Nếu Catalunya độc lập...
Khi TBN bước vào loạt trận vòng loại EURO 2016, những vấn đề nhức nhối của bóng đá nước này trở lại. Thứ nhất là cuộc dàn xếp tỷ số cách đây 3 năm mà thủ quân Gabi của Atletico, khi ấy đá cho Zaragoza, dính líu trực tiếp. Thật kỳ lạ là Gabi đã được gọi đến thẩm vấn, được trả về nhưng sự việc này lại gần như chìm xuống trong suốt một tuần lễ qua.
Chuyện các CLB “đi đêm”, đặc biệt là giai đoạn cuối mùa, là chuyện... cơm bữa tại TBN. Nhưng tất cả đều chỉ dừng lại ở mức độ nghi án. Chủ tịch LFP Tebas thất vọng: “Chúng ta không có đủ sự quyết liệt để chống lại vấn nạn này”. Italia đã có liền 2 scandal dàn xếp tỷ số làm rúng động cả Serie A, vậy mà La Liga cho đến nay chưa có vụ xử án nào thật sự nghiêm túc.
Vấn đề thứ 2, quan trọng hơn, dai dẳng hơn và ảnh hưởng trực tiếp đến đội tuyển quốc gia là chuyện đòi độc lập của xứ Catalunya. Cuộc trưng cầu đòi độc lập của Scotland đã kết thúc với phần thắng thuộc về phe “giữ nguyên như cũ”. Nhưng dù đã mất đi một cú hích lớn về tinh thần, xứ Catalunya vẫn đang hừng hực quyết tâm ly khai. Hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình để chống lại quyết định của Tòa án Hiến pháp TBN khi cấm Catalunya tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 9/11.
Không như Scotland, người ta dễ dàng đoán ra kết quả nếu như cuộc trưng cầu dân ý diễn ra. Phần lớn người Catalunya từ lâu vẫn ủng hộ sự độc lập, trong đó có những nhân vật có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng như cựu Chủ tịch Barcelona Joan Laporta hay Pep Guardiola, người đang được người Catalunya tôn thờ. Khi Casillas tuyên bố “không đời nào có chuyện xin lỗi những cầu thủ Barcelona”, người ta tin đấy chính là sự xác nhận lập trường chính trị vào thời điểm nhạy cảm này.
Không như Scotland, người ta dễ dàng đoán ra kết quả nếu như cuộc trưng cầu dân ý diễn ra. Phần lớn người Catalunya từ lâu vẫn ủng hộ sự độc lập, trong đó có những nhân vật có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng như cựu Chủ tịch Barcelona Joan Laporta hay Pep Guardiola, người đang được người Catalunya tôn thờ. Khi Casillas tuyên bố “không đời nào có chuyện xin lỗi những cầu thủ Barcelona”, người ta tin đấy chính là sự xác nhận lập trường chính trị vào thời điểm nhạy cảm này.
Về mặt kinh tế, Catalunya chưa chắc khởi sắc hơn nếu ly khai vì trên tư cách là quốc gia độc lập, họ cũng phải gia nhập EU, từ chỗ gánh nợ cho Navarre, Castille chuyển sang gánh nợ cho Hy Lạp và Slovakia. Còn về mặt bóng đá, họ chắc chắn sẽ suy yếu. Chủ tịch LFP Javier Tebas đã nói thẳng: “Nếu Catalunya độc lập thì Barcelona và Espanyol không được thi đấu ở La Liga nữa”. Khi ấy những cầu thủ Catalunya cũng đứng trước sự lựa chọn: khoác áo đội tuyển Catalunya hay “nước ngoài” TBN.
Cesc Fabregas đã lên tiếng ngay về việc này: “Tôi cảm nhận như một người Catalunya, nhưng hộ chiếu ghi rõ tôi là người TBN. Trong đội bóng luôn có những người Catalunya, người Basque nhưng khi tập luyện và thi đấu thì tất cả chúng tôi đều là người TBN”.
Nhưng có dễ dàng như vậy không? Khi các cầu thủ Barcelona vô địch Champions League, EURO và World Cup, người ta thấy họ khoác lá cờ Catalunya quanh người chứ không phải là cờ TBN. Trên khán đài Camp Nou luôn có câu khẩu hiệu: “Catalunya không phải là TBN”. Tất cả những điều đó sẽ càng trở nên bất tiện nếu Catalunya độc lập.
Quốc ca TBN không có lời, vì đất nước này tồn tại quá nhiều ngôn ngữ. Luis Aragones đã giúp họ cùng nói thứ ngôn ngữ bóng đá và mở ra một giai đoạn thịnh vượng. Nhưng việc Pique công khai xuất hiện trong ngày “quốc khánh Catalunya” mới đây là mầm mống cho một sự chia rẽ.
Bạn có thể tách bóng đá khỏi chính trị ở TBN không? Một lần nữa câu trả lời là không, không bao giờ!