Ba năm liền Messi đoạt danh hiệu “Quả bóng vàng” của FIFA, phần thưởng cá nhân cao quý nhất dành cho một cầu thủ. Chiêm ngưỡng Messi chơi bóng là niềm vui đối với những người hâm mộ bóng đá đẹp. Bởi lẽ, cầu thủ này có thể dễ dàng lừa bóng qua cả một hàng phòng ngự hoặc có những tình huống xử lý ly kỳ nhất trong một trận bóng đá. Điều đó khiến những nhà khoa học tò mò muốn tìm hiểu về khả năng đặc biệt của Messi. Phải chăng cầu thủ này có một con mắt thứ ba ở sau gáy, hay như chúng ta vẫn gọi nôm na là giác quan thứ sáu?
Các học giả ở Đức và Hà Lan đã quyết định tìm câu trả lời qua những thử nghiệm khoa học. Giáo sư Norbert Hagemann từ Đại học Kassel giải thích: “Chúng tôi quan tâm tới đặc tính hoạt động cơ bản của các vận động viên thể thao chuyện nghiệp. Các cầu thủ bóng đá thi đấu trên một sân đấu lớn. Họ trực tiếp tham gia các tình huống hoặc phải quan sát rất nhiều diễn biến xảy ra trên sân. Chúng tôi tin rằng các cầu thủ xuất sắc nhất là những người có khả năng quan sát nhiều sự kiện diễn ra cùng một thời điểm”.
Messi dường như có "con mắt" sau gáy
Từ lăng kính khoa học, các nhà nghiên cứu giả thiết rằng những cầu thủ xuất sắc nhất sở hữu nhãn quan, hay là góc nhìn, bao quát hơn người thường. Điều đó cho phép họ nắm bắt chi tiết hơn sự vận động xung quanh, từ vị trí của đối thủ cho đến các đồng đội trong một khoảng thời gian nhất định so với những người khác. Để kiểm tra giả thiết này, họ đã nghiên cứu hành vi của các cầu thủ nghiệp dư trong nhiều tình huống khác nhau xảy ra trên sân. Tuy nhiên, kết quả thu được lại mâu thuẫn với lý thuyết.
Giáo sư Hagemann thừa nhận: “Nói chung, chúng tôi không chứng minh được các cầu thủ xuất sắc có góc nhìn rộng hơn người thường. Tuy nhiên, chúng tôi phát hiện sự khác biệt về khoảng thời gian để họ cùng tiếp nhận thông tin từ một tình huống tương tự nhau”.
Nói cách khác, Messi chỉ cần lấy thông tin xung quanh bằng một cái nhìn lướt qua, trong khi những cầu thủ bình thường sẽ tốn nhiều thời gian hơn thế. Phát hiện này bổ trợ cho những nghiên cứu đối với các vận động viên môn cờ vua. Người ta chứng mình được rằng, các kỳ thủ hàng đầu thế giới có thể nhớ một lúc 5 hoặc 6 ván cờ khác nhau, tương đương vị trí chính xác của 160 đến 192 quân cờ.
Ngay cả khi bị vây hãm, Messi vẫn đưa ra được giải pháp tối ưu...
Trong lúc đó, nhà tâm lý học từng đoạt giải Nobel là Daniel Kahneman có những “thu hoạch” riêng về hiện tượng này. Dựa trên kinh nghiệm của các nhân viên cứu hỏa lão luyện, ông đề nghị họ tham gia một thí nghiệm kiểm tra cái mà ông gọi là “trực giác”, một phương pháp bản năng để giải quyết một vấn đề cụ thể. Mục đích của Kahneman là tìm hiểu xem liệu có phải chính khả năng bẩm sinh giúp cho Messi đưa ra những quyết định tối ưu nên chuyền bóng thế nào hay nên di chuyển làm sao là để vượt qua đối thủ?
Những cầu thủ không có năng khiếu thiên phú như Messi sẽ cần trải qua quá trình cọ sát thực tế mới mong rút ngắn thời gian tư duy để xử lý một tình huống. Nhưng giáo sư Hagemann không tin điều này sẽ trực tiếp cải thiện hiệu suất thi đấu của họ. Ông lập luận: “Những cầu thủ thiếu kỹ năng phải học cách đọc diễn biến trận đấu, các cách thức để xử lý tình huống cụ thể xảy ra trên sân. Song những kinh nghiệm được hình thành theo kiểu ‘lối mòn’ như vậy khó giúp họ đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất trong thực tế”.
... là vì anh biết trước điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Tóm lại, cho dù nhờ trực giác hay cách thức nào khác chăng nữa thì Messi thực sự có khả năng nắm bắt các diễn biến trong trận đấu một cách nhanh nhạy hơn, chính xác hơn người thường. Đó là “bí mật” giúp anh trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.
“Cầu thủ bình thường chỉ nhìn thấy những gì đang xảy ra, còn các cầu thủ xuất chúng sẽ biết trước chuyện gì diễn ra tiếp theo. Vì thế, họ có thể giải quyết những tình huống phức tạp một cách dễ dàng nhất” – Hagemann kết luận.
Không rõ liệu công sức nghiên cứu của các nhà khoa học có giúp ích được gì cho những đối thủ sắp phải đối mặt với Messi?
- ĐỌC THÊM:
bongdaplus.vn