Lăng kính: Người Nou Camp ăn gì?
Bạn hẳn đã đọc ở đâu đó quan điểm cho rằng, Pep là HLV gặp thời, may mắn nắm giữ một đội hình mạnh nhất nhì lịch sử bóng đá thế giới, để rồi cứ thế đoạt hết danh hiệu này tới chiếc cúp khác. Nhưng những gì Pep làm không hiển thị trên mặt cỏ, mà âm thầm hơn.
Việc đầu tiên ông làm ở Nou Camp là thay đổi chế độ dinh dưỡng của cầu thủ. “Với Frank (Rijkaard - PV), thêm vài ký chẳng vấn đề gì. Với Pep, mọi thứ là về dinh dưỡng, về các chỉ số cơ thể, về thể lực” - Xavi kể - “Ông ta theo dõi chúng tôi như con diều hâu”. Nếu Frank coi bóng đá là nghệ thuật, thì Pep coi bóng là nghệ thuật và lao động.
“Con diều hâu” Pep Guardiola khắc nghiệt đến khó tin. Ông làm nhiều việc khiến người ta nhớ đến “máy sấy tóc” Alex Ferguson. Nếu Sir Alex cấm cầu thủ dưới 23 tuổi đi siêu xe đến sân tập, thì Pep cấm hết. Ibrahimovic là người duy nhất dám đi siêu xe. Lý do đơn giản là anh này “bất cần đời” và chống đối Pep đến tận cùng (kết quả thì chúng ta đều đã biết). Có lần, Eto’o đến tập muộn một phút, và Pep phạt toàn đội: “Chúng ta là một tập thể. Một người muộn, cả đội sẽ muộn”.
Những nguyên tắc nhỏ nhặt từ sinh hoạt đến ăn uống như thế, có thể tạo nên những nhà vô địch, lịch sử đã chứng minh.
2. Hôm nay, dưới thời Tito Vilanova, người ta lại phải hỏi câu: “Người Nou Camp ăn gì?”. Có tiếp tục ăn kiêng, ăn mắng như dưới thời Pep, hay sẽ “ăn” cái gì khác?
Có câu hỏi ấy là bởi Tito Vilanova đang muốn thay đổi Barca. Không nhiều lắm, nhưng cũng đủ để tạo ra những biến động. Ông không còn muốn sử dụng Cesc Fabregas trong vai trò tiền đạo nữa: Villa đã trở lại, và cầu thủ trẻ Tello được “quy hoạch” để phát triển. Nhưng hàng tiền vệ thì đã chật chội quá. Thế là Cesc ngồi ngoài, với vẻ mặt không dễ chịu gì lắm.
Tito Vilanova cho thấy ông có xu hướng muốn quay vòng nhân sự. Đó là điều Pep không làm, và nếu có làm, cũng được hỗ trợ bởi những luật lệ nghiêm khắc. Việc quay vòng nhân sự sẽ khiến những khuôn mặt không dễ chịu nhiều lên.
Ý nghĩa cơ bản của những việc như “ăn sáng cùng đồng đội tại sân tập”, “không đi siêu xe” hay “bị phạt vì một phút” mà Guardiola đề ra, là để đảm bảo trật tự. Một tập thể gồm những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới cần một sự “đàn áp” để duy trì ổn định, đoàn kết và quyền của người chỉ huy.
Và người ta có quyền tự hỏi, Tito Vilanova liệu có làm được tất cả những việc đó?
3. Phải khen rằng Vilanova dũng cảm. Bởi ông đã dám nhúng tay sửa đổi di sản của Pep, dù chỉ một chút. Nhưng chính vì sự dũng cảm ấy, mà phát sinh câu hỏi về uy tín của Vilanova.
Có thể ông đã đủ uy tín, có thể tập thể Barca đủ đoàn kết và biết cách tự gìn giữ trật tự, biết kiềm chế và an phận từ thời Guardiola. Có thể là không. Vilanova sẽ phải quan tâm đến việc cho cầu thủ Barca “ăn gì?”.
Chỉ là một câu hỏi nhân trường hợp của Fabregas. Nhưng di sản của Guardiola để lại là quá lớn khiến người kế nhiệm được phép chủ quan.
Và trong bóng đá, chiến thuật chưa chắc đã quan trọng hơn tinh thần trong việc chiến thắng. Guardiola hiểu điều đó. Mourinho càng hiểu điều đó.