Lăng kính: Còn một cuộc chiến khác
1. Chuyện bây giờ mới kể: Năm 2004, Messi từng suýt bị Barca bán cho CLB nhỏ Lleida, khi đó đang thi đấu ở giải hạng Nhì TBN. Năm ấy, 2 CLB ký một thỏa thuận hợp tác, Lleida sẽ trở thành “sân sau” của Barca, và một trong những yêu cầu đầu tiên mà Lleida đưa ra sau khi trở thành đối tác, là có Lionel Messi.
Phải nhớ rằng tới tận đầu năm 2004, Messi vẫn chỉ đang chơi ở Barca C, chứ thậm chí chưa được đưa lên Barca B. Những gì các lãnh đạo Barca biết về anh lúc ấy chỉ là “nhiều tiềm năng”, chứ không phải là “ngôi sao”. Vì thế, một cuộc thương lượng đã được tiến hành giữa Barca và Lleida.
Mọi thứ chỉ bị đình lại khi Txiki Begiristain, GĐTT của Barca khi đó, lao vào “phá đám”. Txiki Begiristain quá tin tưởng vào tài năng của cậu bé 16 tuổi, và quyết định giữ anh lại.
Quyết định của Begiristain thay đổi số phận rất nhiều người. Nó biến Barcelona từ chỗ sống dưới cái bóng của Real Madrid trong thập kỷ trước trở thành đội bóng xuất sắc nhất lịch sử. Còn Lleida thì phá sản năm 2011 với khoản nợ 29 triệu euro. Thậm chí, sau lễ trao giải Quả bóng vàng FIFA 2012 hôm thứ Hai vừa qua, có thể nói rằng Begiristain đã thay đổi lịch sử của bóng đá.
2. Bây giờ thì Begiristain đang ở Man City, nơi ông trở thành vị GĐĐH nhận lương cao nhất thế giới với một nhiệm vụ rõ ràng: đưa ra những quyết định như với Messi năm 2004.
Một trong những quyết định ấy, là chiêu mộ Gerard Deulofeu từ Barca. Deulofeu là chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất cho Barca B trong mùa giải trước, có tên trong đội hình tiêu biểu giải U19 châu Âu hồi tháng 7/2012, tóm lại, là tài năng trẻ hứa hẹn nhất của La Masia hiện nay.
Tito Vilanova luôn công khai khen ngợi Deulofeu. Ông là người đóng vai của Begiristain 8 năm về trước. “Tôi sẽ không cho Deulofeu ra đi” – ông đã nói điều đó ít nhất 2 lần trước báo chí.
Lần đầu tiên, là để trả lời Mallorca trong mùa Hè. Deulofeu ở lại. Nhưng lần thứ 2 này, cuộc chiêu mộ không phải được thực hiện bởi một Lleida ở hạng Nhì, không phải bởi một Mallorca lao đao bên bờ vực phá sản, mà bởi Manchester City.
Điều khoản giải phóng hợp đồng? 8,1 triệu nếu quy đổi ra đồng bảng Anh. Một số tiền có thể dùng từ “cỏn con” để miêu tả, khi mà 30 cầu thủ mà Man City đưa về từ năm 2007 đã có giá gần nửa tỷ bảng.
Điều duy nhất mà Berigistain cần làm là thuyết phục cá nhân Deulofeu. Tất nhiên là văn hóa của La Masia cho các học viên một ý thức rất rõ ràng về “màu cờ sắc áo”. Nhưng nếu Deulofeu biết chữ và biết đếm, anh có thể làm một động tác đơn giản: so sánh số lần tên mình xuất hiện cạnh từ “Barcelona” trên mặt báo với Neymar – một tiền đạo khác. Sẽ gợi ý cho anh rất nhiều về tương lai.
3. Deulofeu sẽ không phải là cầu thủ cuối cùng mà Begiristain muốn lấy từ Barca. Đó là đội hình, là lò đào tạo chất lượng nhất thế giới, và lại là nơi vị GĐĐH của Man City hiểu rõ nhất.
Một cuộc chiến gian nan đang mở ra trước mắt Tito Vilanova và các đồng sự. Đối thủ của họ bây giờ là kẻ nguy hiểm nhất, bởi chính Begiristain đã góp phần kiến thiết nên Barca ngày hôm nay, và ông đang kiểm soát một lượng tài chính quá lớn.
Có thể một bước đi sai lúc này sẽ thay đổi số phận của Barca trong tương lai, và thế là đã đủ nguy nan rồi, chứ chưa nói tới thay đổi lịch sử.
Ở trên đỉnh, gió luôn mạnh hơn. Đừng nói rằng huấn luyện Barca, đội bóng không cần tới một chiến thuật nào để chiến thắng, là một việc đơn giản.