
Tình huống mới đáng kể duy nhất mà giới quan sát có thể chờ đợi chỉ là một cuộc hoán chuyển quyền lực giữa 2 kẻ mạnh ấy. Gió đã xoay chiều khi Real qua mặt Barcelona? Và khi qua mặt được đối thủ cạnh tranh duy nhất thì liệu Real có thể mở ra một thời kỳ mới, đẩy Barcelona vào điểm khởi đầu của cả một chu kỳ thất bại, kéo dài trong nhiều năm liền?
Câu trả lời có thể xuất hiện ở cuộc đụng độ El Clasico cuối tuần này.
MỘT CUỘC CHUYỂN GIAO QUYỀN LỰC?
Người ta cứ nói bóng đá không có chỗ cho chính trị, nhưng đấy chỉ là cách nói tuyệt vọng nhằm cổ súy tinh thần bóng đá chính thống. Trên thực tế, bạn có thể lờ đi yếu tố bóng đá trong chính trị, chứ không thể tách rời yếu tố chính trị ra khỏi bóng đá. Điều này càng rõ rệt trong làng bóng Tây Ban Nha.
Và chính vì vậy, giới hâm mộ Real càng có lý do để củng cố niềm tin về khả năng lật đổ Barcelona trong mùa bóng này, thậm chí là ngay cuối tuần này.
Mầm mống của kỷ nguyên mới ấy xuất hiện từ bên ngoài sân cỏ, khi đảng PP của Mariano Rajoy chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 20/11 để nắm quyền trở lại, lần đầu tiên từ năm 2004. Thất bại thuộc về đảng PSOE của Jose Luis Rodriguez Zapatero, thủ tướng TBN từng nhiều lần nói rõ ông là cổ động viên của Barcelona.
Thế còn nhân vật Rajoy sẽ thay Zapatero? Báo chí chẳng phải hỏi, vì ông đã tự trả lời, đúng hơn là tự thừa nhận: ông là một Madridista chính hiệu!

Tất nhiên, Zapatero không nhất thiết phải lập tức nhường ghế cho Rajoy sau khi đại bại trong cuộc bầu cử ngày 20/11. Cũng vậy, Barcelona không nhất thiết phải tự thoái trào trước Real ở thời điểm này. Nhưng sự trùng hợp quá rõ ràng: nối tiếp thất bại của thủ tướng Zapatero và đảng PSOE là trận thua 0-1 đầy bất ngờ của Barcelona trước Getafe!
Mùa bóng vẫn còn đang ở lượt đi, nghĩa là còn có rất nhiều tình huống có thể xảy ra trong cả chặng đường dài còn lại, nên khoảng cách về mặt điểm số chưa thể nói lên nhiều điều. Dù sao, nét mới vẫn quá rõ ràng. Đây là lần đầu tiên sau 3 năm, Real Madrid chiếm thế thượng phong trước đối thủ duy nhất có thể tranh ngôi vô địch La Liga với họ. Mùa trước, Barcelona chỉ mất 18 điểm trong suốt 38 vòng đấu. Mùa này, họ đã mất 11 điểm sau sau 15 vòng.
Và khi nói về số điểm mất đi của Barcelona (hoặc cả Real Madrid), chúng ta chỉ cần lưu ý một điều: La Liga là nơi mà nhà vô địch trong những năm gần đây cần có khoảng 90 điểm (Real thậm chí không thể vô địch với 92 hoặc 96 điểm). Có nghĩa: 1 điểm mất đi của Barcelona ở La Liga to gấp nhiều lần 1 điểm mất đi của M.U hoặc Chelsea ở Premiership!
Ý CỦA THƯỢNG ĐẾ
Trong thời kỳ Zapatero và đảng PSOE cầm quyền, Barcelona vô địch La Liga 5 lần trong khi Real chỉ có 2 lần đăng quang. Và do Barcelona tỏ ra quá thuyết phục, từ lối chơi cho đến kết quả, từ trận địa quốc nội cho đến sân cỏ quốc tế, ảnh hưởng lan đến cả đội tuyển TBN ở EURO và World Cup, người ta có vẻ… quên luôn 2 lần vô địch của Real trong thời kỳ vừa qua.

