CLB Malaga đã bị UEFA “chém đầu thị uy”: Nạn nhân thí điểm cho luật công bằng tài chính
Đấy chỉ là một trường hợp điển hình. Người ta đặc biệt lưu ý Malaga bởi đội này đang chơi rất thành công ở Champions League, ngay trong lần đầu tiên xuất hiện tại giải. Còn có rất nhiều CLB khác vừa bị UEFA trừng phạt, với những hình thức khác nhau: Hajduk Split, Rapid Bucarest, Dinamo Bucarest, Partizan Belgrade...
Xin được lưu ý, những án phạt này liên quan gì đến fair-play tài chính, một quy định có nội dung và ý nghĩa tương tự, nhưng chưa được chính thức áp dụng. Tất cả chỉ là tiền đề cho thấy: sau khi kết thúc giai đoạn bản lề, gần như chắc chắn quy định fair-play tài chính sẽ được UEFA áp dụng, chứ không phải chuyện dọa suông.
Fair-play tài chính không hẳn là quy định hay, nhưng nó quan trọng và cần thiết trong bối cảnh bóng đá châu Âu đã tiến gần đến tình trạng sụp đổ dây chuyền, vì ảnh hưởng của việc chi tiêu quá lố trong suốt nhiều năm của một số ít các CLB nhà giàu. Dù chỉ đang ở giai đoạn bản lề, fair-play tài chính vẫn là một từ khóa quan trọng của bóng đá thế giới năm 2012.
Ít ra, người ta cũng đã chùn tay trong việc chi tiêu vô tội vạ. 2012 là năm đầu tiên mà CLB Chelsea tuyên bố có lãi kể từ khi Abramovich tiếp quản năm 2003. Chi đến tỷ bảng trong gần chục năm chỉ để lượm chút bạc cắc? Người ta có quyền mỉa mai như vậy.
Kỳ thực, với một đội bóng đồ sộ như Chelsea mà cắt được lỗ thì đấy đã là một thành công tài chính lớn. Không lỗ có nghĩa là đã lời quá to rồi. Bây giờ, vấn đề tiếp theo trở nên nhẹ bỗng: BLĐ Chelsea làm gì để tiếp tục phát huy “thành tích có lãi”?
Tất nhiên, lời lỗ thế nào là chuyện riêng của Chelsea. Điều đáng nói ở đây là không thể có chuyện cứ chi tiền mua sắm lực lượng hoặc trả lương hậu hĩnh cho các ngôi sao để “đi tắt” đến thành công. Bóng đá đỉnh cao mà chỉ thế thì chẳng còn gì thú vị. Malaga là một bài học đắt giá, có thể làm gương cho khối đội khác trong bản đồ bóng đá đỉnh cao ở châu Âu.