Pep Guardiola và cuộc cách mạng hậu vệ cánh
“Họ (Messi và Alves) là bộ đôi giỏi nhất ở cánh phải”, Guardiola phát biểu sau khi chiêu mộ Alves từ Sevilla với giá 23,5 triệu bảng. Dần dà, sự xuất sắc của Alves ở cánh phải giúp cho Pep tự tin hơn trong việc dời Messi vào trung lộ. Trong 4 năm dưới thời Pep, một mình Alves có 45 pha kiến tạo. Chỉ có Messi và Xavi là có nhiều đường chuyền thành bàn hơn.
Khi đã đến Bayern, Pep tiếp tục nâng thử nhiệm của mình lên một tầm cao mới với 3-4-3. Philipp Lahm, hậu vệ cánh số 1 của Bayern được đôn lên đá tiền vệ trung tâm. Rafinha và David Alaba được giao trấn giữ 2 biên. Nhưng đấy là một cặp hậu vệ biên mà chúng ta chưa từng thấy trong lịch sử khi họ được giao nhiệm vụ xâm nhập vào trung lộ, vừa làm tăng khả năng kiểm soát bóng, vừa để tạo ra những miếng đánh chưa từng thấy trong chiến thuật bóng đá hiện đại.
Nếu đối phương quyết định theo kèm hậu vệ cánh của Bayern, họ sẽ bỏ lỏng 2 cánh và khi ấy Arjen Robben và Franck Ribery sẽ cho họ nếm mùi đau khổ. Còn nếu họ quyết giữ vững quân số ở cánh, trung lộ sẽ nguy hiểm bởi sự vượt trội quân số của Bayern.
Cách chơi này của Guardiola có thành công không? Trong mùa bóng đầu tiên, Bayern đã giành Bundesliga, Cúp Quốc gia Đức, Siêu Cúp châu Âu và FIFA Club World Cup. Ở Champions League, họ chỉ dừng chân ở bán kết trước đội sau đó đã vô địch là Real Madrid.
Khi Bayern hạ Roma 7-1 ở Champions League mùa này, họ đá với 3 cầu thủ ở hàng thủ là Alaba, Jerome Boateng và Mehdi Benatia, phía trên là cặp tiền vệ trung tâm Xabi Alonso - Lahm. Vậy ai đá ở 2 cánh? Juan Bernat và Robben. Vâng, Robben! Tiền vệ người Hà Lan khiến đối phương không biết cử ai theo kèm vì anh đá ở một vị trí quả lạ. Nếu Lahm chạy theo Robben, Lahm sẽ dâng lên cánh và đá như một hậu vệ cánh. Rõ ràng Pep đã mang đến một chiều sâu mới cho vị trí vốn đã tiến hóa rất nhiều này.