Đến đây, lại phải quay về mối liên hệ giữa bóng đá và chính trị ở TBN. Đâu là xuất phát điểm dẫn đến thời kỳ hùng mạnh vừa qua của Barcelona? Đấy là tháng 3/2004, khi Real “đang trên đường tiến đến cú ăn ba” – ít nhất là theo giọng điệu của báo chí Madrid. Thế rồi, 3 quả bom phát nổ tại ga tàu Atocha. Đảng PP thất bại trong cuộc bầu cử năm ấy, và Real bước vào thời kỳ đen tối, mở ra cả một kỷ nguyên huy hoàng nhất trong lịch sử Barcelona cũng như đội tuyển TBN, với ảnh hưởng to lớn của Barcelona.
Tờ El Mundo Deportivo đăng cả chùm tranh với lời chú dẫn: “Quá dễ hiểu, đảng PP thắng và Madrid cũng đang bắt đầu chiến thắng. Thượng đế muốn như vậy”. “Ý muốn của Thượng đế” dĩ nhiên chỉ là một cách giải thích về sự trùng hợp giữa thất bại của đảng PSOE trong cuộc bầu cử và thất bại của Barcelona trước Getafe. Cách giải thích thứ hai: đấy chỉ là chuyện may rủi, là sự trùng hợp thuần túy. Còn lý do nào nữa? Đấy mới là nguyên nhân lớn nhất: Real Madrid đang qua mặt Barcelona trong lĩnh vực chuyên môn. Chứ chẳng lẽ bàn về El Clasico, bàn về bóng đá TBN, về các tượng đài Barcelona, Real Madrid, mà cứ nói mãi những chuyện bên ngoài sân cỏ?
TIQUI-TACA ĐANG TIẾN DẦN ĐẾN ĐOẠN KẾT
Xin nhắc lại, đây chỉ là xu thế chứ chưa có một kết quả rõ ràng để phán quyết theo hướng tuyệt đối hóa vấn đề. Nhưng bóng đá đôi khi không cần đến những kết quả rõ ràng ở mức tuyệt đối.
Như đã nêu trên, Barcelona mùa này mất điểm quá nhiều so với mùa trước. Nguyên nhân có thể là lối chơi Tiqui-taca của Barcelona đã trở nên quá quen thuộc. Đấy vừa là ưu, vừa là khuyết điểm của Barcelona (họ chỉ biết chơi theo cách ấy). Mạnh đến mấy cũng phải có lúc các đối thủ tìm ra được cách hóa giải, hoặc hạn chế được sức mạnh của Barcelona.
Tỷ lệ giữ bóng của Barcelona trong mùa này còn cao hơn 2 mùa trước (bình quân 72,44%, so với 68% và 69%), nhưng uy lực của Tiqui-taca thì lại giảm đi. Số lần tung cú dứt điểm sau khi mải mê “đập, nhả” của Barcelona đang ngày càng giảm đi, mức độ rõ ràng của các cơ hội ăn bàn cũng đang mờ dần. Lionel Messi ngày càng phải lùi về sâu hơn, và hàng công Barcelona ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào ngôi sao này.
Cũng có thể nói, vì Messi quá hay nên các vấn đề của Barcelona hoặc của Tiqui-taca mới chưa bộc lộ rõ nét. Nhưng những vấn đề ấy quả đang tồn tại. Hầu hết các mũi ghi bàn của Barcelona bây giờ đều quá tập trung vào khu giữa sân, không còn những mũi nhọn uy hiếp khung thành bên ngoài “điểm nóng”, như Thierry Henry trước đây.

Lúc thành công vang dội, Tiqui-taca là cả một nghệ thuật, làm lừng danh “trường đại học” La Masia. Còn khi thất bại, đấy lại là bài học kinh điển về tình trạng đơn điệu trong lối chơi. Người ta sẽ lại quay về với thời kỳ mà đội tuyển TBN là “vua vòng loại” hoặc “vua giao hữu”, còn Barcelona chỉ uy hiếp đối phương bằng những kỹ thuật điêu luyện phô diễn cách khung thành đối phương ở tầm xa 30m trở lên.
