Lăng Kính: Những đôi vai ở Nou Camp
1. Rất trùng hợp, chỉ một thời gian ngắn sau sự so sánh của Rosell, Đức Giáo hoàng Benedict XVI trở thành người đầu tiên từ chức ở cương vị này kể từ thời Trung cổ. Và trùng hợp hơn, là thủ môn của Barcelona cũng đã “từ chức” trước đó ít lâu. Trong tháng 1, Victor Valdes đã tuyên bố sẽ rời CLB ngay khi thời hạn hợp đồng kết thúc.
Valdes ra đi nằm ngoài ý nguyện của Barca: họ chưa hề có phương án thay thế anh, và đang phải hỏi mua tứ tán khắp châu Âu để tìm một thủ môn chất lượng. Đó là vấn đề mà Barca chưa bao giờ phải đối mặt suốt cả thập kỷ qua. Họ chưa bao giờ lâm vào tình trạng không có cầu thủ giỏi cho một vị trí bất kỳ.
Tại sao Valdes lại ra đi? Có lẽ Rosell hiểu đúng: áp lực và sự mệt mỏi. Ở vị trí ấy, vinh quang thì ít khi đến lượt, nhưng lại là người chịu trách nhiệm cuối cùng.
2. Valdes là nhân tố chủ chốt thứ 2 của Barcelona “từ chức” trong hơn nửa năm qua. Người đầu tiên đã quá nổi tiếng: Pep Guardiola. Ông tuyên bố công việc ở Nou Camp đã khiến mình “khô kiệt”. Có lẽ ngoài Valdes, nhiều người chia sẻ cảm giác ấy với Pep. Xin nhấn mạnh là công việc ở Barca làm Pep “khô kiệt”, chứ không phải công việc huấn luyện nói chung, vì ông sẽ quay trở lại công việc ấy cùng Bayern trong năm nay.
Barca đã sống trên đỉnh cao quá lâu, đến mức người ta tưởng rằng họ sinh ra là để cho vị thế ấy. Nhưng cần phải nhìn lại một thực tế, rằng họ chỉ là những con người.
Đã bao lâu rồi bạn không đọc được một bài báo khen ngợi Xavi? Trong 5 năm trở về trước, khen Xavi là một “thủ tục thường lệ” của người xem bóng đá. Giờ thì anh đã có tuổi rồi. Anh không còn là Xavi của EURO 2008 nữa. Mà tiqui-taca lại trông chờ quá nhiều vào chân chuyền của anh. Xavi chưa “từ chức” theo nghĩa đen, nhưng đã tiến gần tới việc ấy theo nghĩa bóng.
Guardiola, Valdes, Xavi và có thể rất nhanh thôi, sẽ là Puyol, Mascherano, sẽ “từ chức”. Và Barca có thể cũng “từ chức” khỏi cương vị của một kẻ thống trị. Bởi những người lý tính đều hiểu rằng thế hệ ấy là có một không hai, thành tích ấy đến từ thiên thời và nhân hòa, chứ không phải Messi hay lối chơi tiqui-taca trên lý thuyết tạo ra.
Nhưng ai sẽ cho Barca được “từ chức” trong yên lành?
3. Những cuộc thoái vị ở Nou Camp khiến người ta lạ lẫm. Từ Pep đến Valdes, ít người chấp nhận được việc họ ra đi khi đang có tất cả.
Và cuộc thoái vị của chính Barca, nếu nó xảy ra, như đã xảy ra với Real trong quá khứ, như đã xảy ra với tất cả các đội bóng dù là hùng mạnh nhất lịch sử, sẽ không được chấp nhận yên lành. Dù đó là quy luật của cuộc sống.
Những đôi vai Barca đang mỏi mệt. Điểm kết thúc của một triều đại đã có thể nhìn thấy. Nhưng ai sẽ cho họ thời gian để xây dựng lại, hay người ta sẽ la ó, sẽ đuổi HLV, sẽ không thể chấp nhận thực tế rằng Barca không còn là Barca, bởi họ chỉ được tạo ra bởi những người trần mắt thịt?
Điều này, Real Madrid hiểu rất rõ: CLB ấy từng khủng hoảng gần 10 năm, vì đám đông không chấp nhận điều gì khác ngoài chiến thắng và chiến thắng đẹp đẽ.