Messi: Sát thủ ghi bàn "duy ngã độc tôn"
VỪA GHI BÀN GIỎI LẠI KIẾN TẠO HAY
Từ đầu mùa 2008/09 đến hết mùa 2011/12, Messi ghi được 239 bàn thắng cho cả Barca lẫn ĐT Argentina, cộng với 92 đường chuyền thành bàn. Riêng mùa vừa qua, Messi có 77 bàn thắng và 27 pha kiến tạo, tức bình quân cứ khoảng 3 ngày thì anh lại trực tiếp tham gia vào một bàn thắng ở đẳng cấp cao, trong suốt cả năm.
Càng đáng nể hơn khi cứ ghi 3 bàn thì Messi lại có 1 pha kiến tạo. Nên nhớ: trong bóng đá đỉnh cao, kiến tạo bàn thắng đôi khi còn khó hơn ghi bàn (lập luận đơn giản: đâu phải đường kiến tạo xuất sắc nào cũng được đồng đội tận dụng thành công. Trên thực tế, số đường chuyền có thể thành bàn của Messi có thể còn nhiều hơn số bàn thắng mà anh ghi được).
Tiếc là không có tư liệu nghiêm túc nào ghi lại số lần kiến tạo của Gerd Mueller hoặc Pele, nên khó so sánh 2 tiền bối này với Messi. Nhưng chúng ta có thể hình dung về lối chơi đặc trưng của Mueller: ông chỉ chuyền bóng “một cách vô hại” và rất hiếm khi kiến tạo cơ hội ghi bàn cho cầu thủ khác (chính vì vậy, đối phương mới xem thường Mueller và bị trừng phạt).
Trường hợp của Pele cũng rất rõ ràng: toàn đội phục vụ cho “Vua bóng đá”, chứ không phải ngược lại (2 người đồng đội ở ĐT Brazil Gerson và Clodoaldo đều đã phân tích rất rõ điều này).
Vả lại, bóng đá ngày xưa có tốc độ không cao, cầu thủ chuyền bóng không nhiều, lối chơi không mang tính đồng đội cao như bây giờ, nên có thể suy luận chắc chắn: Mueller và Pele đều không thể có nhiều pha kiến tạo thành bàn như Messi. Cần nhấn mạnh: chỉ cần xét trên số lần kiến tạo thành công, Messi cũng đã xứng đáng được xem là cầu thủ hàng đầu thế giới rồi!
Kể từ World Cup 2010, FIFA quyết định trao giải “Vua phá lưới World Cup” cho cầu thủ có số đường chuyền thành bàn nhiều nhất, trong trường hợp họ bằng nhau về số bàn thắng ghi được. Đây là quyết định rất đáng lưu ý về mặt chuyên môn. Chỗ này làm cho giá trị tấn công của Messi càng thêm thuyết phục.
MESSI GIÚP TOÀN ĐỘI TRỞ NÊN HAY HƠN
Xưa nay, ít ai nói về kỹ thuật cá nhân của Mueller. Riêng Pele và Messi thì quá nổi tiếng trong khía cạnh này. Dù sao đi nữa, cả Messi, Mueller và Pele đều có tính đồng đội rất cao trong lối chơi.
Khác biệt chỉ là ở chỗ: toàn đội phục vụ cho Pele ghi bàn trong khi Messi thì chỉ là một mắt xích tương tác, có lúc được đồng đội phục vụ và cũng có lúc anh phục vụ đồng đội. Mueller thì lại thuộc mẫu “ăn sẵn” và cực giỏi trong việc chuyển hóa những cơ hội tưởng là không rõ rệt.
Cuối cùng, Messi làm cho toàn đội trở nên hay hơn, và đấy có lẽ là khác biệt đáng lưu ý nhất. Trong khi Pele chưa bao giờ là “Vua phá lưới World Cup”, cũng khó mà nói rằng ông hay hơn Didi tại World Cup 1958, Garrincha tại World Cup 1962, hoặc Tostao, Jairzinho, Gerson tại World Cup 1970.
Trong thời đỉnh cao của Mueller thì Franz Beckenbauer mới là cầu thủ hay nhất ở cả Bayern Munich lẫn đội tuyển Đức. Trong khi đó, Messi luôn là ngôi sao số 1 ở Barcelona hoặc đội tuyển Argentina (hiện nay). Anh làm cho đội bóng của mình vốn đã mạnh lại càng trở nên cực mạnh.