường thành công mà Barcelona đang đi từ đầu mùa giải 2014/15 đến giờ, bên cạnh Messi, Neymar, người ta cũng ghi nhận vai trò không nhỏ của Munir El Haddahi và Sandro Ramirez – hai cầu thủ trưởng thành từ lò La Masia được HLV Luis Enrique cho ra mắt đội hình một. Việc dành những lời ca ngợi cho lò La Masia qua bao mùa giải đã trở nên quá nhàm chán - với vị thế độc tôn trong công tác đào tạo bóng đá trẻ của thế giới.
Câu chuyện của Real Madrid cũng có vẻ không khác là bao so với nhiều mùa giải qua. Chủ tịch giàu tham vọng Florentino Perez vẫn tiếp tục chính sách "Galacticos" - rải núi tiền mua về nhiều ngôi sao đắt giá, đồng thời gạt đi hy vọng của các tài năng trẻ trưởng thành từ chính lò đào tạo La Farbica của CLB mầm non bằng cách bán đi “giọt máu” Alvaro Morata. Real Madrid ấy, sau những chuệch choạc ban đầu đã dần đi vào quỹ đạo ổn định.
Lò đào tạo La Masia tiếp tục thành công khi cho ra mắt Munir và Sandro ở mùa giải này
Kể lại những câu chuyện đã cũ kỹ kiểu như “Barcelona – La Masia” hay “Real – Galacticos – La Fabrica” để thấy rằng: Real và Barcelona đối lập nhau từ trong trứng nước, trong những khía cạnh mang tầm vi mô như đào tạo trẻ đến vĩ mô như chính sách kinh doanh, mua bán cầu thủ.
Và sự đối lập truyền kiếp vô tình đã hình thành nên những suy nghĩ sai lệch về cả hai CLB, nhìn Barcelona chỉ nhớ đến La Masia truyền thống, hay Real là chính sách "Galacticos" lắm tiền, là La Fabrica thất bại.
La Fabrica (lò đào tạo trẻ của Real) không phải buồn!
Barcelona thành công nhờ La Masia, Real không cần La Fabrica cũng thành công, nhưng điều đó không có nghĩa là La Masia tốt hơn La Fabrica.
Mới đây, tờ Marca có đưa ra những con số thống kê cụ thể nhằm so sánh sự phát triển giữa La Masia và La Fabrica. Theo đó, trong vòng 6 mùa giải gần nhất, Barcelona đã giới thiệu tổng cộng 27 gương mặt trẻ từ lò La Masia, tuy nhiên chỉ có 6 người trụ lại đội 1 (Martin Montoya, Sergi Roberto, Marc Bartra và Sergio Busquet, Munir, Sandro Ramirez). Trong khi đó ở Real, con số này lần lượt là 20 và 2 (Nacho Fernandez và Jesé Rodriguez).
Điều đó chứng tỏ, Barcelona không quá vượt trội hơn Real ở khoản trọng dụng tài năng trẻ. Thậm chí so về khả năng chi tiền trong khoảng thời gian tương tự, Gã khổng lồ xứ Catalunya cũng thuộc dạng “trọc phú” với hơn 500 triệu euro bỏ ra.
Lò La Fabrica của Real đã từng đào tạo nên những gương mặt rất chất lượng
Bên cạnh đó, những gương mặt trưởng thành từ La Fabrica, sau khi ngậm ngùi rời khỏi Real đều ít nhiều giành được những vinh quang. Có thể kể ra Juan Mata (vô địch World Cup, Euro, Champions League), Samuel Eto’o (3 lần vô địch Champions League), Alvaro Negredo (vô địch Premier League), hay Estaban Cambiasso, Jose Callejon,… Chắc chắn, họ sẽ được nhớ đến hơn nhiều nếu đặt lên bàn cân cùng Mikel Arteta, Ivan De La Pena, Bojan Krkic, Cristian Tello.
Một bằng chứng nữa cho thấy quan điểm sai lệch về La Masia và La Fabrica: Trog đội hình U21 TBN vô địch châu Âu năm ngoái, Alvaro Morata cùng Jese Rodriguez được đánh giá là hai cầu thủ xuất sắc nhất giải, cả hai đều trưởng thành từ La Fabrica!
Như đã nói trên, Barcelona cũng như Real Madrid đều phát triển, thành công dựa trên những quan điểm khác nhau, không nên áp đặt cái này với cái kia. Chỉ cần biết, họ vẫn là hai CLB vĩ đại, vẫn đều đặn cống hiến cho người hâm mộ túc cầu những trận Siêu kinh điển hấp dẫn hàng năm!
Với Real Madrid, có lẽ họ không phải lấy gì làm tủi thân vì lò đào tạo trẻ La Fabrica của họ!