
Tầm nhìn của người Đức
Thành công ở World Cup 2014 là cái kết có hậu cho kế hoạch và tầm nhìn đúng đắn của những người làm bóng đá Đức, cũng như sự kiên nhẫn và nỗ lực lớn của Mannschaft.
Học người Đức làm bóng đá, nói thì dễ nhưng làm thì không dễ. Người ta nói, tuyển Đức giống Kobe Bryant, một trong những siêu sao bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại. VĐV từng 5 lần vô địch giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) có một câu nói bất hủ: “Tôi không sáng tạo bất kỳ điều gì, nhưng tôi làm những điều có sẵn tốt hơn bất kỳ ai”.
Một lần nữa, phải nhắc lại câu “nói dễ làm không dễ”. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng biết những thứ cần làm, nhưng rất hiếm người chọn lựa và “bắt chước” thành công như Bryant. Quả là không dễ khi vào ngày Giáng sinh, Bryant vẫn đúng lịch 5h30 sáng bắt đầu một ngày làm việc bằng màn chạy bộ, sau đó tập với chuyên gia nổi tiếng Tim Grover ở phòng gym. Grover là HLV riêng của Michael Jordan, VĐV được nhiều người tôn vinh là nhà thể thao xuất sắc nhất lịch sử thế giới. Điểm chung giữa Jordan và Bryant: học nhanh, làm cũng nhanh, bền bỉ hơn bất kỳ ai. Ngay buổi sáng sau đêm mừng chiến thắng là chức vô địch NBA, Jordan đã đến phòng tập sớm hơn thường lệ. Jordan nói với Grover: “Để vô địch đã khó, để bảo vệ ngôi vô địch càng khó hơn nên càng phải nỗ lực hơn”. Kết quả: Jordan 2 lần lập kỳ tích 3 lần liên tiếp vô địch NBA.

Jordan chính là thần tượng của Dirk Nowitzki, siêu sao bóng rổ Đức rất mê bóng đá. Nowitzki lại là thần tượng của Toni Kroos, một trong những ngôi sao sáng nhất của Đức ở World Cup 2014. Họ giống nhau đến mức kỳ lạ. Và sự bền bỉ, không ngừng vươn lên chính là đặc tính khiến nước Đức trở thành số 1 về bóng đá. Khâu đào tạo trẻ của thể thao Đức có thể nói là tuyệt vời. Trong phạm vi bóng đá, người Đức từng thừa nhận phải sang Pháp học cách làm của học viện Clairefontaine, nhưng không lâu sau đó hệ thống đào tạo bóng đá trẻ của Đức mới là số 1 thế giới. Kết quả là Mannschaft hưởng lợi, liên tiếp gặt hái thành tích quốc tế trong hơn 1 thập kỷ qua. Người Đức không chỉ có tiền mà còn có cách làm hợp lý, trong khi người Anh cũng lắm tiền và cũng học từ Clairefontaine nhưng Tam sư trước sau vẫn chỉ mang đến những sự hụt hẫng ở các giải đấu châu lục và thế giới. Những khác biệt cơ bản, nhưng không thể không nhắc đến: thái độ, tư duy, quyết tâm, sự chính xác là những nét ưu việt của nền bóng đá Đức.
Khâu chuẩn bị và cách thụ hưởng thành công của bóng đá Đức lắm khi tưởng điên rồ nhưng lại hóa tuyệt vời. Từ việc xây dựng riêng một khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Brazil để các tuyển thủ sử dụng trong thời gian diễn ra World Cup 2014, sau giải tặng luôn chính quyền địa phương nơi đây. Từ việc làm phim ghi lại hành trình đăng quang ở Brazil 2014 cho đến việc Mesut Oezil làm từ thiện giúp đỡ các trẻ em nghèo tại Brazil… Tất cả đều là chuẩn mực đáng để suy nghĩ và học tập. Thierry Henry từng nói sẽ dạy con học đá bóng giống Thomas Mueller chứ không học theo Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo. Dễ hiểu thôi: rất nhiều cầu thủ có thể trở thành Mueller nhờ phương pháp đúng và chuyên cần, trong khi không ai có thể thành Messi và Ronaldo với tài năng thiên phú dị biệt. Messi hay Ronaldo dù tài năng trội hẳn so với Mueller, nhưng cả hai chưa có danh hiệu nào cùng ĐTQG trong khi Mueller là nhà vô địch thế giới 2014.