Bây giờ, Barcelona vẫn đang “đập, nhả”, nhưng bóng lăn chậm hơn, đối phương có cả thời gian lẫn không gian nhiều hơn để đối phó. Tuổi tác, thể lực của các trụ cột Barcelona đều không hoàn hảo như trước. Mùa này, đã có 17 trường hợp chấn thương, đã có 13 đội hình khác nhau. Tóm lại, có quá nhiều dấu hiệu giúp ta nhận định lối chơi Tiqui-taca lừng danh của Barcelona đang tiến dần đến một đoạn kết của một chu kỳ thành công rực rỡ. Đã 7 năm rồi còn gì…
REAL CỦA MOURINHO
Đầu mùa đến giờ, hình như chưa nghe “Người đặc biệt” phát biểu câu nào giật gân. Ông không chửi rủa, mắng nhiếc, không đổ lỗi, cũng không làm những chuyện khó coi như trước nữa. Có thể, đấy chỉ là hiện tượng nhất thời, trong lúc này. Nhưng hiện tượng ấy nói lên rằng Mourinho lúc này không có nhu cầu đổ lỗi hoặc kết tội ai. Ông đang vui vẻ, vì Real Madrid của ông đang tiến những bước thành công!
Đây là mùa bóng thứ hai Mourinho dẫn dắt Real Madrid. Nhìn lại Porto, Chelsea, Inter Milan, chúng ta thấy ngay: mùa bóng thứ hai của Mourinho luôn là mùa bóng thành công hơn cả.
Không khó lý giải. Đấy luôn là mùa bóng mà lực lượng Mourinho muốn có đã ổn định hơn, đã có đủ thời gian thực hiện những ý đồ chuyên môn trong cách chơi của ông. Những trở ngại trong việc thực hiện ý đồ chuyên môn ấy đã được Mourinho chế ngự, hoặc gạt bỏ. Quyền lực của Mourinho đối với đội bóng đã trở nên vững chắc… Không thành công hơn mùa đầu thì mới là chuyện lạ.
Có thể khẳng định ngay rằng lối chơi của Real Madrid, dưới sự dẫn dắt của Mourinho, đa dạng hơn hẳn lối chơi Tiqui-taca của Barcelona (chứ không phải của Guardiola). Đội chủ sân Bernabeu giờ vẫn chơi thiên về công, không hề “giết chết bóng đá đẹp” như tai tiếng mà Mourinho thỉnh thoảng vẫn bị quy chụp, lại có hiệu quả rõ ràng trong phòng ngự.
Mourinho biến một Xabi Alonso có vẻ thầm lặng, khiêm tốn, thành mẫu ngôi sao “càng già càng cay”, không tỏa sáng nhưng luôn phát huy vai trò một cách tuyệt vời, cho Real. Ông biến Karim Benzema từ “sự lãng phí có giá 35 triệu euro” thành một trong những tiền đạo hay nhất châu Âu. Gần đây (như ở trận thắng 3-2 trên sân Valencia), người ta thấy Mourinho đẩy Sami Khedira lên một vị trí cao hơn trong đội hình Real và cách xếp đội hình như thế càng làm tăng hiệu quả của Mesut Oezil và Cristiano Ronaldo ở 2 cánh.
Nói rằng Real có lối chơi đa dạng hơn Barcelona là ở những chỗ như vậy. Tất nhiên, cũng phải nói rằng Mourinho hơn hẳn Guardiola, cả về kinh nghiệm cầm quân ở nhiều đội bóng, bản lĩnh trận mạc ở nhiều đấu trường, lẫn năng khiếu bố trí, vận hành hoặc điều chỉnh đấu pháp.
Real đang thật sự chiếm ưu thế trong cuộc đua tay đôi với Barcelona, và đấy là tình huống mới đáng kể nhất trước cuộc đụng độ El Clasico tại La Liga cuối tuần này. Và nếu thầy trò HLV Mourinho biến được ưu thế ấy thành một chiến thắng cụ thể, thì rõ ràng là La Liga sẽ có một thay đổi lớn quan trọng, ở nơi mà nhìn chung thì chẳng có gì mới ngoài tranh hùng Real - Barcelona!
Chỉ một trận thua của Barcelona trước Getafe là đủ trở thành đề tài cho cả một kết luận lớn của tờ báo El Pais: “La Liga đã thoát khỏi vòng cương tỏa của Barcelona”.
Huyền thoại Alfredo Di Stefano bình luận trong những ngày này, sau chiến thắng của PP trước PSOE: nhà lãnh đạo mới sẽ mang tên Real Madrid!
Nguồn: thethaovanhoa.vn