Khi Tây Ban Nha trở thành lò đào tạo của... châu Âu
Đã có 19 cầu thủ người Tây Ban Nha rời Tây Ban Nha trong mùa Hè này và con số đó không có vẻ gì sẽ dừng lại. Hôm thứ Tư là Alvaro Negredo. Trước đó một ngày là Thiago Alcantara và Jose Campana. Tuần trước đó là Jesus Navas, Joaquin và Fernando Llorente. Tình trạng xuất khẩu cầu thủ đã thật sự trở thành một xu thế tại Tây Ban Nha.
Mùa trước, có 212 cầu thủ đang chơi ở nước ngoài đủ tư cách được gọi vào đội tuyển Tây Ban Nha. Mùa này có thêm 19 cái tên khác nhập bọn với họ. Cơn khủng hoảng kinh tế quét qua châu Âu không chừa một quốc gia nào, nhưng Tây Ban Nha có vẻ như lại đang hứng chịu hậu quả nặng nề nhất, chí ít bóng đá là một lĩnh vực rõ ràng nhất.
Trước đây, cầu thủ Tây Ban Nha rất hạn chế ra nước ngoài thi đấu. Họ chỉ quanh quẩn ở trong nước vì tính cạnh tranh thì cao, thu nhập ổn định và không phải xa nhà. Nhưng khi Fernando Torres và Xabi Alonso rời Liga sang Liverpool, các cầu thủ Tây Ban Nha dần mạnh dạn hơn với quyết định xuất ngoại của mình bởi đa số các cầu thủ Tây Ban Nha ra nước ngoài đều gặt hái được thành công.
Họ đều đã chạy khỏi Tây Ban Nha
"Trong vài năm nữa, số cầu thủ của đội tuyển Tây Ban Nha chơi ở nước ngoài sẽ nhiều hơn trong nước," người đại diện Gines Carvajal của nhiều cầu thủ Tây Ban Nha tuyên bố. Quả vậy. Bạn dư sức lập ra một đội tuyển đang chơi ở nước ngoài với toàn những cái tên đẳng cấp trải dài ở các tuyến: Pepe Reina, David De Gea, Jose Enrique, Cesar Azpilicueta, Nacho Monreal, Juan Mata, David Silva, Jesus Navas, Alvaro Negredo...
Tây Ban Nha có nhiều lò đào tạo danh tiếng. Cầu thủ của họ có kỹ thuật cơ bản hoàn thiện nên dễ dàng thành công dù có phải ra nước ngoài từ sớm như trường hợp của Cesc Fabregas. Vì thế giới chuyên môn khuyên bạn hãy chú ý đến Gerard Deulofeu, người nhiều khả năng sẽ thắp sáng Premier League mùa tới khi chơi cho Everton.
Có những cầu thủ kỳ thực không muốn ra đi, như Adrian của Real Betis chẳn hạn, nhưng chính CLB cũng không muốn gia hạn hợp đồng cho anh. Với họ, một bản hợp đồng mới là một gánh nặng. Đến wifi mà còn phải cắt giảm thì nói gì đến nhân sự và những thứ tốn tiền hơn. Nếu Real Madrid không mua một loạt những cầu thủ Tây Ban Nha, giờ này có lẽ Isco và Asier Illarramendi cũng đang ở Anh và Daniel Carvajal hãy còn ở Đức. Nhưng cả 3 cái tên vừa nêu là quá ít ỏi so với lượng cầu thủ đang tháo chạy ra nước ngoài.
Vì thế không có gì quá đáng khi nói Tây Ban Nha đang dần trở thành lò đào tạo của cả châu Âu.