Lăng kính: Vai trò cá nhân ở sân cỏ hiện đại
>>
>>
1. Chưa có mùa Hè nào lạ lùng như mùa Hè 2012 ở Real Madrid. Chỉ một cầu thủ được mua về là Modric, với giá 38 triệu euro và điều đó trái ngược với triết lý mỗi Hè một siêu sao của Perez. Modric, xét cho cùng, không có giá trị truyền thông như những ngôi sao từng tới Real trong kỷ nguyên Perez. Phải chăng, triết lý bóng đá của ông chủ Real đã bắt đầu có những thay đổi?
Barca cũng không mua ai ngoài Jordi Alba. Điều đó cũng khá lạ dù văn hóa của CLB xứ Catalan không phải là mua sắm ồn ào như Real. Khoảng lặng ấy ở La Liga có thể được lý giải bởi một thời đoạn khủng hoảng kinh tế trầm trọng của TBN, nhưng cũng có thể được nhìn nhận theo một cách khác. Đó là sự đủ, nếu không nói là dư thừa.
2. Thực chất, Real có cần Modric không? Câu trả lời là “có cũng tốt mà không cũng chẳng chết ai”. Đội hình mạnh của Real không thiếu cầu thủ giỏi ở vị trí đó. Nhưng Real vẫn phải mua Modric bởi lẽ khác. Cá nhân ấy, có khi, lại thay đổi cả cục diện mùa giải của Real.
Nếu không sang Real, một Modric đã kiên quyết rời Tottenham có thể sẽ sang Chelsea hoặc M.U, những CLB là đối thủ cạnh tranh của Real ở Champions League mùa này. Modric sang Real không làm Real mạnh thêm nhưng nếu anh sang Chelsea hay M.U, đối thủ của Real sẽ mạnh lên đáng kể.
Tương tự là Alba. Đó là một trong số ít những ngôi sao sáng nhất Valencia. Vắng Alba ở Mestalla, Barca sẽ bớt phải lo hơn về một kỳ đà cản mũi họ trong cuộc đua với Real. Và Alba sang Barca sẽ khiến đội bóng xứ Catalan mạnh hơn hẳn trong bối cảnh Abidal gần như không còn khả năng chơi đỉnh cao nữa. Nếu Barca không mua được Alba, họ sẽ không còn đáng sợ như ngày xưa nữa?
3. Có một chuyện tương tự ở La Liga cũng mới xảy ra ở Premier League. Đó là vụ Van Persie sang M.U. Arsenal để Van Persie sang M.U là họ đã biến M.U trở nên mạnh hơn hẳn với cặp sát thủ Van Persie - Rooney. Điều đó có bất lợi cho Arsenal không? Tưởng có mà không….
Người ta nói cuộc đua vô địch Premier League năm nay, M.U và Man City vẫn là ứng viên hàng đầu. Tất cả đã vội quên một Arsenal được củng cố quá nhiều ở mùa Hè này và sự thực Pháo thủ muốn được quên như thế. Họ thích đánh úp trong cuộc đua và muốn dễ đánh úp nhất thì phải khiến kẻ mạnh nhất căng mình đối phó. Còn gì hay hơn là bắt Man City phải lo đối phó với một M.U mạnh hơn. Cái hay của vụ Van Persie đối với Arsenal là ở chính chỗ đó. Tất nhiên, nó hợp lý khi Arsenal đã có những tăng cường cụ thể. Nhược bằng không, tất cả chỉ là ngụy biện mà thôi.
4. Modric, Alba và Van Persie đều chỉ là những cá nhân đơn lẻ. Bóng đá lại là môn thể thao tập thể và vai trò tập thể luôn được đề cao. Nhưng nhiều khi, chỉ một dịch chuyển của một cá nhân có thể sẽ làm dịch chuyển cả tình thế chung.
Vai trò cá nhân, vì thế, khó có thể bị gạt bỏ dễ dàng. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu nếu ta nhìn vào những gì Mourinho đã làm cho Real mà Pellegrini chưa làm được. Và cũng sẽ không lâu nữa, chúng ta sẽ sớm nhận ra, vai trò cá nhân của Tito Vilanova ở Nou Camp là như thế nào: quan trọng hay không quan trọng.
Pep Guardiola từng nói “không có tôi Barca vẫn vô địch”, nhưng ông vẫn là người được nhiều CLB thèm muốn nhất lúc này. Và quan trọng, ông cũng là HLV Barca hiếm hoi trong mấy thập kỷ qua, để lại nỗi tiếc nuối vô cùng to lớn khi ông ra đi.
Đó chính là vai trò cá nhân trong guồng quay chung của một trò chơi tập thể…