Đồ thị dưới sẽ cho chúng ta một cái nhìn tổng quan về cái gọi là “derby nước Đức”. Đó là vị trí của Bayern Munich và Borussia Dortmund trên bảng xếp hạng trước mỗi trận đối đầu kể từ mùa giải 1999/00 trở lại đây. Có thể dễ dàng nhận ra rằng trong một giai đoạn dài từ 2002 đến 2007, Bayern luôn gặp Dortmund trong thế “cửa trên” với một khoảng cách mênh mông.
Suốt cả chiều dài đồ thị, số lần Dortmund nằm trong nhóm vị trí các đội vẫn đang có khả năng cạnh tranh chức vô địch (hầu hết là từ thứ 5 trở lên) chiếm không nổi một nửa. Và số lần mà Dortmund xếp trên Bayern khi hai đội gặp nhau càng ít hơn: chỉ 5 lần (trong tổng số 23 trận được thống kê), ở 3 mùa giải khác nhau.
Nghĩa là “đồ thị đẳng cấp” của Bayern và Dortmund trong suốt một thập kỷ qua giao nhau rất ít. Lần thứ nhất là ở mùa giải 2001/02, lần thứ hai ở mùa giải 2007/08, và lần cuối ở mùa trước. Hai trong số những lần ấy, Dortmund trở thành đội vô địch Bundesliga. “Cuộc nổi loạn” ngắn ngủi của họ đầu mùa giải 2007/08 không đem lại kết quả gì, khi cán đích ở vị trí thứ 13, còn Bayern vẫn vượt lên nhanh chóng để giành chức vô địch.
Vị trí trên BXH chỉ là một thông số tổng quát nhất, và đó là còn chưa bàn tới điểm số của họ trong những lần ấy, và vị trí vào cuối mùa. Đó luôn là những khoảng cách mênh mông. Trong một thập kỷ qua, Dortmund vượt lên Bayern 2 lần. Đã đành rằng như thế là khá hơn các đội khác, nhưng điều đó có đủ để làm nên một trận derby đúng nghĩa?Thực tế, ở nước Đức, không hề có một CLB nào là đối trọng của Bayern Munich. Borussia Moenchengladbach ở thập kỷ 1970 có thể là một đối thủ vô cùng khó chịu (vô địch 5 lần, so với 3 của Bayern trong thập kỷ đó). Nhưng họ đánh mất sức mạnh của mình quá nhanh. Thập kỷ 1980, Hamburg lại vùng dậy chống trả Bayern, nhưng thế lực ấy cũng không bền.
Dortmund kế thừa truyền thống của Gladbach và Hamburg trong thập kỷ 1990, và lần này tạo cho người ta nhiều hy vọng hơn: sau 2 chức vô địch Bundesliga là chức vô địch Champions League (1997), với một thế hệ huy hoàng. Họ đánh bại cả Man United lẫn Juventus (lúc ấy vẫn còn Zidane) trên đường giành vinh quang.
Thời điểm ấy, dưới trướng của HLV Hitzfeld là một tập thể những con người vĩ đại. Từ huyền thoại bóng đá Thụy Sỹ Chapuisat, người được in hình lên tem của… quốc gia Đông Á Tajikistan, cho đến Sammer, Kohler, Moeller, Freund hay Reuter, những người hùng của EURO 1996 tại Anh, và sở hữu kỳ quan Lars Ricken, người được dự đoán là tương lai của bóng đá Đức khi chưa tròn 20.
Chức vô địch của họ còn được nhuốm thêm màu sắc cổ tích bởi những câu chuyện như “giấc mơ của Riedle”: tiền đạo của Dortmund đã mơ thấy mình sẽ ghi một bàn bằng chân trái và một bàn bằng đầu ngay trong đêm trước trận chung kết với Juve, và rồi thực sự làm cả 2 việc đó trong hiệp 2 của trận chung kết.
Bayern Munich hoàn toàn lu mờ dưới cái bóng khổng lồ ấy. Quãng thời gian ấy biến Dortmund thành đội bóng có lượng CĐV số 1 nước Đức. Nhưng nó cũng không kéo dài được lâu: Bayern kéo được kiến trúc sư đại tài Hitzfeld về với họ năm 1998. Những huyền thoại thuộc thế hệ Sammer nghỉ hưu. Lars Ricken trở thành một “thần đồng vĩnh cửu” truyền thuyết của Đức, khi không bao giờ phát triển trọn vẹn thành một cầu thủ lớn và vạ vật ở Dortmund suốt nhiều năm sau.
