PV Báo Bóng đá ở TBN: Gặp Lille giữa lòng Mestalla
Tôi bước về quán La Deportiva và ngắm nhìn những CĐV còn sót lại đang theo dõi qua màn hình TV bản tin tóm tắt trận đấu. Dường như họ không thỏa mãn với những gì đã được thấy trên sân thì phải. Họ phải nhìn lại từng pha bóng: hai bàn thắng của Jonas; cái thẻ đỏ của Debuchy và những pha hỏng ăn của Feghouli, Soldado… Người TBN cuồng nhiệt với bóng đá hơn hẳn người Pháp.
Tôi chợt nhớ đến những gì đã diễn ra trong sân Mestalla. CĐV TBN thật giống CĐV Việt nam ở chỗ lúc nào cũng “xui” cầu thủ đá thế này, chuyền thế kia, sút thế nọ. Họ không như CĐV Pháp, những người không bao giờ hò hét, không bao giờ rộ lên một tràng cười khi nghe một câu bông đùa từ đâu đó trên khán đài. Cảm giác của tôi lúc ấy, rất rõ, thấy như với người TBN, đội bóng như những người láng giềng thân quen của họ vậy. Sự gần gũi giữa những người CĐV với những cầu thủ, nhất là những cầu thủ trưởng thành từ chính lò đào tạo CLB không khác gì niềm tự hào của một ông lão sống gần nhà một cậu bé mà bỗng một ngày nào đó, nó trở thành ngôi sao sân cỏ, và chơi bóng như biểu diễn ngay trước mặt ông, tại Mestalla.
Thật bất ngờ khi ở ngay quán kế bên La Deportiva, quán của ông Manolo, lại là nơi những CĐV của Lille tụ tập. Số lượng không đông nhưng họ cũng đủ làm nhộn nhạo cả quán khi uống beer rất nhiều và cười nói rất rôm rả dù Lille mới thất trận đó. Họ coi thất bại là một điều dĩ nhiên, như cách anh bạn tên Benoit vừa chìa tờ AS vừa nói với tôi: “Cậu nhìn đây này, đội hình Lille, 4 mùa bóng là 4 mùa mất đi những ngôi sao lớn nhất. Rami, Cabaye, Hazard… Và năm tới sẽ là Debuchy, là Digne”. Nhưng họ không bất mãn với cách làm ấy của CLB. Họ chia sẻ: “có nhiều cách làm bóng đá. Lille không mua thành tích bằng cách bán mình cho một ông chủ nào đó. Chúng tôi chấp nhận bán ngôi sao để xây dựng dần dần. Chúng tôi sử dụng tiền đó để đầu tư cho học viện trẻ, cho sân bóng mới”. Nhắc đến cái sân mới, những CĐV Lille tự hào “Cậu phải tới Lille, gọi cả bạn bè của cậu tới cùng, tôi sẽ đưa các cậu ra cái sân mới, đẹp tuyệt vời”.
Cuộc trò chuyện của tôi với các CĐV Lille kéo dài theo những ly bia và càng lúc càng rôm rả hơn, mặc dù tôi là người duy nhất mặc áo Valencia trong quán của ông Manolo. Và trong một phút hứng khởi, Benoit rỉ tai tôi “Lát nữa, hết ly này, đi với tôi. Tôi, cậu, Christopher và Mathieu thôi. Chúng ta sẽ đến khách sạn mà các cầu thủ Lille đang ở, ta sẽ uống với họ. Bạn tôi làm trong đội bóng, anh ta mới nhắn tin đây này”. Chỉ nghe có vậy, chúng tôi hối hả kết thúc ly beer và bắt taxi lên đường.
Khi đang ngồi trò chuyện với các CĐV Lille ở quán của Manolo, một chàng
trai cao lớn ào vào mà tôi cứ ngờ ngợ. Mọi người gọi anh là Rami và bản
thân anh ta cũng tự nhận mình là Rami. Nhìn vóc dáng ngoài, rõ ràng anh
ta giống Rami của Valencia thật. Nhưng khi tôi thấy anh tu beer ừng ực
và rít thuốc lá lõm má, tôi không hiểu có phải là Rami xịn hay không? Mãi lúc sau, Benoit mới nói với tôi “Tay đó là Samir Rami, anh(em) trai của Adil Rami. Thế mà lúc nào hắn cũng hành xử như mình là ngôi sao sân cỏ, cứ như mình là số 1 vậy. Mà hắn cũng là người đại diện của Adil đấy”. Hoá ra hình ảnh của một “cò” bóng đá Tây là vậy… Còn sao hơn cả ngôi sao thực sự mà họ đang giúp việc cùng… |
Leandreau rồi Debuchy ra tiếp chuyện với Benoit. Lúc đó, tôi mới biết Benoit ngày xưa cũng tập đội trẻ của Lille nhưng anh không phát triển được thành chuyên nghiệp. Nhưng giữa anh với họ thì vẫn giữ mối quan hệ thân tình. Song, tôi nhìn vào cách của Lille, và nhớ lại cách của những cầu thủ Valencia, tôi thấy Valencia gần gũi hơn, bình dị hơn. Các cầu thủ Lille, xa cách quá so với khán giả và bị gò vào cái khuôn phép ứng xử với truyền thông đầy chuyên nghiệp của CLB một cách quá chặt chẽ.
Trên đường về, tôi chỉ nhớ đến hình ảnh cuối trên sân Mestalla, khi Feghouli và Soldado chạy lại góc khán đài ném tặng áo đấu của mình cho CĐV đội nhà. Tôi có cảm giác, dường như với các CĐV, cầu thủ Valencia như những đứa con cưng thật sự…