Barca: Chỉ có một bí quyết vĩnh cửu
Chiến thắng 3-0 trước Bayern vừa qua được đánh giá là một trong những chiến thắng ấn tượng nhất của Barca trong lịch sử những lần dự Champions League. Chiến thắng ấy là sự kết hợp hoàn hảo giữa sức mạnh tập thể, tài năng cá nhân, và thái độ quyết liệt tới mức “hung hãn” không thường thấy ở Barca. Nếu vẫn duy trì được phong độ và thái độ ấy, việc Enrique tái lập thành tích ăn ba mà Guardiola từng làm được là hoàn toàn trong tầm tay.
Nhưng nếu Barca của Enrique vô địch Champions League mùa này, họ có thể tự tin nói rằng mình đã đi một con đường riêng, khác hẳn con đường đã đưa Barca của Cruyff, của Rijkaard và của Guardiola lên đỉnh châu Âu. Nếu Cruyff là học trò xuất sắc nhất của “trường học Hà Lan”, thì Rijkaard và Guardiola, đặc biệt là Guardiola, chính là những học trò ưu tú nhất của “lớp học Cruyff”. Barca của ba người có thể khác nhau ở nhiều điểm, nhưng phong cách, hay “cái hồn”, thì không lẫn đi đâu được. Barca của Enrique thì có thể giống Barca-Guardiola ở nhiều điểm, nhưng khác nhất ở “cái hồn”.
Có một con số thống kê rất đáng chú ý sau trận Barca-Bayern: Lần đầu tiên Barca kết thúc một trận đấu với tỉ lệ cầm bóng thấp hơn đối thủ ở Cúp châu Âu, sau 101 trận liên tiếp là kẻ làm chủ cuộc chơi. Trận này, Bayern cầm bóng 53,5%, trong khi Barca chỉ cầm 46,5%. Guardiola một lần nữa đã thành công trong việc duy trì triết lý của mình, ngay cả khi phải chơi trên “quê hương tiqui-taca”. Tuy nhiên, thành công của Pep, buồn thay, lại chỉ khiến cho dấu ấn của Enrique thêm nổi bật.
Nói về thành công của Barca mùa này là nói tới sức mạnh hủy diệt của bộ ba M-S-N. Ở trận đấu với Bayern, Messi được xem là người đã một mình quyết định số phận của cuộc đối đầu. Nhưng điều đó không có nghĩa là vai trò của Enrique có thể bị xem nhẹ. Ngược lại! Nếu M-S-N là những quả tên lửa, thì Enrique chính là bệ phóng.
HLV 45 tuổi đã dám làm những điều không ai trong “lớp học Cruyff” dám làm, đó là phớt lờ ảnh hưởng của các tiền vệ, chấp nhận mất bóng như một phần không thể thiếu của kế hoạch tạo ra khoảng trống cho các tiền đạo. Nếu thay cho khoảng trống là những bức tường người, liệu những Neymar, Suarez và cả Messi có thể thăng hoa như thời gian qua?
Barca vẫn luyện tập căng như dây đàn sau chiến thắng trước Bayern |
---|
Thế nên, nếu Barca trong thời gian tới trở lại là đội kiểm soát bóng nhiều hơn đối thủ, thì đó là vì chất lượng của họ quá vượt trội, chứ không phải là vì Enrique bị ám ảnh bởi điều đó. Chính Enrique cũng góp phần khiến nội bộ Bayern phải tự diễn biến: Thomas Mueller công khai “bật” Guardiola, trong khi Xabi Alonso kết luận “kiểm soát bóng làm gì nếu không ghi được bàn thắng!?”.
Rồi một ngày, đến Guardiola có lẽ cũng phải nhìn lại sự cực đoan của mình. Tiqui-taca hay bất kỳ chiến thuật nào dù ưu việt tới đâu cũng không thể trường tồn. Nếu có một triết lý nào có thể trở thành vĩnh cửu, thì chỉ có thể là triết lý “chiến thắng”, thứ duy nhất Barca-Enrique đang theo đuổi.
Tiqui-taca của Bayern vô hại
Các cầu thủ Bayern có lý do để cảm thấy khó chịu với chiến thuật của Guardiola. Ở trận đấu với Barca, đội bóng Đức đúng là những người cầm bóng nhiều hơn, song yếu tố đột biến trong những pha lên bóng của họ là thấp hơn hẳn so với đối thủ. Cả trận, Barca tung ra được tới 17 cú sút, 8 trong đó trúng đích và 3 thành bàn. Chỉ có 1/8 cú sút của Bayern đi trúng đích, song chẳng làm khó nổi thủ thành Ter Stegen.