Dortmund sống trong một ảo tưởng về sự vĩ đại, niêm yết CLB trên sàn chứng khoán với hy vọng trở thành CLB giàu có nhất nước Đức, tiêu tiền như điên, liên tục phá kỷ lục chuyển nhượng của Đức để tìm kiếm vinh quang. Nhưng rồi họ rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng, trở thành đội bóng thường thường bậc trung ở Bundesliga cho tới trước khi hồi sinh ở mùa giải năm ngoái.
Trên thực tế, quãng thời gian mà Dortmund đứng trên đỉnh vinh quang của bóng đá Đức rất ngắn. Một bằng chứng nhỏ: trên ngực áo Dortmund bây giờ chỉ được thêu một ngôi sao, tượng trưng cho 4 chức vô địch Bundesliga, bằng với Bremen. Trong khi đó, trên áo của Moenchengladbach, có tới 2 ngôi sao, tượng trưng cho 5 chức vô địch. Áo của Bayern thì không phải bàn: 4 ngôi sao cho 21 chức vô địch.
Xét về bề dày lịch sử, Dortmund chỉ ngang bằng với Bremen hay Hamburg. Xét về thành công trong những thập kỷ gần đây, họ cũng không thể duy trì mà cứ 3 chìm 7 nổi. Dường như giới truyền thông Đức đã quá ưu ái Dortmund để tạo ra một thứ gọi là “trận derby nước Đức”.Lần đầu tiên trong thế kỷ 21, Dortmund và Bayern chia nhau 2 vị trí dẫn đầu khi đối mặt. Phải nói thêm rằng số lần mà hai đội đứng sát nhau như thế khi trận “derby nước Đức” diễn ra trong 12 năm qua, chỉ có 2 lần. Nghĩa là Bayern không sa sút, còn Dortmund đã lại có dấu hiệu vươn lên.
Nhưng Dortmund của mùa giải này không còn là đội bóng khiến Bundesliga phải khuất phục hoàn toàn một năm về trước. Họ đã suy yếu. Việc những cầu thủ trẻ của HLV Klopp phải hứng chịu sức ép của vinh quang quá sớm dường như đã làm hại họ. Đầu tiên, những lời mời gọi từ khắp châu Âu khiến cái đầu của những Subotic, Goetze, Grosskreutz và Kagawa không còn tập trung như trước.
Nói đến Dortmund bây giờ là nói đến những tin đồn chuyển nhượng. Nào là Arsenal sẵn đang chạy đua với Juve và Bayern để có Goetze, M.U muốn chi 22 triệu cho Kagawa và 20 triệu cho Subotic… Cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề từ giữa thập kỷ 2010 vẫn còn để lại dấu ấn ở Dortmund, khi họ không thể bổ sung thêm vào nền tảng mà Klopp đã xây dựng những nhân tố sáng giá hơn, thay vào đó, còn đứng trước nguy cơ tan rã. Ít nhất là Nuri Sahin đã ra đi, và hàng tiền vệ của Dortmund đã có một lỗ hổng.
Áp lực thứ hai, đơn giản hơn, là việc Dortmund phải gồng lên giữ vị thế khi bản lĩnh còn non yếu. Mùa trước, họ chơi với tư cách một kẻ thách thức không có gì để mất. Mùa này, họ là nhà ĐKVĐ. Phong độ thất thường của Dortmund từ đầu mùa đã nói lên tất cả.
Còn Bayern Munich đã quay trở lại một cách ngoạn mục. Họ đang sở hữu một đội hình mà nhiều người tin rằng xuất sắc bậc nhất trong lịch sử CLB. Trong đội hình ấy, ngay cả chỗ đứng của Robben cũng lung lay. Ngay cả trong trường hợp Dortmund thắng trận này, thu hẹp khoảng cách xuống còn 2 điểm, hy vọng của họ cũng rất ít: trong cả 2 mùa Dortmund vô địch Bundesliga, họ đều xếp trên đối phương trước các cuộc đối đầu, một dấu hiệu cho thấy Bayern đang khủng hoảng.
Những người Bayern vẫn rất tôn trọng đối thủ. “Chúng tôi coi là họ kẻ cạnh tranh lớn nhất của chức vô địch”, đội trưởng Lahm phát biểu. Nhưng sự khách sáo ấy không thể khiến người ta lờ đi thực tế rằng “derby nước Đức” lại sắp quay về với khoảng cách đẳng cấp mênh mông trước kia.
Bongdaplus.vn